Yếu tố nội lực ủng hộ tích cực cho thị trường chứng khoán

Thứ hai, ngày 12 tháng 8 năm 2024 | 11:36

Theo các chuyên gia, diễn biến giao dịch ở những phiên đầu tiên của tháng 8 đang phản ánh sự e ngại rủi ro của nhà đầu tư. Các yếu tố rủi ro bên ngoài như lo ngại kinh tế Mỹ suy thoái, đồng Yên Nhật tăng giá, xung đột khu vực Trung Đông… gây áp lực lên thị trường chứng khoán trong nước. Tuy nhiên, các yếu tố vĩ mô đang khá tích cực ủng hộ xu hướng tăng trưởng của thị trường chứng khoán trong dài hạn.

Yếu tố vĩ mô “đẩy thuyền” cho chứng khoán nửa cuối năm
Các yếu tố vĩ mô trong nước vẫn đang hỗ trợ cho xu hướng tăng trưởng của thị trường chứng khoán Việt Nam. Ảnh: Duy Dũng

Áp lực ngoại biên gia tăng

Trong Báo cáo triển vọng thị trường chứng khoán (TTCK) tháng 8, các chuyên gia của Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) nhấn mạnh, các yếu tố rủi ro bên ngoài như lo ngại kinh tế Mỹ suy thoái, đồng Yên Nhật tăng giá, xung đột khu vực Trung Đông… đã gây áp lực lên TTCK trong nước.

Một số chuyển biến về nền tảng cơ bản theo hướng tích cực có thể đã bị bỏ qua, do yếu tố tâm lý chi phối như: rủi ro tỷ giá giảm dần khi đồng USD quay lại suy yếu; xu hướng phục hồi lợi nhuận theo quý vẫn tốt; định giá thị trường ở mức 11,27 lần trên P/E ước tính một năm sẽ về mức hấp dẫn hơn khi giá tiếp tục điều chỉnh.

Tất cả những rủi ro này đều khó để định lượng, do đó, việc tác động vẫn chủ yếu ở mức độ tâm lý. Trong khi đó, yếu tố kinh tế Mỹ suy thoái thậm chí còn ảnh hưởng tích cực đến TTCK Việt Nam ở góc độ tỷ giá và điều hành chính sách của Ngân hàng Nhà nước.

“Đối với lo ngại về vấn đề đảo ngược vị thế Carry trade đồng Yên Nhật (hoạt động đầu tư dựa trên chênh lệch lãi suất), sự tăng vọt của đồng tiền này sau khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) tăng lãi suất chính sách lên 0,25%, trong khi đó kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) giảm lãi suất lại khiến đồng USD suy yếu đã kích hoạt động thái thoát vị thế của giới đầu tư, bán tháo toàn bộ danh mục tài sản để trả nợ vay bằng đồng Yên” – Chuyên gia của KBSV nhấn mạnh.

“Việc đảo ngược vị thế Carry trade đồng Yên Nhật của giới đầu tư toàn cầu mặc dù không ảnh hưởng trực tiếp đến TTCK Việt Nam do dòng vốn đầu tư từ Nhật vào Việt Nam chủ yếu qua việc cấp vốn ODA, đầu tư trực tiếp FDI, hay đầu tư chiến lược ở các định chế tài chính, nhưng những tác động gián tiếp và tác động về mặt tâm lý sẽ cần phải tính đến. Đối với rủi ro xung đột đang có dấu hiệu leo thang tại khu vực Trung Đông, có thể tác động tiêu cực tới nguồn cung dầu và giá cước vận tải, làm tăng nguy cơ lạm phát quay trở lại. Tuy nhiên, hiện không có nhiều cơ sở để cảnh báo tác động của rủi ro này đến TTCK Việt Nam” – Chuyên gia của KBSV phân tích và đánh giá.

Về mặt định giá, mức P/E hiện tại của VN-Index khoảng 14 lần, mức P/E này đã loại bỏ các lợi nhuận bất thường của doanh nghiệp – đây là mức thấp hơn đáng kể so với mức bình quân 2 năm ở 14,9 lần.

Song vẫn nhiều yếu tố tích cực

Tuy vậy, các yếu tố vĩ mô trong nước vẫn đang hỗ trợ cho xu hướng tăng trưởng của TTCK Việt Nam. Bên cạnh tăng trưởng GDP, việc tiếp tục duy trì mặt bằng lãi suất thấp sẽ là yếu tố hỗ trợ chính cho hoạt động sản xuất, công nghiệp, đầu tư và tiêu dùng trong nước lần lượt hồi phục. Trong ngắn hạn, giai đoạn nửa cuối quý III sẽ là một trong những thời điểm quan trọng để thiết lập những kỳ vọng mới cho TTCK. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã có những động thái cụ thể hơn để tập trung xử lý các vấn đề vướng mắc trong lộ trình nâng hạng của FTSE Russell.

Nhận định về những yếu tố tích cực hỗ trợ TTCK, ông Phan Khánh Linh – CEO Công ty CP TechProfit cho biết, năm 2024 tiếp tục chứng kiến sự hồi phục của nền kinh tế Việt Nam qua các yếu tố tăng trưởng GDP theo quý, khu vực sản xuất, dịch vụ, bán lẻ… hồi phục, hoạt động xuất nhập khẩu tăng mạnh trở lại, vốn giải ngân FDI tiếp tục ghi nhận sự tăng trưởng… Điều này thể hiện ngày càng rõ nét trong số liệu vĩ mô tháng 6/2024 và tháng 7/2024. “Đây là động lực chính giúp VN-Index tiếp tục duy trì sự tăng trưởng trong trung và dài hạn theo chu kỳ hồi phục của nền kinh tế. Đà hồi phục của nền kinh tế Việt Nam dự kiến sẽ tiếp tục tích cực trong những tháng cuối năm” – ông Linh nói.

Bên cạnh đó, theo ông Linh, có thể thời gian tới mặt bằng lãi suất sẽ có xu hướng tăng do áp lực tỷ giá, nhưng so với giai đoạn Covid-19 đây vẫn là mức lãi suất đủ hấp dẫn để các doanh nghiệp kích thích mở rộng kinh doanh. Quan trọng hơn cả là tăng trưởng tín dụng có sự phục hồi, nhu cầu tín dụng cải thiện. Ngoài ra, FED sẽ cân nhắc hạ lãi suất 1 lần trong năm 2024, làm giảm áp lực tỷ giá. Đây là những yếu tố tác động tích cực đến thị trường.

Còn ông Trương Hiền Phương - Giám đốc cấp cao, Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam cho rằng, dù nền kinh tế thế giới lẫn Việt Nam cũng như kết quả kinh doanh của doanh nghiệp chưa đạt kết quả như kỳ vọng, nhưng xét về đầu tư thì nên nhìn bức tranh xa hơn. Sớm muộn FED cũng giảm lãi suất, dòng tiền rút khỏi các thị trường mới nổi và cận biên cũng đảo chiều, dịch chuyển trở lại các thị trường này, trong đó có Việt Nam.

“Sắp tới, quý III/2024 trở đi tới cuối năm doanh nghiệp dần dần hưởng lợi nhiều hơn giúp kết quả kinh doanh tốt hơn. Dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài thông qua thị trường tài chính sẽ quay trở lại TTCK nhiều hơn thay vì rút ròng, khi đó giá cổ phiếu tốt hơn. Vì vậy, những lúc thị trường đang khó khăn, giá giảm lại là cơ hội cho nhà đầu tư mua vào nắm giữ tích lũy, là khoản đầu tư sinh lời tốt trong tương lai” - ông Phương cho hay.

Định giá của hầu hết các nhóm ngành về mức thấp

Theo SSI Research, sau nhịp giảm mạnh, hầu hết các nhóm cổ phiếu đều đang có định giá ước tính 1 năm thấp hơn so với bình quân 5 năm như nhóm: tiêu dùng, tài chính, công nghiệp, bất động sản… Nếu tăng trưởng kinh tế vẫn duy trì tích cực trong giai đoạn cuối năm sẽ hỗ trợ cho sự tăng trưởng tiếp theo của doanh nghiệp niêm yết, là yếu tố hỗ trợ cho thị trường chứng khoán về dài hạn.