Giao dịch chứng khoán phiên chiều 15/2: Hồi phục sau cú sụt bất ngờ, VN-Index tăng hơn 20 điểm
Sự thận trọng dù vẫn còn trên thị trường khi dòng tiền suy yếu, tuy nhiên, sự khởi sắc của các bluechip như MSN hay nhóm Vingroup, nhóm ngân hàng đã giúp VN-Index đòi lại không ít số điểm đã mất trong phiên hôm qua.
Nếu phiên giảm điểm ngày đầu tuần hôm qua đầy bất ngờ thì phiên giao dịch hôm nay thị trường cũng tăng điểm một cách đáng ngạc nhiên. Mọi sự sẽ là hoàn hảo nếu thanh khoản phiên hôm nay không ở mức thấp trong nhiều tháng vừa qua, tổng giá trị giao dịch trên HOSE chỉ đạt hơn 19.000 tỷ đồng.
Về mặt điểm số, VN-Index chỉ tăng hơn 20 điểm nhưng do mở cửa ở mức điểm số cao nên trên đồ thị kỹ thuật vẫn tạo một nến tăng tích cực, phủ nhận hoàn toàn phiên giảm điểm ngày hôm qua, đưa chỉ số vượt trở lại đường MA20 trở lại xu hướng tăng ngắn hạn.
Câu chuyện hiện tại của thị trường vẫn là sự thận trọng bao trùm, việc thị trường tăng điểm mạnh phiên hôm nay có vai trò của sự suy giảm của lực bán hơn là vì lực mua mạnh. Ngoài ra, còn phải kể tới vai trò của một vài mã trụ như MSN, VIC, VHM, VCB phục hồi, đây đều là các mã có đợt điều chỉnh giảm trước đó nên việc phục hồi "đúng lúc" vào phiên hôm nay giúp chỉ số tăng điểm tốt chỉ có ý nghĩa ngắn hạn chứ không phải là dài hạn.
Nhóm cần chú ý là dòng ngân hàng, chứng khoán và thép, nếu có thể thì cần cộng thêm nhóm bất động sản (nhóm này ít có sự đồng thuận như các nhóm trên) mới là động lực đảm bảo thị trường tăng điểm bền vững do có tỷ trọng vốn hóa lớn. Hiện cả 4 nhóm này đều đang có sự suy yếu đáng kể, riêng nhóm ngân hàng sau cú giảm mạnh phiên hôm qua, hầu hết hôm nay chỉ là hồi phục kỹ thuật.
Khi các nhóm trụ đang gặp vấn đề thì khả năng tăng mạnh của thị trường trong ngắn hạn sẽ gặp khó khăn, kịch bản lạc quan là các nhóm trụ sớm đi vào vùng tích lũy để thị trường không sụt giảm mạnh, cơ hội nằm ở các cổ phiếu các nhóm vốn hóa nhỏ như xăng dầu, dệt may, hàng không....
Đóng cửa, sàn HOSE có 266 mã tăng và 164 mã giảm, VN-Index tăng 20,79 điểm (+1,41%), lên 1.492,75 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 606,4 triệu đơn vị, giá trị 19.171,1 tỷ đồng, giảm 25% về khối lượng và 24% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 34,2 triệu đơn vị, giá trị 1.685,6 tỷ đồng.
Động lực chính của thị trường là các bluechip, khi có tới 27 mã tăng trong rổ VN30, chỉ còn HPG, VJC, PLX giảm, với PLX -2%, hai mã còn lại giảm không đáng kể.
Ở nhóm tăng điểm, cổ phiếu MSN bứt phá ngoạn mục, khi tăng mạnh nhất nhóm +5,9% lên 160.500 đồng. Đồng thời, MSN cũng là cổ phiếu lớn nhất cho VN-Index với gần 2,8 điểm tích cực.
Theo sau là nhóm cổ phiếu nhà Vin với VRE +3% lên 34.000 đồng, VHM +2,4% lên 80.000 đồng, VIC +2,3% lên 83.700 đồng.
Nhóm ngân hàng có sự đồng thuận cao, với BID +3,2% lên 46.200 đồng, VPB +2,7% lên 35.950 đồng, MBB +2,2% lên 32.700 đồng, STB +2% lên 33.500 đồng, TPB +1,9% lên 40.750 đồng, các mã HDB, CTG, VCB, ACB tăng từ 1% đến 1,5%, trong khi TCB +0,6%.
Xét rộng ra trong nhóm ở các cổ phiếu vốn hóa thấp hơn thì giao dịch cũng khá tích cực, với SHB +2,5% lên 22.550 đồng, LPB +2,1% lên 24.600 đồng, MSB +1,9% lên 26.700 đồng, SSB +1,6% lên 37.200 đồng, EIB +1,9% lên 37.250 đồng,
Thanh khoản nhóm này tiếp tục dẫn đầu thị trường với STB khớp được hơn 31,1 triệu đơn vị, MBB khớp 20,7 triệu đơn vị, LPB khớp hơn 14,2 triệu đơn vị, CTG khớp 13,3 triệu đơn vị, VPB khớp 12,55 triệu đơn vị, SHB khớp hơn 12,3 triệu đơn vị, TCB khớp 8,58 triệu đơn vị, ACB khớp 6,6 triệu đơn vị...
Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, nổi lên là HAG, khi cuối phiên sáng còn dư bán giá sàn tới hơn 23 triệu đơn vị đã được hấp thụ hết ngay đầu giờ chiều và giao dịch tiếp tục sôi động, kết phiên khớp hơn 38,5 triệu đơn vị, giá cổ phiếu có thời điểm đã gần tới giá trần, nhưng áp lực chốt lời đã khiến cổ phiếu này hạ nhanh độ cao, đóng cửa chỉ còn +0,9% lên 11.650 đồng.
Cổ phiếu liên quan là HNG cũng tương tự, khi đảo chiều tăng mạnh và hụt hơi về cuối phiên, +1,1% lên 9.000 đồng, khớp 13,78 triệu đơn vị.
Ở những nơi khác, một số cổ phiếu bất động sản, xây dựng tăng mạnh với PTC, CKG, VRC và DIG khi đều tăng kịch trần, DXG +6,6%, LDG +5,3%, GEX +4,1%, CII +4%, NLG +3,1%, NBB +2,9%, trong khi FLC, KBC, ROS, HQC, SCR, TCH, HBC, VCG cũng đóng cửa trong sắc xanh, khớp lệnh từ 3,1 triệu đến 10,3 triệu đơn vị.
Trái lại, nhóm thép không thể bật lên, ngoài HPG -0,4% thì HSG, NKG, POM chìm trong sắc đỏ, còn TLH và SMC may mắn nhích nhẹ.
Nhóm dầu khí bị chốt lời với PLX -2%, PVD -1,3%, PSH -2,6%, PVT -1,7%, PXS -2,2%...
Trên sàn HNX, sức bật chung từ thị trường cũng giúp chỉ số HNX-Index đảo chiều tăng và leo lên mức cao nhất ngày khi đóng cửa.
Chốt phiên, sàn HNX có 117 mã tăng và 86 mã tăng, HNX-Index tăng 2,83 điểm (+0,67%), lên 423,84 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 47 triệu đơn vị, giá trị 1.398,1 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 5,44 triệu đơn vị, giá trị 248,7 tỷ đồng.
Một vài cổ phiếu còn giảm như PVS -1,7%, HUT -0,4%, LAS -3,7%, PVC -1,9% và TVC, MBG đứng tham chiếu.
Còn lại đều tăng, nhất là ở các cổ phiếu thanh khoản cao, như CEO +4,1% lên 60.900 đồng, IDJ +7% lên 30.700 đồng, SHS +2,5% lên 41.100 đồng, APS +3,2% lên 32.000 đồng, KLF +3,4% lên 6.000 đồng...
Thanh khoản PVS vẫn cao nhất khi khớp 6,3 triệu đơn vị, CEO khớp hơn 4,22 triệu đơn vị, KLF khớp 3,4 triệu đơn vị, SHS khớp 2,46 triệu đơn vị...
Trên UpCoM, diễn biến tương tự, khi UpCoM-Index nhanh chóng bật lên và ở gần sát mức cao nhất ngày khi đóng cửa.
Dù vậy, giao dịch vẫn khá ảm đạm ở các mã có khối lượng khớp lệnh cao, như BSR, ABB C4G, OIL, BVB, VAB, TCI vẫn giảm.
Trong đó, BSR khớp lệnh vượt trội với hơn 16,4 triệu đơn vị, giảm 3,9% xuống 26.800 đồng.
Chốt phiên, UpCoM-Index tăng 0,37 điểm (+0,33%), lên 111,22 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 45,6 triệu đơn vị, giá trị 1.033,44 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,6 triệu đơn vị, giá trị 19,7 tỷ đồng.
Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều tăng, với VN30F2202 tăng 11,9 điểm (+0,79%), lên 1.522 điểm, khớp lệnh hơn 135.100 đơn vị, khối lượng mở hơn 25.300 đơn vị.
Trên thị trường chứng quyền, phiên này CMSN2110 khớp tới hơn 3,11 triệu đơn vị, dẫn đầu tại thị trường, tăng 31% lên 2.340 đồng/cq.
Nguồn Tinnhanhchungkhoan.vn
https://tinnhanhchungkhoan.vn/giao-dich-chung-khoan-phien-chieu-15-2-hoi-phuc-sau-cu-sut-bat-ngo-vn-index-tang-hon-20-diem-post291257.html
- “Cửa sáng” cho thị trường chứng khoán Việt Nam
- “Cửa sáng” cho thị trường chứng khoán Việt Nam
- Cải thiện tính minh bạch để tăng giá trị, sức hút cho thị trường chứng khoán
- Tìm lời giải cho bài toán bán ròng của khối ngoại
- Cổ phiếu VNI bị đưa vào diện cảnh báo và tiếp tục bị đình chỉ giao dịch
- Thị trường chứng khoán khi nào mới khởi sắc?
- Thị trường chứng khoán khi nào mới khởi sắc?
- Gỡ rào cản về cơ chế thanh toán để sớm nâng hạng thị trường chứng khoán
- Sửa Luật Chứng khoán hướng tới thu hút vốn, tăng quy mô nhà đầu tư tổ chức