Hơn 100.000 xe kinh doanh vận tải lắp camera giám sát
Cả nước có 103.000 xe kinh doanh vận tải lắp camera giám sát, đạt 81% số xe đang hoạt động cần lắp thiết bị này.
Ngày 19/1, đại diện Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, cả nước có 205.000 xe kinh doanh vận tải hành khách từ 9 chỗ trở lên, xe vận tải hàng hóa bằng container, xe đầu kéo, thuộc diện phải lắp thiết bị camera giám sát theo Nghị địnhh 10 của Chính phủ.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên nhiều doanh nghiệp khó khăn, hoạt động cầm chừng, chỉ có 126.000 xe đang chạy và hơn 79.000 xe chưa khai thác. Trong số 103.000 xe đã lắp camera giám sát (chiếm 81% số xe đang hoạt động và 50% số xe kinh doanh vận tải), xe du lịch từ 9 chỗ trở lên đạt 100%, xe khách tuyến cố định 91%, xe hợp đồng 69%, xe container 82% và xe đầu kéo 78%.
Các tỉnh đạt tỷ lệ cao gồm Bạc Liêu, Kiên Giang, Hậu Giang 100%; Nam Định, Ninh Thuận, Hà Tĩnh, Lai Châu trên 90%.
Qua kiểm tra, phần lớn doanh nghiệp lắp camera đúng quy chuẩn (TCVN13396) đã được Bộ Khoa học & Công nghệ công bố, song vẫn còn có nhà xe chưa tìm hiểu kỹ nên mua các thiết bị trôi nổi, chưa đảm bảo kết nối dữ liệu tới cơ quan quản lý.
Lắp camera tại một doanh nghiệp vận tải ở Hà Nội. Ảnh: Anh Duy
Ông Nguyễn Trường Giang, Phó chi hội giám sát hành trình (Hiệp hội vận tải ôtô Việt Nam), cho hay các nhà xe đang trang bị camera giám sát theo hai xu hướng là rời và tích hợp. Xu hướng rời phải sử dụng camera và một thiết bị giám sát hành trình đã lắp trước đây, như thế sẽ hại ắc quy và dùng tới 2 sim nên tốn chi phí duy trì. Sắp tới, Bộ Thông tin và Truyền thông cắt sóng 2G, đơn vị vận tải đang sử dụng thiết bị giám sát hành trình sóng 2G sẽ phải nâng cấp lên 4G.
Xu hướng tích hợp thực hiện theo quy chuẩn TCVN13396, tích hợp giữa camera và thiết bị giám sát hành trình bằng một thiết bị duy nhất trên xe. "Sử dụng thiết bị này doanh nghiệp khắc phục các nhược điểm trên, không tốn chi phí nâng cấp sau này", ông Giang đánh giá.
Nghị định 10/2020 quy định xe kinh doanh vận tải hành khách từ 9 chỗ trở lên, xe vận tải hàng hóa bằng container, xe đầu kéo phải lắp camera lưu trữ hình ảnh trong suốt hành trình trước ngày 1/7/2021. Do diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 và để hỗ trợ doanh nghiệp, Chính phủ đã cho phép lùi thời hạn xử phạt hành vi không lắp thiết bị này đến hết ngày 31/12/2021.
Đơn vị vận tải phải lưu trữ hình ảnh camera tối thiểu 24 giờ gần nhất với xe chạy cự ly đến 500 km và tối thiểu 72 giờ với xe chạy trên 500 km. Dữ liệu hình ảnh được cung cấp cho cơ quan công an, thanh tra giao thông và cơ quan cấp giấy phép nhằm kiểm soát hoạt động của lái xe, ngăn ngừa xe chở quá tải, nhồi nhét khách...
Theo nghị định 100, xe kinh doanh vận tải chưa lắp camera giám sát khi tham gia giao thông sẽ bị xử phạt 1-2 triệu đồng đối với lái xe; 5-6 triệu đồng đối với cá nhân và 10-12 triệu đồng đối với tổ chức không lắp camera. Phương tiện bị thu hồi phù hiệu 1-3 tháng.
Theo VnExpress.net
https://vnexpress.net/hon-100-000-xe-kinh-doanh-van-tai-lap-camera-giam-sat-4416190.html
- Lễ hội cây cảnh hoa giấy Phù Đổng - “Sắc hoa trên miền di sản”
- Khuyến cáo công dân Việt Nam không đến Ukraine do căng thẳng leo thang
- Trách nhiệm, đồng lòng chống lãng phí
- Phân bổ 948 tỷ đồng (đợt 3) hỗ trợ khắc phục hậu quả cơn bão số 3
- Phân bổ 948 tỷ đồng (đợt 3) hỗ trợ khắc phục hậu quả cơn bão số 3
- Phân bổ 948 tỷ đồng (đợt 3) hỗ trợ khắc phục hậu quả cơn bão số 3
- Phân bổ 948 tỷ đồng (đợt 3) hỗ trợ khắc phục hậu quả cơn bão số 3
- Cấp đổi thẻ căn cước trực tuyến được giảm 50% lệ phí
- Ban hành Công điện về tăng cường công tác phòng, chống đuối nước đối với trẻ em, học sinh