Giao dịch chứng khoán phiên chiều 22/3: HAG vụt sáng, VN-Index chinh phục mốc 1.500 điểm
Dòng tiền chảy mạnh giúp VN-Index chinh phục thành công ngưỡng 1.500 điểm và nhiều mã vừa và nhỏ khởi sắc, đặc biệt là HAG bất ngờ vụt sáng trong phiên chiều nay.
Mở cửa phiên giao dịch sáng nay 22/3, tâm lý hào hứng tiếp tục được duy trì sau phiên tăng mạnh trước đó, dòng tiền hoạt động tích cực ở hầu hết các nhóm ngành, đặc biệt tại các nhóm trụ của thị trường như ngân hàng, dầu khí, bất động sản, xây dựng, thép… giúp VN-Index vượt qua ngưỡng cản tâm lý 1.500 điểm.
Trong phiên chiều, sự hứng khởi tiếp tục được duy trì và dòng tiền mở rộng hơn ra các nhóm ngành phân bón, hóa chất, than… VN-Index theo đó nới rộng đà tăng, tiến gần hơn mốc 1.510 điểm.
Tuy nhiên, vùng 1.510 điểm đang là vùng kháng cự mạnh của VN-Index trong đợt tăng này, nên áp lực chốt lời diễn ra mạnh, khiến chỉ số này chưa thể vượt qua ngưỡng cản mạnh.
Dù vậy, việc dòng tiền tham gia tích cực hơn giúp nhiều nhóm ngành vẫn duy trì sắc xanh, trong đó có một số mã lớn như VIC, MSN, VHM, NVL, GAS, giúp VN-Index có phiên tăng điểm thứ 6 liên tiếp và đóng cửa trên ngưỡng cản tâm lý 1.500 điểm.
Điểm nhấn trong phiên hôm nay là nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ đã hút mạnh dòng tiền, trong đó đáng kể là HAG bất ngờ nổi sóng tăng kịch trần với thanh khoản đứng đầu thị trường, dù có lúc giao dịch dưới tham chiếu.
Đóng cửa, với 246 mã tăng và 190 mã giảm, VN-Index tăng 8,83 điểm (+0,59%) lên 1.503,78 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt gần 947 triệu đơn vị, giá trị hơn 28.443 tỷ đồng, tăng 19% về khối lượng và 17% về giá trị so với phiên 21/3. Giao dịch thỏa thuận đóng góp gần 42,66 triệu đơn vị, giá trị gần 1.773 tỷ đồng.
Sức ép gia tăng trong thời gian cuối phiên khiến nhiều cổ phiếu bluechips hạn chế đà tăng. Rổ VN30 vẫn có 22 mã tăng, song không mã nào tăng mạnh. Tăng tốt nhất có thể kể đến STB +2,9% lên 34.050 đồng, MSN +2,4% lên 145.800 đồng, NVL +2,1% lên 84.100 đồng, POW +1,9% lên 16.500 đồng, còn lại đều tăng dưới 1,5%.
Có 4 mã lùi về tham chiếu (VRE, HDB, BVH, VCB) và 4 mã giảm (BID, VNM, KDH và JVC), song chỉ VJC -1,7% về 140.800 đồng, còn lại giảm dưới 1%.
Về thanh khoản, STB là mã giao dịch cao nhất nhóm với 24,85 triệu đơn vị, kế đến là HPG với 22,96 triệu đơn vị, POW đạt 13,2 triệu đơn vị.
Sức cầu tốt giúp cổ phiếu HPG đảo chiều tăng điểm lên 46.900 đồng (+0,1%). Trong khi các mã thép khác nới rộng đà tăng như HSG +1,6% lên 38.800 đồng, NKG +4,3% lên 49.350 đồng…, thanh khoản cũng nằm trong nhóm cao nhất thị trường với HSG khớp 16.58 triệu đơn vị, NKG khớp 10,45 triệu đơn vị.
Trong khi đó, nhóm ngân hàng giao dịch hạn chế hơn trong phiên chiều. Ngoại trừ STB, thanh khoản mạnh từ 10-14 triệu đơn vị chỉ có thêm SHB, LPB, MBB và VPB, song SHB giảm 0,5% về 22.050 đồng.
Trong khi có phần chững lại ở nhóm cổ phiếu lớn, dòng tiền hoạt động mạnh ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ khi giá trị giao dịch của các nhóm cổ phiếu này chiếm tới 72% tổng giá trị giao dịch sàn HOSE.
Trong 10 mã thanh khoản cao nhất thị trường, có tới 8 mã nằm trong nhóm này và hầu hết đều tăng điểm như HAG, ROS, HNG, ITA, CII, HSG…
Trong đó, HAG giao dịch bùng nổ khi tăng trần từ sớm lên 13.150 đồng, khớp lệnh hơn 45 triệu đơn vị, dẫn đầu thị trường. CII cũng duy trì mức giá trần 34.150 đồng và khớp 16,75 triệu đơn vị, tương tự là NBB với sắc tím ở mức giá 35.300 đồng và khớp 4,17 triệu đơn vị.
Các mã ROS, HNG, ITA khớp từ 23-25 triệu đơn vị. Các mã HBC, DCM, DPM, KBC, PVD, JVC, DXG, VIX… cũng đều tăng đi kèm thanh khoản mạnh từ 6-14 triệu đơn vị.
Ngược lại, HQC và FLC thanh khoản đứng thứ 2 và 3 thị trường với 34,5 triệu đơn vị và 33,3 triệu đơn vị, nhưng kết phiên giảm lần lượt -1,9% về 9.070 đồng và -3% về 14.500 đồng. Nhiều mã khác cũng giữ sắc đỏ như SCR, LDG, BCG, DLG, LCG, TCH, FCN…, khớp lệnh từ 6-13 triệu đơn vị.
HQC đang gây chú ý trên thị trường với cuộc chiến vương quyền giữa nhóm cổ đông mới với lãnh đạo hiện tại của Công ty. Sau khi HĐQT HQC có công văn xin lùi lịch họp ĐHCĐ tới tháng 6 được cho là để sau thời gian phát hành 123 triệu cổ phiếu hoán đổi nợ, giúp nhóm Chủ tich HĐQT Trương Anh Tuấn lấy lại vị thế (hiện chỉ nắm 20% vốn điều lệ Công ty), nhóm cổ đông mới được cho là có liên quan đến BII đã có công văn và tập hợp chữ ký để phản đối.
Trên sàn HNX, diễn biến khá tương đồng so với HOSE khi chỉ số HNX-Index cũng bật tăng từ sớm, trước khi lùi nhẹ về cuối phiên khi sức áp lực gia tăng.
Đóng cửa, với 146 mã tăng và 89 mã giảm, HNX-Index tăng 3,06 điểm (+0,67%) lên 461,35 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt gần 141 triệu đơn vị, giá trị 4.139 tỷ đồng, tăng 28% về khối lượng và 35% về giá trị so với phiên 21/3. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 9,6 triệu đơn vị, giá trị 647,2 tỷ đồng.
Nhóm cổ phiếu nổi bật trên sàn HNX vẫn là dầu khí, than với PVC (+9,8% lên 30.200 đồng), NBC (+9,6% lên 21.600 đồng), TC6 (+9,8% lên 15.700 đồng), TVD (+9,7% lên 19.200) đồng đều tăng hết biên độ. PVC khớp 4,7 triệu đơn vị, NBC và TVD khớp khoảng 1,3 triệu đơn vị.
Mã PVS +2,3% lên 35.900 đồng, khớp 11,47 triệu đơn vị, cao nhất sàn HNX. LAS +7,1% lên 21.100 đồng và khớp hơn 2 triệu đơn vị.
NVB để tuột mất sắc tím về cuối phiên, chỉ còn tăng 7,2% lên 34.100 đồng. Các mã TVC, SHS, NDN, MBS, TDH… tăng nhẹ khoảng 1%.
Ở chiều ngược lại, khá nhiều mã bluechip khác quay đầu giảm điểm như CEO, HUT, IDC, NRC, VC3, IDV…, trong đó CEO -1,3% về 73.200 đồng, khớp lệnh 7,93 triệu đơn vị, đứng thứ 3; HUT -2,9% về 49.800 đồng, khớp lệnh 6,1 triệu đơn vị.
Ở nhóm cổ phiếu nhỏ và vừa, mã ART +4,5% lên 11.700 đồng, khớp lệnh 7,97 triệu đơn vị, đứng thứ 2 sàn HNX. Còn KLF -1,4% về 7.100 đồng, khớp lệnh 7,2 triệu đơn vị.
Đáng chú ý, mã KDM có phiên tăng trần thứ 5 liên tiếp lên 14.600 đồng, thanh khoản cũng tăng đột biến với 1,37 triệu đơn vị. Trong 1 tháng qua, mã này đã tăng hơn 50% và hiện đang ở vùng giá cao nhất trong khoảng 3 năm qua.
Trên UPCoM, diễn đi ngược lại với 2 sàn niêm yết khi phần lớn thời gian phiên giao dịch dưới tham chiếu, trước khi bật tăng qua tham chiếu vào cuối phiên.
Đóng cửa, với 241 mã tăng và 125 mã giảm, UPCoM-Index tăng 0,62 điểm (+0,54%) lên 116,8 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt gần 70,31 triệu đơn vị, giá trị 1.525 tỷ đồng, giảm 4% về khối lượng, nhưng tăng 7% về giá trị so với phiên 21/3. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 4,77 triệu đơn vị, giá trị 152,7 tỷ đồng.
Phần lớn cổ phiếu thanh khoản tốt trên UPCoM đều tăng, trong đó VHG bất ngờ vượt lên dẫn đầu thanh khoản với 7,33 triệu đơn vị, tăng 0,9% lên 11.000 đồng.
Cặp đôi dầu khí BSR +1,9% lên 27.000 đồng, OIL +2,2% lên 19.000 đồng, khớp lệnh lần lượt 6,21 triệu đơn vị và 2,03 triệu đơn vị.
Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều tăng, trong đó VN30F2204 đáo hạn gần nhất ngày 21/4 tăng 5,1 điểm (+0,3%) lên 1.499,8 điểm, khớp 115.971 đơn vị, khối lượng mở hơn 32.739 đơn vị.
Trên thị trường chứng quyền, sắc xanh chiếm áp đảo, nhưng dẫn đầu thanh khoản là mã CHPG2114 với 2.433.700 đơn vị khớp lệnh lại giảm 5% về 190 đồng/CQ.
Mã CVPB2202 tiếp tục tăng trần 27,1% lên 5.960 đồng/CQ, khớp 1.080.300 đơn vị.
Nguồn TNCK
https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/giao-dich-chung-khoan-phien-chieu-22-3-hag-vut-sang-vn-index-chinh-phuc-moc-1-500-diem-post293559.html
- “Cửa sáng” cho thị trường chứng khoán Việt Nam
- “Cửa sáng” cho thị trường chứng khoán Việt Nam
- Cải thiện tính minh bạch để tăng giá trị, sức hút cho thị trường chứng khoán
- Tìm lời giải cho bài toán bán ròng của khối ngoại
- Cổ phiếu VNI bị đưa vào diện cảnh báo và tiếp tục bị đình chỉ giao dịch
- Thị trường chứng khoán khi nào mới khởi sắc?
- Thị trường chứng khoán khi nào mới khởi sắc?
- Gỡ rào cản về cơ chế thanh toán để sớm nâng hạng thị trường chứng khoán
- Sửa Luật Chứng khoán hướng tới thu hút vốn, tăng quy mô nhà đầu tư tổ chức