Giá vàng giảm đến bao giờ?
Bị bán mạnh trong những ngày qua, giá vàng thế giới đã giảm xuống dưới mốc 1.900 USD mỗi ounce. Sau hiện tượng ngày Thần Tài, giá vàng liên tiếp giảm bởi cộng hưởng từ đà lao dốc của thị trường kim loại quý thế giới và nhu cầu trong nước suy yếu.
Gắng gượng hồi phục sau áp lực bán tháo
Sau những ngày giảm mạnh, phiên giao dịch 9/2 giá vàng thế giới tăng trở lại nhưng vẫn đứng dưới mốc 1.900 USD/ounce. Tính trong 10 phiên trở lại đây, giá vàng quốc tế giảm hơn 60 USD/ounce đứng ở mức 1.870 USD/ounce, tương đương mức giảm khoảng 1,8 triệu đồng/lượng. Dù vậy, nếu tính trong 3 phiên cuối tuần trước, giá vàng đã rơi gần 100 USD/ounce từ vùng 1.960 USD/ounce (tương đương mức giảm tới 2,8 triệu đồng/lượng).
Khách hàng giao dịch tại cửa hàng Bảo tín Mạnh Hải. Ảnh: Thanh Hải
Theo các đánh giá, lãi suất của Mỹ tăng có xu hướng đã giúp USD mạnh lên, cộng với việc thị trường tài chính biến động theo chiều hướng tăng, khiến một số quỹ đầu tư bán vàng để chuyển hướng đầu tư sinh lời. Tuần trước, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tăng lãi suất dự kiến là 0,25%, tích lũy nâng lãi suất Quỹ của Fed lên 4,5% trong chu kỳ thắt chặt này.
Lãi suất trái phiếu Mỹ đã lên tới 3,68%/năm nên nhiều người tập trung mua trái phiếu, làm cho thị trường vàng thiếu vắng người mua. Thế nên khi giá vàng lên tới 1.885 USD/ounce, giới đầu cơ đã bán ra thu hồi vốn. Mới chỉ phục hồi, giá vàng thế giới đã rơi thẳng đứng 20 USD xuống còn 1.865 USD/ounce. Giá vàng còn chịu áp lực chốt lời và thậm chí là bán tháo sau khi Mỹ công bố dữ liệu khả quan từ báo cáo việc làm cuối tuần trước.
Năm 2022, giá vàng thế giới có lúc vượt 2.000 USD một ounce vào đầu tháng 3 trước tình hình căng thẳng Nga - Ukraine leo thang, nhưng không duy trì được lâu. Kim loại quý sau đó đi xuống và suốt nửa cuối năm phần lớn giao dịch dưới vùng 1.800 USD một ounce.
Dưới mốc 1.900 USD/ounce, áp lực giảm còn lớn
Các chuyên gia cho rằng, giá vàng có nguy cơ giảm hơn nữa vì các nhà kinh tế cho rằng động lực tăng mạnh trong thị trường lao động có thể buộc Fed duy trì chính sách thắt chặt tiền tệ lâu hơn dự kiến. Nhiều nhà phân tích đang theo dõi mức hỗ trợ quanh mốc 1.850 USD mỗi ounce.
Theo Chủ tịch Fed Jerome Powell, lạm phát của Mỹ đã bắt đầu giảm nhưng còn một chặng đường dài để đáp ứng các mục tiêu giảm lạm phát. Đồng thời, ông cho biết dữ liệu kinh tế Mỹ mạnh mẽ hơn có thể buộc Fed phải tăng lãi suất nhiều hơn dự kiến. Khi Mỹ có thể nhiều lần tăng lãi suất trong năm 2023, tiền chảy mạnh vào trái phiếu Mỹ.
Bất kỳ tín hiệu chính sách nào mà ông Powell đưa ra cũng có thể gây ảnh hưởng đến kỳ vọng của nhà đầu tư về lãi suất, từ đó tác động tới giá tài sản trong đó có vàng. Giám đốc điều hành Marc Chandler tại Bannockburn Global Forex cho rằng, sự điều chỉnh của vàng có thể kéo dài thêm khi dữ liệu lạm phát tiếp theo được công bố.
Alexandra Wilson-Elizondo, người đứng đầu bộ phận đầu tư bán lẻ đa tài sản tại Goldman Sachs Asset Management cho biết, ông mong đợi hai đợt tăng 25 điểm phần trăm nữa vào tháng 3 và tháng 5. Theo dữ liệu của CME Group, xác suất tăng lãi suất lên 25 điểm phần trăm vào ngày 21 - 22/3 là 95% thay vì 83% như dự đoán trước đó. Ông dự báo nếu vàng mất ngưỡng 1.865 USD, giá có thể rơi xuống vùng 1.830 - 1.850 USD.
Theo dữ liệu của Hội đồng Vàng thế giới (WGC), động lực cần chú ý của nhà đầu tư trong thời gian tới là hoạt động của các ngân hàng trung ương (sau khi đã thực hiện mua 1.136 tấn trong năm qua - mức cao nhất kể từ năm 1967).
“Cửa hẹp” đầu tư lướt sóng vàng
Thị trường trong nước, sau ngày vía Thần Tài (31/1) giá vàng liên tục rơi. Bước sang năm 2023, giá vàng trong nước diễn biến tăng - giảm đan xen vào nửa đầu tháng 1. Đáng chú ý, sau đợt nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, giá tăng mạnh, vượt mốc 68 triệu đồng/lượng bởi nhu cầu tăng khi sắp đến ngày vía Thần Tài (mùng 10 tháng Giêng) sau đó giảm giá khiến nhiều người thua lỗ.
Tính từ mức giá 68 triệu đồng, người mua đã lỗ 1,2 triệu đồng mỗi lượng, chưa kể người mua vàng còn mất thêm tiền công từ vài trăm nghìn tới cả triệu đồng. Khoản lỗ này gấp đôi so với giai đoạn tương tự của năm 2021, nhưng thấp hơn năm ngoái khoảng 700.000 đồng một lượng.
Đối với vàng nhẫn, khoản lỗ còn lớn hơn khi các nhà vàng liên tục hạ nhiệt thị trường sau sóng tăng lên 54,5 - 55,8 ngày vía Thần Tài. So với vàng thế giới, vàng SJC cao hơn khoảng 14 triệu đồng/lượng còn vàng nhẫn 9999 cao hơn khoảng 2 triệu đồng/lượng.
“Do đó, nhiều nhà đầu tư lo ngại nếu nắm giữ vàng SJC có thể rủi ro trong trường hợp cơ quan quản lý có chính sách nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng SJC. Vì vậy, rất nhiều người chưa vội mua vàng và đứng ngoài cuộc, nhất là trong bối cảnh lãi suất gửi tiết kiệm an toàn, hấp dẫn hơn" - chuyên gia của Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam Nguyễn Thế Hùng nói.
Chuyên gia vàng Trần Thanh Hải cũng nhận định giá vàng trong nước năm 2023 sẽ khó có đột biến nếu chính sách quản lý thị trường vàng vẫn duy trì như hiện tại, đặc biệt là khi lãi suất tiền gửi duy trì ở mức cao và hấp dẫn nhà đầu tư hơn.
Liên quan đến chính sách quản lý đối với vàng, tại Chỉ thị số 01/CT-NHNN về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngân hàng trong năm 2023, Thống đốc NHNN yêu cầu tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý thị trường vàng theo nghị định của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Điều này nhằm duy trì sự ổn định, bền vững trên thị trường vàng, hạn chế tác động của giá vàng đến sự ổn định của tỷ giá, thị trường ngoại hối và kinh tế vĩ mô.
NHNN cũng sẽ đánh giá tổng kết tình hình thực hiện Nghị định 24/2012/NĐ-CP để tham mưu, đề xuất Chính phủ quản lý thị trường vàng trong thời gian tới.
"Thông thường trong năm, giá vàng sẽ chững lại trong quý III và tăng mạnh trở lại vào dịp cuối năm do ảnh hưởng từ nhu cầu của thị trường. Tuy nhiên, việc các nhà đầu tư phải bán vàng để giải quyết thanh khoản khi thị trường tài chính tiền tệ đang liên tục biến động và tiền điện tử lao dốc. Do đó, vàng có thể tăng nhưng sẽ không quá lớn và đột ngột như một số thời điểm trong năm 2021 và đầu năm 2022." - Chuyên gia của Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam Nguyễn Thế Hùng " Có nên đầu tư vàng và đầu tư vàng ở mức độ thế nào là điều cần phải cân nhắc. Ngoài những rủi ro về biến động giá theo thị trường thế giới, giá vàng trong nước lại có những đặc thù rủi ro khác khi lên xuống không theo đúng nhịp độ thị trường. Chưa kể, với khoảng cách chênh lệch giá so với thế giới lên đến cả chục triệu đồng mỗi lượng, cộng với biên độ mua bán nới “tùy ý” của DN kinh doanh vàng, người mua vàng luôn ở thế bị động “nắm đằng lưỡi”. - TS Nguyễn Trí Hiếu |
Nguồn: https://kinhtedothi.vn/
- Đối thủ tăng thần tốc, báo động thế mạnh top 1 thế giới của Việt Nam
- Từ 20/11, áp dụng quy định mới về lãi suất tiền gửi
- Lãi suất ngân hàng hôm nay 13/11/2024: Một nhà băng tăng mạnh, cán mốc 6%/năm
- Lãi suất ngân hàng hôm nay 11/11/2024: Agribank 'vô địch' nhóm Big4 kỳ hạn ngắn
- Những cam kết chính sách của ông Trump sẽ tác động tới kinh tế Việt Nam ra sao?
- Fed tiếp tục giảm lãi suất, giá vàng tăng vọt trở lại, chứng khoán lập đỉnh
- Lãi suất ngân hàng hôm nay 7/11/2024: Ngân hàng Big4 liên tục tăng lãi huy động
- Hơn 1,2 triệu tỷ trong Quỹ BHXH: Là số dư sổ sách, không phải tiền ở tài khoản
- Giá USD ngân hàng diễn biến trái chiều