Giữ chữ tín để đi đường dài
Giá gạo Việt Nam tiếp tục giữ mức cao nhất thế giới, vượt qua các quốc gia xuất khẩu lớn, cho dù Ấn Độ - quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới - quay lại thị trường.
Theo đó, cuối tháng 10-2024, Ấn Độ gỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo, khiến giá gạo trên thị trường quốc tế đồng loạt giảm mạnh. Theo dữ liệu từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam, mỗi tấn gạo 5% tấm của Pakistan, Thái Lan có giá 457-490 USD, giảm 5-10% so với trước khi lệnh cấm xuất khẩu gạo được Ấn Độ dỡ bỏ. Tuy vậy, trái ngược với xu hướng chung, mỗi tấn gạo Việt Nam sau khi giảm nhẹ xuống gần 500USD đã tăng trở lại từ ngày 21-11-2024 và đạt mức 522USD. Hạt gạo Việt Nam duy trì vị trí đắt đỏ trong nhóm các nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới.
Với giá cao, 10 tháng của năm 2024, Việt Nam xuất khẩu khoảng 7,8 triệu tấn gạo, thu về 4,9 tỷ USD, tăng hơn 23% so với cùng kỳ năm trước. Giá gạo bình quân đạt 626,2USD/tấn, tăng 12%.
Cùng xu hướng với mặt hàng gạo, 10 tháng của năm 2024, kim ngạch xuất khẩu rau, quả của Việt Nam đạt 6,16 tỷ USD, tăng 27,8% so với cùng kỳ năm 2023. Đây là mức kỷ lục mà ngành rau, quả đạt được (cả năm 2023, kim ngạch xuất khẩu là 5,6 tỷ USD, cao nhất lịch sử tính tới thời điểm đó). Dự báo, kim ngạch xuất khẩu rau, quả cả năm 2024 có thể đạt kỷ lục mới là 7,3-7,5 tỷ USD.
Các mặt hàng nông sản giữ nhịp tăng trưởng kỷ lục đã giúp tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 10 tháng của năm 2024 đạt 51,74 tỷ USD, tăng 20,2% so với cùng kỳ năm 2023.
Có thể thấy, nông sản xuất khẩu “được mùa” là tín hiệu vui cho người nông dân và ngành Nông nghiệp nước ta. Tuy nhiên, “đường dài mới biết ngựa hay”. Vì vậy, trong bất cứ hoàn cảnh nào, chúng ta phải luôn đặt chữ tín lên hàng đầu trong sản xuất, kinh doanh nông sản.
Theo đó, để bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống, đồng thời phát huy tiềm năng, lợi thế trong sản xuất, kinh doanh nông sản và tận dụng cơ hội từ các thị trường xuất khẩu, ngành Nông nghiệp cũng như các địa phương, người nông dân cần hướng đến phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp; tiếp tục thực hiện tốt Đề án “Phát triển bền vững một triệu héc ta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”. Bên cạnh đó, các địa phương cần rà soát định hướng quy hoạch, phát triển các vùng sản xuất nông sản hàng hóa quy mô lớn, chất lượng cao, phát thải thấp.
Các cơ quan liên quan cần tiếp tục theo dõi, đẩy mạnh đàm phán, tháo gỡ những rào cản kỹ thuật để mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản; kịp thời hướng dẫn, khuyến cáo các địa phương, doanh nghiệp và hộ nông dân tuân thủ nghiêm quy định của Việt Nam và nước nhập khẩu nông sản. Cùng với đó, các bên liên quan cần tập trung triển khai các chương trình, hoạt động giao thương, quảng bá sản phẩm, thương hiệu để nâng cao giá trị nông sản Việt Nam; khai thác hiệu quả cơ chế ưu đãi của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà nước ta là thành viên nhằm đa dạng hóa, chiếm lĩnh thị trường mới, tiềm năng và nâng cao sức cạnh tranh cho ngành hàng nông sản Việt Nam.
Ở góc độ khác, doanh nghiệp xuất khẩu cần phải thận trọng, linh hoạt trong giao dịch với đối tác để giữ uy tín, bảo vệ thương hiệu nông sản Việt trên thị trường quốc tế; chủ động theo dõi tình hình thương mại nông sản toàn cầu để kịp thời báo cáo các bộ, ngành liên quan những vấn đề phát sinh và đề xuất biện pháp xử lý...
Sản xuất nông sản bảo đảm chất lượng, kinh doanh tuân thủ đúng theo quy định của pháp luật chính là giữ chữ tín để giúp nông sản Việt Nam có vị thế vững chắc trên thị trường quốc tế.
- Khẳng định vai trò Đảng cầm quyền
- Phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong phản biện xã hội
- Phản bác luận điệu xuyên tạc chủ trương của Đảng về xây dựng nền văn hóa
- Tạo “vòng kim cô” kiểm soát quyền lực lập pháp
- Phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong phản biện xã hội
- Nhận diện "giặc nội xâm" lãng phí
- Chống lãng phí từ các dự án treo
- Cảnh giác với chiêu trò mạo danh "phản biện xã hội" nhằm chống phá cách mạng Việt Nam
- Phản bác luận điệu xuyên tạc chủ trương của Đảng về xây dựng nền văn hóa