Hội nghị phản biện dự thảo nghị quyết quy định chính sách cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài khi về nướcv
-Sáng 2/12, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh tổ chức hội nghị phản biện xã hội đối với “Dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh quy định chính sách hỗ trợ tạo việc làm và khởi nghiệp cho người lao động (NLĐ) đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng sau khi về nước trên địa bàn tỉnh Bình Thuận”. Tham dự có Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành, Ngân hàng Chính sách xã hội và Chủ tịch LĐLĐ các huyện, ngành.
Đây là nghị quyết nhằm cụ thể hóa quy định của Luật NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng về chính sách hỗ trợ NLĐ sau khi về nước, thể hiện sự quan tâm hỗ trợ của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh và UBND tỉnh đối với NLĐ sau khi về nước, góp phần giải quyết việc làm, tạo điều kiện cho NLĐ về nước được đóng góp công sức, kinh nghiệm của mình cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Khuyến khích NLĐ trong thời gian làm việc ở nước ngoài chấp hành tốt quy định của nước sở tại, trở về nước sau khi kết thúc hợp đồng được hưởng chính sách hỗ trợ tạo việc làm và khởi nghiệp; hạn chế thấp nhất việc NLĐ ở lại hoặc bỏ trốn, không thực hiện đúng theo hợp đồng.
Các đại biểu tham dự phản biện dự thảo nghị quyết
Theo dự thảo, NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng về nước đúng thời hạn được hỗ trợ vay vốn 1 lần từ nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh để thành lập hoặc tham gia thành lập doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh hoặc mở rộng sản xuất, kinh doanh.
Mức vay, thời hạn vay thực hiện theo Quyết định số 15/2020/QĐ-UBND ngày 20/5/2020 của UBND tỉnh. Với đối tượng có nhu cầu đào tạo chuyển đổi nghề, sẽ được hỗ trợ 1 lần chi phí đào tạo nâng cao trình độ kỹ năng nghề để tham gia thị trường lao động. Mức hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng, tối đa 6 tháng/người/khóa học. Dự kiến, mỗi năm có 10 lao động được hỗ trợ vay vốn, với mức hỗ trợ cho vay tối đa 1 tỷ đồng/dự án và 100 lao động được hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề…
Tại hội nghị, các đại biểu đều cho rằng đây là chính sách có tính nhân văn. Bởi những lao động có điều kiện làm việc ở nước ngoài sau khi về nước đã có kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm, chính họ là đầu tàu để đổi thay về cách làm kinh tế. Đồng thời đề nghị đề án nói rõ hơn về đối tượng áp dụng, đảm bảo tính công bằng cho các trường hợp được hỗ trợ; nêu đầy đủ các căn cứ để áp dụng chính sách; khi nghị quyết được ban hành, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cần xây dựng kế hoạch, hướng dẫn cụ thể, chi tiết và làm tốt công tác tuyên truyền để người thụ hưởng, cơ quan, đơn vị nắm bắt rõ chủ trương, thủ tục thực hiện…
Đại biểu đóng góp ý kiến cho dự thảo nghị quyết
Được biết, từ năm 2018 – 2021, toàn tỉnh có hơn 923 lượt lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, thời gian đi từ 2 - 5 năm, tùy theo đơn hàng và thị trường từng nước. Dự kiến trong thời gian đến, số lượng người lao động của tỉnh kết thúc hợp đồng về nước bình quân hàng năm khoảng 200 người.
THÙY LINH
- Khẳng định vai trò Đảng cầm quyền
- Giữ chữ tín để đi đường dài
- Phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong phản biện xã hội
- Phản bác luận điệu xuyên tạc chủ trương của Đảng về xây dựng nền văn hóa
- Tạo “vòng kim cô” kiểm soát quyền lực lập pháp
- Phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong phản biện xã hội
- Nhận diện "giặc nội xâm" lãng phí
- Chống lãng phí từ các dự án treo
- Cảnh giác với chiêu trò mạo danh "phản biện xã hội" nhằm chống phá cách mạng Việt Nam