Giai đoạn đánh giá lại danh mục đầu tư cuối năm
Phân tích cơ bản và phân tích kỹ thuật giúp nhà đầu tư có cái nhìn toàn diện hơn về các khoản đầu tư. Ảnh tư liệu

Những “cơn sóng” trên thị trường

Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam gần đây đã chứng kiến những biến động đáng kể. Tâm lý nhà đầu tư trở nên thận trọng hơn khi VN-Index tiệm cận vùng đỉnh cũ, đồng thời các yếu tố ngoại biên khiến dòng tiền “chùng lại”. Dù vậy, nhiều chuyên gia đều khẳng định, về cơ bản TTCK trong nước vẫn nhận được sự hỗ trợ từ tăng trưởng kinh tế và kết quả kinh doanh quý II của các doanh nghiệp niêm yết vượt kỳ vọng.

Nhà đầu tư nên cẩn trọng hơn trong quý III/2024

Thị trường chứng khoán Việt Nam trong quý III kỳ vọng nhận được sự hỗ trợ từ nhiều yếu tố tích cực. Các yếu tố này bao gồm chính sách tiền tệ nới lỏng, các gói hỗ trợ tài khóa và sự phục hồi kinh tế. Dòng vốn ngoại được dự báo sẽ quay trở lại mạnh mẽ hơn nhờ những cải thiện trong môi trường kinh tế vĩ mô và sự ổn định của thị trường. Tuy nhiên, thị trường vẫn đối diện với những thách thức như lãi suất cao và rủi ro về tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại, đòi hỏi nhà đầu tư phải cẩn trọng trong các quyết định đầu tư.

Trên thực tế, TTCK từ đầu tháng 8 tới nay tiếp tục đối diện với những biến động mạnh hơn, phần lớn do lo ngại về suy thoái kinh tế Mỹ và quyết định tăng lãi suất của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản. Chỉ trong 3 phiên đầu tháng, VN-Index đã giảm 63,44 điểm, tương đương 5%, đóng cửa phiên 5/8 ở mức 1.188 điểm.

Ông Vũ Đức Nam - Giám đốc Đầu tư, Art Investor nhận định, TTCK Việt Nam đã trải qua những diễn biến không mấy tích cực trong tháng 7 và đầu tháng 8, chưa được như kỳ vọng ban đầu cho nửa cuối năm 2024. Mặc dù thị trường đã khởi sắc trong nửa đầu năm nhờ kết quả kinh doanh của doanh nghiệp niêm yết và số liệu kinh tế vĩ mô phục hồi, nhưng thanh khoản đã giảm mạnh trong tháng 7 và đầu tháng 8, chỉ còn khoảng 9.000 - 10.000 tỷ đồng mỗi phiên, so với mức 15.000 - 25.000 tỷ đồng ở nửa đầu năm. Nguyên nhân chính có thể do định giá cao của nhiều nhóm cổ phiếu, đặc biệt là các nhóm ngoài ngành ngân hàng, gây áp lực lên thị trường.

Ông Nam cũng cho biết thêm rằng, các rủi ro chính mà TTCK Việt Nam có thể đối mặt trong phần còn lại của năm 2024 chủ yếu đến từ áp lực quốc tế hơn là nội tại trong nước. Dù nền tảng vĩ mô của Việt Nam đang phục hồi nhanh và mạnh hơn so với thế giới, với lợi nhuận tăng trưởng bền vững của các doanh nghiệp, đặc biệt là ngành ngân hàng, nhưng những biến động quốc tế vẫn có thể gây ảnh hưởng lớn đến thị trường.

“Các yếu tố như bầu cử tại Hoa Kỳ, chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), và nguy cơ suy thoái kinh tế Mỹ có thể tác động tiêu cực đến tâm lý nhà đầu tư và dòng vốn vào thị trường chứng khoán Việt Nam” - ông Nam nói.

Lợi nhuận doanh nghiệp là bệ đỡ cho thị trường cuối năm

Trước những biến động của TTCK, các chuyên gia vẫn đặt kỳ vọng tích cực vào TTCK trong nửa cuối năm 2024 nhờ vào nền tảng kinh tế vĩ mô và tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết - yếu tố hỗ trợ quan trọng cho thị trường.

Theo ông Vương Khắc Huy - Trưởng phòng Phân tích đầu tư tại Công ty Quản lý quỹ Daiichi Life Việt Nam (DFVN), thời gian tới có 3 yếu tố chính sẽ đóng vai trò then chốt trong việc duy trì đà phát triển của TTCK, bao gồm: lợi nhuận doanh nghiệp, dòng tiền đầu tư, và các yếu tố xúc tác khác, trong đó có cả những rủi ro tiềm ẩn. Đặc biệt, triển vọng lợi nhuận của các doanh nghiệp sẽ là nền tảng quan trọng, tạo sự ổn định và thúc đẩy tăng trưởng cho thị trường.

“Chỉ số VN-Index thường có xu hướng phản ánh trước những thông tin về triển vọng kinh doanh của các doanh nghiệp, và vì vậy, lợi nhuận doanh nghiệp sẽ tiếp tục là yếu tố dẫn dắt” - đại diện DFVN nhận định.

Trong bối cảnh hiện tại, ông Huy cho rằng, giai đoạn thị trường đi ngang (sideway) chính là thời điểm lý tưởng để các nhà đầu tư đánh giá lại danh mục của mình. Đây là lúc phân tích kỹ lưỡng từng cổ phiếu, điều chỉnh chiến lược tài chính cá nhân sao cho phù hợp với các mục tiêu đầu tư dài hạn. Nhà đầu tư nên tận dụng cơ hội này tích lũy thêm những cổ phiếu tiềm năng hoặc tái cơ cấu những cổ phiếu không còn phù hợp với chiến lược đầu tư ban đầu.

”Nhà đầu tư nên áp dụng phương pháp phân tích cơ bản từ trên xuống, tức là bắt đầu từ các yếu tố vĩ mô, sau đó chuyển sang vi mô, từ ngành cho đến từng doanh nghiệp cụ thể. Việc kết hợp giữa phân tích cơ bản và phân tích kỹ thuật cùng với đánh giá dòng tiền sẽ giúp nhà đầu tư có cái nhìn toàn diện hơn về các khoản đầu tư của mình, từ đó nâng cao hiệu quả và hạn chế rủi ro” - ông Huy khuyến nghị.

Đồng thời, theo vị chuyên gia này, việc theo dõi sát sao các yếu tố ảnh hưởng mạnh đến giá cổ phiếu cũng là điều không thể bỏ qua. Các yếu tố bên ngoài như chính sách lãi suất của FED, diễn biến cuộc bầu cử Mỹ, căng thẳng địa chính trị, cùng với tình hình kinh tế và bất động sản ở Trung Quốc, đều có thể tác động lớn đến thị trường.

Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng cần chú ý đến các yếu tố trong nước như tăng trưởng GDP, đầu tư công, phục hồi tiêu dùng và tình hình thị trường bất động sản.

“Không những vậy, cần phải đánh giá các yếu tố nội tại của từng doanh nghiệp niêm yết, như khả năng tăng trưởng, năng lực chiếm lĩnh thị phần, hiệu quả sinh lời và quản lý nợ, để có thể đưa ra quyết định đầu tư sáng suốt nhất” - ông Huy khuyến nghị thêm./.