Hà Nội thuộc nhóm có Chỉ số PAPI năm 2021 cao nhất
Từ xếp thứ 48 năm 2020, TP Hà Nội vươn lên xếp thứ 9 năm 2021 về Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI), thuộc nhóm 15 tỉnh, thành phố có điểm số cao nhất, với 44,45 điểm.
Quang cảnh hội nghị công bố chỉ số PAPI năm 2021. Ảnh: Phong Thu.
Ngày 10/5, tại Hà Nội, Trung tâm Nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng (CECODES), Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học MTTQ Việt Nam tại T.Ư và địa phương (VFF-CRT), Công ty Phân tích thời gian thực (RTA) và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam phối hợp tổ chức công bố Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) năm 2021.
Chỉ số PAPI 2021 xếp hạng hiệu quả quản trị và hành chính công của 63 tỉnh thành trên cả nước. Để xếp hạng, PAPI 2021 đo lường 8 chỉ số nội dung, bao gồm: Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai, minh bạch trong việc ra quyết định; trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; thủ tục hành chính công, cung ứng dịch vụ công; quản trị môi trường; quản trị điện tử.
Chỉ số PAPI năm 2021 của Hà Nội tăng vượt bậc
Tổng số điểm chỉ số PAPI năm 2021 của Hà Nội đạt 44,45 điểm. Đặc biệt, 3 chỉ số nội dung nằm trong nhóm cao nhất là “công khai, minh bạch”, “thủ tục hành chính công”, “quản trị điện tử” (năm 2020 không có chỉ số nội dung nào thuộc nhóm cao nhất).
Cụ thể các chỉ số nội dung của Hà Nội gồm: Chỉ số “tham gia của người dân ở cấp cơ sở” đạt 5,01/10 điểm; “công khai, minh bạch” đạt 5,93/10 điểm; “trách nhiệm giải trình với người dân” đạt 4,33/10 điểm; “kiểm soát tham nhũng trong khu vực công” đạt 7,08/10 điểm; “thủ tục hành chính công” đạt 7,54/10 điểm; “cung ứng dịch vụ công” đạt 7,79/10 điểm; “quản trị môi trường” đạt 3,16/10 điểm; “quản trị điện tử" đạt 3,61/10 điểm…
Có thể thấy, Hà Nội đã có sự chuyển biến tích cực khi chỉ còn 1 chỉ số nội dung “quản trị môi trường” vẫn nằm trong nhóm điểm thấp nhất (năm 2020 có “quản trị môi trường” và “thủ tục hành chính công” nằm trong nhóm này).
Năm 2021, Hà Nội cũng không còn nhóm chỉ số nội dung nào nằm trong nhóm điểm trung bình thấp (năm 2020 có 4 chỉ số nội dung nằm trong nhóm này); có 4 chỉ số nội dung nằm trong nhóm trung bình cao là “tham gia của người dân ở cấp cơ sở”, “trách nhiệm giải trình với người dân”, “kiểm soát tham nhũng trong khu vực công”, “cung ứng dịch vụ công” (năm 2020 có 2 chỉ số).
Với kết quả này, chỉ số PAPI năm 2021 của Hà Nội tăng so với năm 2020 (năm 2020 đạt 41,629/80 điểm), nằm trong nhóm 15 tỉnh, thành phố có điểm tổng hợp chỉ số PAPI cao nhất.
Người dân quan tâm đến sức khỏe và kinh tế
So với kết quả Chỉ số PAPI của năm 2020, 30 tỉnh, thành phố đã cải thiện hiệu quả hoạt động trong cung ứng dịch vụ công, quản trị môi trường và quản trị điện tử. Tuy nhiên, 30 tỉnh, thành phố có sự sụt giảm về điểm ở các chỉ số nội dung “Tham gia của người dân ở cấp cơ sở”, “Công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương”, “Trách nhiệm giải trình với người dân”, và “Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công”. Nhiều tỉnh, thành phố trong nhóm dẫn đầu tập trung ở khu vực phía Bắc. Ngược lại, phần lớn các tỉnh khu vực Tây Nguyên, Nam Trung Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long thuộc nhóm trung bình thấp hoặc thấp nhất.
Bản đồ chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính Công cấp tỉnh (PAPI) năm 2021.
Địa phương dẫn đầu về chỉ số PAPI năm nay là Thừa Thiên - Huế với 48,059 điểm. Bình Dương đứng thứ hai với 47,178 điểm và Thanh Hóa đứng thứ ba, đạt 47,102 điểm.
Với 5 thành phố trực thuộc T.Ư: Hà Nội đạt 44,447 điểm; Hải Phòng đạt 44,005 đểm; Đà Nẵng đạt 42,557; Cần Thơ đạt 41,230; TP Hồ Chí Minh đạt 40,677 điểm. TP Hồ Chí Minh thuộc về nhóm đạt điểm thấp nhất.
Kết quả này phản ánh phần nào thực tế tác động nặng nề của giãn cách xã hội toàn phần kéo dài do làn sóng Covid-19 lần thứ tư khiến cho người dân gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận với chính quyền địa phương và sử dụng dịch vụ công ở TP Hồ Chí Minh.
Báo cáo Chỉ số PAPI năm 2021 cho thấy, người dân quan tâm nhất đến sức khỏe và kinh tế, trong khi thách thức về quản trị công gia tăng trong năm thứ hai của đại dịch Covid-19.
Năm 2021 cũng là năm Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch, cho thấy mối quan tâm về sức khỏe của người dân nổi lên, với tỷ lệ quan ngại về y tế và bảo hiểm y tế tăng mạnh từ 2% lên 23% chỉ trong 2 năm. Y tế và bảo hiểm y tế trở thành mối quan ngại lớn nhất của người dân, bên cạnh quan ngại về tăng trưởng kinh tế của đất nước và việc làm.
Trong khi đó, mối quan ngại về ô nhiễm môi trường giảm nhẹ. Kết quả khảo sát cho thấy, tỷ lệ hài lòng với điều kiện kinh tế hộ gia đình tiếp tục giảm 11% so với năm 2020 khi sự lạc quan của người dân với tình hình kinh tế hộ gia đình giảm xuống lần đầu tiên sau gần một thập niên tăng lên từng năm. Cùng với đó, tỷ lệ người trả lời cho biết, họ bị mất việc làm và thu nhập tăng 10% vào năm 2021 so với năm 2020.
Bên cạnh đó, tỷ lệ người dân hài lòng với cách ứng phó với đại dịch Covid-19 của các cấp chính quyền đã giảm, từ 89% năm 2020 xuống còn 84% năm 2021. Đặc biệt, với lĩnh vực y tế, mức độ hài lòng của người dân đối với dịch vụ của bệnh viện công tuyến huyện/quận/thành phố trực thuộc tỉnh giảm sút.
Trong khi đó, tỷ lệ người dân cho biết họ hoặc người thân trong gia đình phải “chung chi” để được chăm sóc tốt hơn tại bệnh viện công tuyến huyện tăng nhẹ. Đáng chú ý, điểm chỉ số nội dung “Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công” lần đầu tiên giảm sút kể từ năm 2016 khi chiến dịch chống tham nhũng quyết liệt bắt đầu.
Điểm chỉ số nội dung “Trách nhiệm giải trình với người dân” năm 2021 cũng giảm mạnh so với năm 2019 và 2020. Sự sụt giảm này có thể là do chính quyền địa phương bị quá tải với số lượng lớn yêu cầu của người dân liên quan đến chính sách hỗ trợ và ứng phó với đại dịch Covid-19 trong năm 2021.
Bên cạnh đó, việc thực hiện giãn cách xã hội yêu cầu nhiều hoạt động phải chuyển sang trực tuyến, nhưng tỷ lệ sử dụng dịch vụ công điện tử qua các cổng dịch vụ công trực tuyến của các cấp chính quyền còn rất thấp, phản ánh phần nào những hạn chế trong hiệu quả quản trị điện tử năm 2021.
Bà Caitlin Wiesen - Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam phát biểu tại buổi công bố Chỉ số PAPI năm 2021.
Đánh giá về kết quả khảo sát PAPI 2021, bà Caitlin Wiesen - Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam cho biết, những phát hiện từ báo cáo PAPI 2021 được công bố ngày hôm nay có ý nghĩa quan trọng giúp chúng ta hiểu được tác động của đại dịch Covid-19 tới hiệu quả quản trị công có sự tham gia của người dân. Điều này giúp chính quyền các cấp chuẩn bị các kịch bản ứng phó với những khủng hoảng kinh tế và sức khỏe tương tự có thể xảy ra trong tương lai.
TS. Nguyễn Hữu Dũng - Phó Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam bày tỏ, chỉ số PAPI đã hỗ trợ thúc đẩy trách nhiệm giải trình với người dân của các cấp chính quyền, đóng góp vào quá trình đổi mới và sáng tạo trong khu vực công vì mục tiêu “dân hưởng lợi” ngoài những mục tiêu “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” trong thực hiện dân chủ ở cơ sở. Đây cũng là tinh thần của dự án luật thực hiện dân chủ cơ sở sẽ được thảo luận tại Quốc hội năm nay.
Nguồn https://kinhtedothi.vn/ha-noi-thuoc-nhom-co-chi-so-papi-nam-2021-cao-nhat.html
- Vụ rơi trực thăng: Lần du lịch cuối và chuyến bay định mệnh
- Thủ tướng chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8
- Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gặp mặt các cơ quan báo chí tại TP. HCM
- Chủ tịch nước chủ trì hội nghị góp ý vào Dự thảo Đề án xây dựng Nhà nước pháp quyền
- Bộ GTVT trình Quốc hội 3 dự án cao tốc hơn 84.000 tỷ đồng
- Buộc thôi việc Thứ trưởng Bộ KHCN Phạm Công Tạc
- Chủ tịch Quốc hội: Không được “đụng” nguồn cải cách tiền lương để làm đường
- Xem xét kỷ luật các ông Chu Ngọc Anh, Nguyễn Thanh Long liên quan vụ Việt Á
- Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman thăm Việt Nam