Hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, tạo thêm động lực phát triển kinh tế, xã hội

Thứ tư, ngày 25 tháng 12 năm 2024 | 7:21

Chiều nay, 24/12, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì phiên họp bổ sung của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, xem xét, quyết định một số nội dung về ngân sách thuộc thẩm quyền.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết tại phiên họp. (Ảnh: Duy Linh)
Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết tại phiên họp. (Ảnh: Duy Linh)

Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, quyết định việc: bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho các địa phương để thực hiện các chính sách an sinh xã hội do Trung ương ban hành các năm 2023-2024 và hỗ trợ chi trả chế độ cho số lượng biên chế giáo viên được bổ sung cho năm học 2022-2023; bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho các địa phương để thực hiện Đề án Tăng cường quản lý đối với đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh hiện do các công ty nông nghiệp, công ty lâm nghiệp khác, hộ gia đình, cá nhân sử dụng; mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn trong năm 2025.

Cho ý kiến về các nội dung này, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho các địa phương số tiền 5.834.437 triệu đồng để thực hiện các chính sách an sinh xã hội các năm 2023-2024 và hỗ trợ chi trả chế độ cho số lượng biên chế giáo viên được bổ sung cho năm học 2022-2023 và năm học 2023-2024; ban hành nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn theo các Tờ trình của Chính phủ.

Hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, tạo thêm động lực phát triển kinh tế, xã hội ảnh 1
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu ý kiến tại phiên họp. (Ảnh: Duy Linh)

Phát biểu ý kiến thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cơ bản tán thành sự cần thiết bổ sung các nguồn từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương để thực hiện các nhiệm vụ cấp bách, cũng như áp dụng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, mỡ nhờn phù hợp trong năm 2025 để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, tạo thêm động lực cho phát triển kinh tế-xã hội.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh “vấn đề áp dụng mức thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, mỡ nhờn người dân, doanh nghiệp rất cần thiết”, và đề nghị: Chính phủ, các bộ, ngành liên quan cần rút kinh nghiệm để làm sớm, tránh tình trạng cuối năm mới đưa ra bàn về vấn đề này.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị báo cáo làm rõ nguyên nhân, bố trí dự toán không đủ và chậm đề xuất bổ sung dự toán đối với các nhiệm vụ này, đặc biệt là nhiệm vụ phát sinh từ năm 2023; và lưu ý “tiền chúng ta không thiếu để chi nhưng quan trọng là phải làm như thế nào để chi bảo đảm kịp thời, chi đúng, chi đủ”.

Riêng đối với việc áp dụng mức thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, mỡ nhờn, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Chính phủ cân nhắc lộ trình tăng dần mức thuế bảo vệ môi trường để tiến tới áp dụng mức thuế quy định tại Nghị quyết 579/2018/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; bảo đảm phù hợp bản chất và nguyên tắc của thuế bảo vệ môi trường, phù hợp diễn biến dự báo giá dầu thô trên thị trường thế giới cũng như là thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam.

Về bổ sung ngân sách trung ương cho các địa phương, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị, Chính phủ cần đôn đốc, nhắc nhở các địa phương sớm trình Hội đồng nhân dân giao biên chế tăng thêm, tránh vì chậm hoàn thành quy trình, thủ tục liên quan mà không thực hiện kịp thời chính sách, chế độ với giáo viên.

Phát biểu kết luận về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nêu rõ: Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí thể hiện hai nội dung bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho các địa phương để thực hiện các chính sách an sinh xã hội do Trung ương ban hành các năm 2023-2024 và hỗ trợ chi trả chế độ cho số lượng biên chế giáo viên được bổ sung cho năm học 2022-2023; thực hiện Đề án Tăng cường quản lý đối với đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh hiện do các công ty nông nghiệp, công ty lâm nghiệp khác, hộ gia đình, cá nhân sử dụng vào một Nghị quyết.

Hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, tạo thêm động lực phát triển kinh tế, xã hội ảnh 2
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành nội dung thảo luận tại phiên họp. (Ảnh: Duy Linh)

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ chịu trách nhiệm căn cứ pháp lý của các nội dung đề xuất, tính chính xác và tính đầy đủ, hợp lệ của số liệu; tuân thủ đúng chế độ chi và các điều kiện bổ sung. Cùng với đó, giao dự toán theo đúng quy định của pháp luật; quản lý, sử dụng, quyết toán kinh phí được phân bổ bổ sung dự toán đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước và pháp luật liên quan; bảo đảm kịp thời, hiệu quả, đúng mục đích, không để xảy ra thất thoát, lãng phí, tiêu cực.

Về áp dụng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, mỡ nhờn, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ có giải pháp để dự báo tình hình phản ứng nhanh, chính xác, kịp thời hơn, chủ động trong việc xây dựng chính sách; bảo đảm thời gian, trình tự, thủ tục cho các cơ quan có cuộc thẩm tra, Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định hoặc là cho ý kiến; tổ chức thực hiện chính sách bảo đảm mục tiêu đề ra...

Tại Phiên họp, với 100% số thành viên tham dự tán thành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương năm 2024 cho các địa phương và Nghị quyết về áp dụng mức thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, mỡ nhờn.

Trình bày Tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, căn cứ khoản 10 Điều 3 Nghị quyết số 105/2023/QH15 của Quốc hội về phân bổ ngân sách trung ương năm 2024, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương năm 2024 với tổng số tiền là 5.834.437 triệu đồng từ nguồn các lĩnh vực chi còn lại của ngân sách trung ương năm 2024 đã được Quốc hội quyết định nhưng chưa phân bổ tại Nghị quyết số 105/2023/QH15 của Quốc hội để thực hiện các chính sách an sinh xã hội các năm 2023-2024 và hỗ trợ chi trả chế độ cho số lượng biên chế giáo viên được bổ sung cho năm học 2022-2023 và năm học 2023-2024.

Trong đó, theo Bộ trưởng Tài chính, tổng kinh phí ngân sách trung ương phải bổ sung có mục tiêu năm 2024 để hỗ trợ các địa phương chi trả chế độ của năm 2023 và 2024 cho số lượng biên chế giáo viên được bổ sung năm học 2022-2023 và năm học 2023-2024 là 2.150.912 triệu đồng.

Đồng thời, Chính phủ cũng trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương năm 2024 với tổng số tiền là 600 tỷ đồng từ nguồn các lĩnh vực chi còn lại của ngân sách trung ương năm 2024 đã được Quốc hội quyết định nhưng chưa phân bổ tại Nghị quyết số 105/2023/QH15 của Quốc hội để thực hiện Đề án tăng cường quản lý đối với đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh.

Hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, tạo thêm động lực phát triển kinh tế, xã hội ảnh 3
Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng phát biểu tại phiên họp. (Ảnh: Duy Linh)

Theo Bộ trưởng Tài chính khi mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn tăng về mức trần trong Biểu khung thuế từ ngày 1/1/2025 thì sẽ có tác động tiêu cực đến nền kinh tế. Bởi, mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, mỡ nhờn sẽ làm tăng giá bán lẻ những mặt hàng này; tạo áp lực gia tăng lạm phát, từ đó gây bất lợi trong thực hiện các mục tiêu tăng trưởng kinh tế.

 

Do vậy, để góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, mỡ nhờn để áp dụng trong năm 2025 như quy định tại Nghị quyết số 42/2023/UBTVQH15. Cụ thể xăng, trừ ethanol là 2.000 đồng/lít; nhiên liệu bay, dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn là 1.000 đồng/lít; mỡ nhờn là 1.000 đồng/lít; dầu hỏa là 600 đồng/lít.

Trình bày Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh cho rằng, việc Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 cho các nhiệm vụ này là cần thiết do có cơ sở pháp lý theo quy định tại Nghị quyết 105 của Quốc hội; đáp ứng yêu cầu thực hiện các nhiệm vụ phát sinh năm 2024 nhưng chưa được bố trí trong dự toán ngân sách nhà nước giao đầu năm, trong đó có nhiệm vụ bảo đảm lương hưu và bảo đảm an sinh xã hội theo chế độ như đã nêu trong các Tờ trình của Chính phủ.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhấn mạnh, Chính phủ chịu trách nhiệm về nội dung, số liệu đề xuất, bảo đảm tuân thủ quy định pháp luật, tính chính xác của thông tin, số liệu báo cáo; bảo đảm tuân thủ đúng tiêu chuẩn, định mức, chế độ chi theo quy định pháp luật; tổ chức thực hiện hiệu quả, đồng thời, báo cáo với Quốc hội về việc bổ sung dự toán này tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội Khóa XV.

 

Đối với mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn trong năm 2025, Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, theo quy định tại mục 1 khoản 1 Điều 1 của Nghị quyết 579/2018/UBTVQH14, từ ngày 1/1/2025 sẽ áp dụng mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn mới. Cụ thể, mức thuế bảo vệ môi trường với xăng, trừ etanol là 4.000 đồng/lít; nhiên liệu bay là 3.000 đồng/lít; dầu diesel là 2.000 đồng/lít; dầu hỏa là 1.000 đồng/lít; dầu mazut là 2.000 đồng/lít; dầu nhờn là 2.000 đồng/lít; mỡ nhờn là 2.000 đồng/kg.

 

Thống nhất mức trích chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp

Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc cho phép kéo dài thời gian thực hiện Nghị quyết số 09/2021/UBTVQH15 về chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp giai đoạn 2022-2024.

Qua thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất ban hành Nghị quyết cho phép kéo dài thời gian thực hiện Nghị quyết số 09/2021/UBTVQH15 về chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp giai đoạn 2022-2024, với mức chi phí tối đa tạm thời là 1,44 % dự toán thu, chi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp. Thời gian kéo dài thời gian thực hiện Nghị quyết số 09 đến hết ngày 30/6/2025.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội lưu ý đây là giải pháp tình thế để bảo đảm vận hành công tác quản lý, bảo hiểm xã hội trong điều kiện chưa kịp có nghị quyết mới và đang thực hiện sắp xếp tinh gọn, tổ chức bộ máy Bảo hiểm Xã hội Việt Nam theo Nghị quyết 18.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục khẩn trương chỉ đạo, hoàn thiện báo cáo, đánh giá và sớm có tờ trình dự thảo nghị quyết về chi phí tổ chức và hoạt động bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế giai đoạn 2025-2027 với mục tiêu phấn đấu có nghị quyết mới trước khi Luật Bảo hiểm Xã hội năm 2024 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025.

Bên cạnh đó, Chính phủ, các cơ quan liên quan rà soát và chịu trách nhiệm về tính chính xác, hợp lý của toàn bộ thông tin số liệu, các thuyết minh về tình hình thực hiện giai đoạn 2022-2024, cũng như cơ sở đề xuất cho phép tiếp tục kéo dài trong thời gian thực hiện Nghị quyết số 09 trong hồ sơ dự thảo nghị quyết.

Với 100% đại biểu có mặt tán thành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết cho phép kéo dài thời gian thực hiện Nghị quyết số 09/2021/UBTVQH15 về chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp giai đoạn 2022-2024.

Với 100% số thành viên tham dự tán thành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết thông qua phương án phân bổ dự toán kinh phí hoạt động của các Đoàn đại biểu Quốc hội năm 2025.

Trong bối cảnh sắp xếp, cơ cấu lại bộ máy hiện nay, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn lưu ý: việc phân bổ dự toán cần dự liệu thay đổi về bộ máy để đưa ra phương án phù hợp, qua đó chủ động thực hiện, bám sát tình hình hoạt động của Quốc hội, dự phòng trường hợp phát sinh.

Theo phương án sắp xếp, tổ chức bộ máy, Quốc hội phải sửa đổi, bổ sung một số điều trong các Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương, và nhiều luật chuyên ngành liên quan.

Do đó, Văn phòng Quốc hội cần rà soát kỹ để có dự toán phân bổ kinh phí hoạt động phù hợp thực tế cho các Đoàn đại biểu Quốc hội, bảo đảm phân cấp thẩm quyền linh hoạt, kịp thời đáp ứng yêu cầu hoạt động của các Đoàn đại biểu Quốc hội.

“Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội khẩn trương khẩn trương hoàn thiện dự toán phân bổ cho các đơn vị, bảo đảm khách quan, công bằng, hợp lý, trên tinh thần là tiết kiệm, nhưng việc nào đáng chi sẽ phải được chi” - Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.