Giá đất nền cao tốc
Tôi về quê dịp rằm tháng Giêng. Đường từ Hà Nội về Vinh ngắn lại thêm một ít nhờ dự án cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn đã hoàn thành.
Với dự án này, một phần ba quãng đường về quê tôi đã là cao tốc. Thời gian đi hết quãng đường này chỉ hơn một tiếng. Nếu toàn bộ đường về quê là cao tốc, tôi sẽ chỉ mất hơn ba giờ đồng hồ, tiết kiệm một nửa thời gian đi lại. Đây chỉ là sự tiết kiệm của một cá nhân. Trên quy mô toàn xã hội, sự tiết kiệm sẽ lớn biết nhường nào.
Đường cao tốc không chỉ giúp tiết kiệm thời gian, mà còn là nhiên liệu, phương tiện, chi phí cho sức khỏe, cho bảo vệ môi trường... Thực tế cho thấy cơ sở hạ tầng, đặc biệt là đường cao tốc, mở ra đến đâu thì kinh tế - xã hội phát triển vượt bậc đến đó. Kinh nghiệm của Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Nguyên và nhiều tỉnh thành khác là minh chứng rõ nét.
Lợi ích là vậy, nhưng điệp khúc chậm tiến độ vẫn lặp đi lặp lại ở các dự án kiểu này. Một trong những nguyên nhân nan giải là tình trạng thiếu đất đắp nền. Để tháo gỡ nút thắt, Thủ tướng đã đưa ra một chính sách đột phá là cho phép các địa phương cấp mỏ đất trực tiếp cho nhà thầu, với điều kiện nhà thầu chỉ được khai thác đủ khối lượng thi công mặt đường, xong phải hoàn thổ và trả lại mỏ đất cho địa phương. Chính sách này mở lối cho những địa phương còn quỹ đất nhanh chóng thi công đường cao tốc qua địa phương mình. Tuy nhiên, với những địa phương không còn mỏ đất công, vấn đề thiếu đất đổ nền cao tốc có lẽ vẫn còn đó.
Tình hình thực tế là đất vật liệu thiếu vì giá, chứ không phải vì khan hiếm. Khi biết quy hoạch tuyến đường cao tốc Bắc-Nam, nhiều mỏ đất thuận tiện cho việc xây dựng thường được doanh nghiệp tư nhân thâu tóm. Sở hữu mỏ đất nơi cao tốc chạy qua, họ mặc nhiên có "vị thế độc quyền" để xác định giá đất nguyên vật liệu.
Các mỏ vật liệu vốn là tài nguyên quốc gia. Tuy nhiên, vì địa phương đã bán, đấu giá hoặc giao cho tư nhân khai thác, Nhà nước nay phải mua lại với giá cao hơn. Một nhà thầu xây dựng cho tôi biết, nhiều chủ mỏ ra giá 60 nghìn đồng cho một m3 đất. Điều kiện là đưa phương tiện vào khai thác, khai thác bao nhiêu trả tiền bấy nhiêu.
Mức giá như vậy khiến nhà thầu tiến thoái lưỡng nan. Cụ thể, mức giá được chủ đầu tư phê duyệt cho một m3 đất nền nén chặt là 92 nghìn đồng. Để có được một m3 đất nền cần 1,7 m3 đất mỏ. Như vậy, để thi công được một m3 đất nền đường, nhà thầu cần mua 60 x 1,7 = 102 nghìn đồng đất mỏ. Chưa kể các chi phí máy móc, nhân công, vận tải và quản lý, riêng tiền đất nguyên vật liệu, nhà thầu phải bù lỗ 10 nghìn đồng mỗi m3 đất nền đường.
60 nghìn đồng cho một m3 đất vẫn chưa phải là mức giá cao nhất. Theo các báo giá sản phẩm hàng hóa, vật liệu xây dựng được công bố vào những thời điểm khác nhau của các doanh nghiệp khác nhau, giá đất nền "nhảy múa" từ 90 nghìn đồng đến 170 nghìn đồng mỗi m3, tùy từng địa phương, từng cách tính. Đây là nguyên nhân khác khiến nhà thầu phải "tranh mua, tranh bán" vật liệu.
Trước thực trạng đó, hôm qua 23/2, lãnh đạo Chính phủ đã yêu cầu UBND các tỉnh chỉ đạo kiểm tra, ngăn ngừa tình trạng tranh giành mỏ vật liệu, cản trở khai thác mỏ mới. Nếu vấn đề không được giải quyết triệt để, khó hy vọng các nhà thầu sẽ thi công cao tốc nhanh chóng.
Có một số bất hợp lý cần xem xét điều chỉnh. Trước hết là trường hợp giá đất nguyên vật liệu thực sự cao. Nếu quá trình đấu giá cho kết quả giá cao khiến chủ mỏ phải bán ra cao tương ứng, thì định mức giá đất nền cần được nâng lên.
Trường hợp thứ hai là giá thành của đất mỏ thấp. Đây có vẻ là tình huống phổ biến trên thực tế. Xác định giá đất nguyên vật liệu là việc khá dễ dàng, đặc biệt trong trường hợp chủ mỏ cho nhà thầu tự khai thác, thu tiền theo khối lượng. Lấy tổng chi phí thủ tục (chính thức và phi chính thức) và tiền đấu giá đất chia cho khối lượng đất là ra giá của mỗi m3 đất. Chủ mỏ có thể cộng thêm một tỷ lệ lợi nhuận nhất định vào giá đất. Để tránh chủ mỏ lợi dụng vị thế độc quyền ép giá, địa phương nên xây dựng chính sách điều chỉnh vấn đề này.
Ngoài ra, nếu mỏ đất được cấp cho các quan chức hoặc người nhà của họ là xung đột lợi ích và vi phạm các quy định của Luật Phòng chống tham nhũng. Một cuộc thanh tra, công bố kết quả minh bạch là điều cần làm.
Vấn đề thiếu hụt vật liệu nền đường, nút thắt cho tiến độ xây dựng cao tốc Bắc-Nam, được tháo gỡ nhanh chóng hay không phụ thuộc vào sự quyết liệt của các địa phương. Đường xong sớm ngày nào, người dân và đất nước sớm được hưởng lợi ngày đó.
Theo VnExpress.net
https://vnexpress.net/gia-dat-nen-cao-toc-4430475.html
- Cảnh giác trước chiêu trò lợi dụng phản biện xã hội để chống phá
- Sàng lọc đảng viên - khó cũng phải làm
- Nâng “chất” giám sát, phản biện xã hội
- Giám sát, phản biện xã hội sớm từ cơ sở
- Nhận diện "giặc nội xâm" lãng phí
- Giám sát, phản biện xã hội sớm từ cơ sở
- Sàng lọc đảng viên - khó cũng phải làm
- Vạch trần những thủ đoạn chống phá, xuyên tạc về Quốc hội Việt Nam
- Nhận diện "giặc nội xâm" lãng phí