Gỡ nghìn tỷ kẹt tại nghìn căn hộ bỏ hoang giữa Hà Nội: Có quy định, sao không làm?

Thứ năm, ngày 29 tháng 8 năm 2024 | 8:11

Để hàng nghìn căn hộ tại các dự án nhà ở tái định cư còn bỏ trống được đưa vào sử dụng, tránh lãng phí và đáp ứng nhu cầu nhà ở tại Hà Nội, cần áp dụng ngay quy định về chuyển đổi công năng nhà ở tái định cư sang làm nhà ở xã hội.

LTS: Trong khi nguồn cung nhà ở liên tiếp sụt giảm khiến nhu cầu nhà ở của người dân rất bức thiết thì hàng nghìn căn hộ tái định cư lại đang bị bỏ hoang xuống cấp do không có người ở. Đây là câu chuyện không mới nhưng nhiều năm nay chưa thể giải quyết. Giải pháp nào để nhanh chóng tháo gỡ nghịch lý trên, xoá bỏ thực trạng “nhà xây xong không ai ở”. VietNamNet giới thiệu tuyến bài với góc nhìn đa chiều về nhà ở tái định cư hiện nay.

Để có thêm lời giải cho bài toán hàng nghìn căn hộ tái định cư bỏ không ở Hà Nội, VietNamNet đã trao đổi với đại diện Bộ Xây dựng, doanh nghiệp, chuyên gia trong vấn đề này.

Lãng phí tài sản, nguồn lực đất đai

Trao đổi với VietNamNet, ông Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng), cho hay, trước khi có Luật Nhà ở 2014, việc bố trí tái định cư cho người bị thu hồi đất chủ yếu thực hiện thông qua hình thức bồi thường bằng đất ở hoặc Nhà nước trực tiếp đầu tư xây dựng nhà ở tái định cư. 

Từ khi có Luật Nhà ở 2014, việc bố trí nhà ở tái định cư được bổ sung hình thức mua nhà ở thương mại hoặc nhà ở xã hội (NƠXH) theo dự án tại các đô thị đặc biệt, loại I và loại II, vì vậy hạn chế việc Nhà nước phải đầu tư xây dựng dự án nhà ở tái định cư.

Ông Hải thừa nhận, tổng kết thi hành Luật Nhà ở năm 2014 cho thấy, thực tế vẫn còn một số trường hợp dự án nhà ở tái định cư (hình thành trước khi có Luật Nhà ở 2014) chưa được bố trí sử dụng, hoặc chưa được lấp đầy mà thiếu phương án xử lý, gây bức xúc cho người dân và xã hội, đồng thời gây lãng phí tài sản của Nhà nước và nguồn lực đất đai.

W-tai-dinh-cu-vietnamnet.jpg

Dự án nhà ở tái định cư N01 - D17 nằm trên đất vàng quận Cầu Giấy (Hà Nội) "đắp chiếu" nhiều năm. Ảnh: Thạch Thảo

Lý giải tình trạng này, lãnh đạo Cục Quản lý Nhà và Thị trường Bất động sản chỉ ra nhiều nguyên nhân từ phía người dân, cơ quan quản lý và chính sách. 

Theo ông Hoàng Hải, có thể do người dân không có nhu cầu tái định cư, hoặc một bộ phận người dân là những người lao động có thu nhập thấp, sau giải tỏa phải thay đổi nơi ở, hoàn cảnh sống không thuận tiện trong việc buôn bán, dẫn đến không có đủ thu nhập để thanh toán tiền mua nhà ở hoặc đất ở tái định cư, chậm thanh toán tiền trả góp, tiền thuê nhà, đất ở tái định cư.

Điều này cho thấy, công tác tái định cư chủ yếu lo cho người dân có chỗ ở, còn thiếu các chính sách an sinh xã hội tiếp theo, như đào tạo nghề, giải quyết công ăn việc làm và phục hồi thu nhập góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân sau khi di dời, tái định cư.

Bên cạnh đó, ông Hải cũng chỉ ra thực trạng nhà ở tái định cư xuống cấp, không đảm bảo chất lượng, thiếu tiện ích cơ bản, chất lượng xây dựng như sử dụng vật liệu kém, thiết kế không hợp lý và thi công không đạt chuẩn. Nhiều dự án sau khi vận hành chục năm đã xuống cấp nghiêm trọng, nhưng lại thiếu nguồn kinh phí để bảo trì. 

“Vấn đề này ảnh hưởng đến an toàn của cư dân, làm giảm giá trị của các căn hộ” - ông Hải nói.

Một nguyên nhân nữa là công tác dự báo nhu cầu về nhà ở tái định cư và công tác lập kế hoạch phát triển nhà ở phục vụ tái định cư còn nhiều hạn chế, chưa gắn kết với kế hoạch vốn và kế hoạch đầu tư các dự án chỉnh trang đô thị. Quy hoạch nhà tái định cư chưa bám sát nhu cầu người dân, vị trí dự án không thuận lợi trong giao thông, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội chưa đảm bảo.

W-tai-dinh-cu-vietnamnet.jpg

Những khối nhà tái định cư bỏ hoang, phơi nắng, phơi sương suốt nhiều năm cần sớm áp dụng quy định chuyển đổi để đưa vào sử dụng. Ảnh: Thạch Thảo

Quy định của Luật Nhà ở 2014 về trách nhiệm của các cấp chính quyền trong việc quản lý, bố trí nhà tái định cư chưa cụ thể, rõ ràng nên việc quản lý, sử dụng nhà ở tái định cư thời gian qua không được quan tâm.

Ngoài ra còn do chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư theo các quy định hiện hành đã thay đổi, nên phần lớn đối tượng đủ điều kiện bồi thường sẽ nhận tiền tự tạo lập chỗ ở mới, như mua nhà ở thương mại tại các dự án, mua nhà ở riêng lẻ,... phù hợp với nhu cầu, không nhận nhà ở tái định cư tại nguồn nhà do Nhà nước chuẩn bị. 

Gỡ vướng nhà tái định cư, dân rộng cửa mua nhà giá phù hợp? 

Liên quan đến quỹ nhà tái định cư, tại cuộc họp với các bộ, ngành bàn các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đầu tư phát triển NƠXH mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao Bộ Xây dựng nghiên cứu chuyển mục đích sử dụng nhà ở tại các khu tái định cư chưa sử dụng sang NƠXH, nhằm thúc đẩy thực hiện Đề án xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ NƠXH.

Về vấn đề này, ông Hải cho hay, pháp luật về nhà ở (Nghị định số 99 năm 2015 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Luật Nhà ở 2014) có quy định về chuyển đổi dự án nhà ở. Tuy nhiên, do không có quy định cụ thể về trình tự, thủ tục thực hiện nên còn gặp vướng mắc, cần sớm bổ sung để có cơ sở thực hiện.

Để khắc phục tình trạng nhà tái định cư bỏ trống, xuống cấp đang tồn tại, Luật Nhà ở 2023 mới được ban hành đã quy định cụ thể về nhà ở tái định cư trên nhiều vấn đề, từ việc phát triển, bố trí nhà tái định cư đến quản lý chất lượng, việc chuyển đổi công năng. 

Luật Nhà ở 2023 quy định cụ thể về các hình thức phát triển nhà ở phục vụ tái định cư, trong đó có hình thức đặt hàng hoặc mua nhà ở thương mại để làm nhà ở phục vụ tái định cư nhằm nâng cao chất lượng của nhà ở này. 

Cỏ mọc um tùm trong dự án tái định cư vắng bóng người ở Hà Nội. Ảnh: Thạch Thảo

Luật Nhà ở 2023 cũng nêu rõ, trường hợp tái định cư theo hình thức mua, thuê mua NƠXH thì người tái định cư được ưu tiên bố trí NƠXH.

Bên cạnh đó, Luật Nhà ở 2023 quy định nhà ở phục vụ tái định cư phải bảo đảm yêu cầu về thiết kế, tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng. Ở đây, chịu trách nhiệm là chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở tái định cư; chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở được dùng để bố trí tái định cư. 

"Các trường hợp chuyển đổi công năng nhà ở, chuyển đổi nhà ở phục vụ tái định cư sang làm NƠXH, từ nhà công vụ hoặc NƠXH sang làm nhà ở phục vụ tái định cư cũng được quy định rõ trong Luật Nhà ở 2023. Từ đó, nhằm sử dụng hiệu quả nhà ở đã hoàn thành đầu tư xây dựng, tránh bỏ trống, lãng phí tái sản”, ông Hoàng Hải cho hay.

Cũng theo đại diện Bộ Xây dựng, Nghị định 95 năm 2023 quy định chi tiết một số điều của Luật Nhà ở 2023, trong đó có quy định cụ thể về trình tự, thủ tục, thẩm quyền chuyển đổi công năng nhà ở tái định cư sang làm nhà ở xã hội. Đây là cơ sở pháp lý để đảm bảo việc thực hiện chuyển đổi, từ đó, góp phần sớm đưa các dự án nhà ở tái định cư còn bỏ trống vào sử dụng, bổ sung thêm quỹ NƠXH cho các đối tượng còn khó khăn về nhà ở.

“Việc chuyển đổi nhà tái định cư thành NƠXH là một phương án tích cực, trước mắt có thể giải quyết đối với hơn 10.000 nhà tái định cư không người ở Hà Nội, TPHCM. Tuy nhiên, xét về tổng thể số lượng này vẫn rất khiêm tốn so với nhu cầu về nhà ở của người dân. 

Thực tế có thể thấy, chất lượng nhà tái định cư phần lớn bị xuống cấp nhanh. Một số khu tái định cư tại chỗ có vị trí tương đối ổn thì nhiều dự án ở vị trí không phù hợp, khó cho người dân an cư. Vì vậy, về lâu dài cần phải nhìn nhận một cách đồng bộ từ vị trí quy hoạch, chất lượng nhà tái định cư...

Theo tôi, ở một số vị trí quy hoạch nhà tái định cư có vị trí đẹp có thể đưa ra phương án đấu giá khu đất đó để lấy tiền xây khu tái định cư ở vị trí khác không “đắc địa” bằng nhưng cũng tương đối thuận lợi, đảm bảo về chất lượng, tiện ích tốt. 

Ví dụ như khu tái định cư ở Duy Tân (quận Cầu Giấy, Hà Nội) thuộc vị trí đất “vàng”, đất “kim cương”, giá giao dịch là 70-80 triệu/m2. Nếu đấu giá, giá trị có thể lên đến hàng nghìn tỷ đồng, tạo kinh phí xây dựng một khu tái định cư đồng bộ, chất lượng. Tuy nhiên, vấn đề này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. 

NƠXH vẫn là vấn đề mấu chốt của thị trường. Tháo gỡ khó khăn cho NƠXH bằng cách giảm tối đa thủ tục pháp lý, hỗ trợ doanh nghiệp mới giải quyết được cốt lõi vấn đề”. 

Ông Phạm Đức Toản - Tổng giám đốc EZ Property

“Tôi đã đi khảo sát dự án tái định cư ở Hà Nội, có dự án ở giữa những khu đất trống, nhà cửa thì xuống cấp. Người dân tái định cư không mặn mà thì khi chuyển đổi thành NƠXH cần phải tính toán. Dù muốn, họ cũng không thể bỏ tiền mua nhà mà chất lượng không đảm bảo, hạ tầng kết nối yếu kém. Đó là thực tế, cần phải nhìn nhận. 

Tôi cho rằng, để giải quyết vấn đề nhà tái định cư hiện nay, cần phân loại các dự án theo nguyên nhân cụ thể. Chẳng hạn, các dự án thuộc nhóm nguyên nhân về chất lượng, các dự án thuộc nhóm về kết nối hạ tầng chưa đảm bảo... Trong đó, phân ra căn hộ có thể sửa chữa hoặc không sửa chữa được... để có các phương án xử lý hợp lý”.

Chuyên gia kinh tế, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh