Johnathan Hạnh Nguyễn: “Hai cộng hai phải là 22”
Chuyện về Johnathan Hạnh Nguyễn - người sáng lập và Chủ tịch Tập đoàn IPP (IPPG) tràn đầy cảm hứng, sâu sắc nhưng được kể một cách khiêm tốn. Đó là chuyện về một doanh nhân hết lòng cống hiến cho Tổ quốc của mình, đồng thời xây dựng một đế chế kinh doanh góp phần vào sự thay đổi đất nước Việt Nam…
Đến trụ sở của Tập đoàn IPP tại TP.HCM, ông Johnathan Hạnh Nguyễn bước vào phòng, nở một nụ cười thật tươi cảm ơn tôi đã đến Việt Nam, hỏi tôi đã đến Việt Nam như thế nào và sau đó bắt đầu mở ra câu chuyện về chặng đường 37 năm của ông. Tôi gọi đó là hành trình thay vì sự nghiệp, bởi vì khoảng thời gian ấy, IPPG là một trong những tập đoàn đa ngành hàng đầu của Việt Nam, bao gồm thời trang, thực phẩm và đồ uống, quản lý sân bay, bán lẻ du lịch, đầu tư, công nghệ, quảng cáo ngoài trời...
Bên cạnh việc lãnh đạo một trong những công ty lớn mạnh nhất Việt Nam, ông Nguyễn còn là Chủ tịch Công ty CP Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (SASCO), Công ty Sân bay Quốc tế Cam Ranh (CRTC)... Ông còn nổi tiếng về hoạt động xã hội - từ thiện.
Cách nay 37 năm, kể từ ngày 9/9/1985 - một ngày mãi khắc sâu trong ký ức của ông, là ngày mà chiếc máy bay Boeing 707 của Vietnam Airlines bay từ TP.HCM đến Manila. Chuyến bay đó không thể xảy ra nếu không có Johnathan Hạnh Nguyễn.
Năm 1984, tại Mỹ, nơi Johnathan Hạnh Nguyễn đang làm thanh tra tài chính của các nhà cung ứng cho Boeing thì được cơ quan đại diện Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc mời về thăm đất nước. Ông đến Hà Nội và đã gặp Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Trong cuộc thảo luận mang tính bước ngoặt đó, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đề nghị ông Nguyễn giúp đỡ mở đường bay đến Philippines - bước đầu để Việt Nam mở cửa ra thế giới.
Nhiệm vụ của ông Nguyễn không hề dễ dàng bởi lúc đó Philippines là nước đồng minh thân cận của Mỹ, mà Mỹ thì đang cấm vận Việt Nam. Ông Nguyễn cố gắng tìm cơ hội mở đường bay nhiều lần nhưng không thành công. Sau khi thành lập Công ty PHL Impex International (tiền thân của IPPG) tại Phillipines, ông đã hợp tác với Vietnam Airlines đồng thời liên hệ với Tổng giám đốc Philippines Airlines đề nghị mở đường bay đến Manila.
Chính quyền Tổng thống Marcos không muốn xung đột với việc cấm vận từ đồng minh - nước Mỹ, nên yêu cầu không được tiếp tục đề nghị nào về việc mở đường bay Việt Nam - Philippines nữa. Nhưng với sự kiên trì bền bỉ, ông Nguyễn tiếp tục cố gắng. Và rồi vào tối 4/9/1985, ông nhận được cuộc gọi từ bà trợ lý của Tổng thống Marcos, người mà ông đã nhờ giúp đỡ trong nhiệm vụ của mình. Bà cho biết Marcos đang có tâm trạng rất vui nên là thời điểm có lẽ là duy nhất Tổng thống sẽ gặp ông.
Ông Nguyễn đã đến Phủ Tổng thống Philippines, tim đập thình thịch, hy vọng có được chữ ký của Marcos trên các tài liệu liên quan đến đường bay Việt Nam - Philippines. Tổng thống Marcos đọc lướt qua rồi ký.
5 ngày sau, chuyến bay đầu tiên chở 31 quan chức hàng không Việt Nam và đại diện truyền thông từ TP.HCM hạ cánh tại Manila. Khi nhìn thấy lá cờ đỏ sao vàng tung bay trong gió như một phần của lời chào chính thức, ông Nguyễn đã không khỏi xúc động. “Ôi trời ơi, đó là đất nước Việt Nam của tôi. Tim tôi thổn thức”, ông nhớ lại. “Tôi sẽ không bao giờ quên chuyến bay đó. Mọi người đều nhận thức được rằng đây là một thời khắc lịch sử. Tôi đã làm điều đó vì đất nước và người dân Việt Nam của tôi”.
Chuyến bay trở về ấy chở khoảng 30 tấn hàng hóa từ những người Mỹ xa xứ gửi cho người thân của họ ở Việt Nam. Cánh cửa đóng chặt từ lâu đã được hé mở nhưng công việc của ông Nguyễn vẫn chưa kết thúc ở đó.
“Công việc của tôi đã hoàn thành - nhưng sau đó thì không”, ông nhớ lại. “Tôi quyết định ở lại đất nước để giúp Chính phủ kết nối Việt Nam với thế giới. Quyết định đó không hề dễ dàng, đặc biệt là khi hai đứa con nhỏ của tôi mắc bệnh sốt xuất huyết trong chuyến trở về năm 1984. Gia đình không tìm được thuốc để mua chữa trị cho con do bị cấm vận”. Trải qua việc chăm sóc hai đứa trẻ bị bệnh, ông Nguyễn nhận thức sâu sắc rằng, nhiều người khác đang kém may mắn do tình trạng thiếu thuốc men. “Do đó, tôi lưỡng lự về việc ở lại vì các con tôi không được an toàn. Nhưng còn bao nhiêu trẻ em mắc bệnh và nhiều trẻ đã không qua khỏi thì sao? Còn hàng triệu người bỏ nước ra đi bằng thuyền cực kỳ nguy hiểm thì sao? Tim tôi đập mạnh. Tôi tự nhủ rằng mình phải làm một điều gì đó”, ông Nguyễn tâm sự.
Ông đã quyết tâm ở lại đất nước và thực hiện đúng những điều ông tâm niệm. Ông đã làm việc với Chính phủ Mỹ, Việt Nam và Philippines để kết nối các gia đình vượt biên thông qua một chương trình được gọi là chương trình ra đi có trật tự (The Orderly Departure Program - ODP). Ông thực hiện cam kết của mình và các chuyến bay từ Việt Nam đã chở người muốn ra đi đến Philippines trước khi đoàn tụ với gia đình của họ ở Mỹ hay các quốc gia khác. Ông cũng tìm ra cách để kiều hối của Việt kiều được gửi về Việt Nam.
Đặc biệt, ông xem vai trò quan trọng nhất của mình trong kinh doanh là đóng góp cho đất nước. “Tôi 4 lần lên kế hoạch cho 10 năm một. Nay tôi không còn trẻ, đã 72 tuổi”, ông nói với một nụ cười rộng mở.
“10 năm đầu tiên, chúng tôi mở các chuyến bay và góp phần bình thường hóa mối quan hệ Việt - Mỹ. 10 năm thứ hai, tôi đưa các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam với 47 dự án, tạo ra khoảng 25.000 việc làm. Trong 10 năm thứ ba, tôi đã cố gắng thu hút càng nhiều thương hiệu quốc tế nổi tiếng đến Việt Nam càng tốt vì tôi biết rằng bất kỳ quốc gia nào muốn vươn lên tầm cao đều phải có ngành du lịch. Việt Nam được ban tặng những kỳ quan thiên nhiên kỳ vĩ, nhưng cần nhiều hơn thế để thu hút du khách chi tiêu. Bên cạnh các điểm tham quan và đặc sản địa phương, họ muốn tìm kiếm một chiếc túi Chanel, một chiếc đồng hồ Rolex, các mặt hàng của Cartier, Dolce & Gabbana... Vì vậy, miễn thuế những mặt hàng đó là rất quan trọng đối với bất kỳ quốc gia nào. Bước đột phá ban đầu của tôi là với ba thương hiệu nổi tiếng thế giới là Ferragamo, Burberry và Bally. Ba thương hiệu này đã hỗ trợ hết mình cho tôi, mở ra cơ hội cho tôi kinh doanh ngành thời trang”, ông Nguyễn kể.
Ban đầu, các thương hiệu thời trang rất e dè vô thị trường Việt Nam. Nhưng sau đó, từ quan hệ đối tác nhỏ giọt ban đầu, thị trường hàng hiệu Việt Nam đã đầy ắp những tên tuổi lớn như Hermès, Chanel, Louis Vuitton... lần lượt xuất hiện. Bên cạnh việc tránh chạy đua giảm giá, ông Nguyễn đảm bảo rằng không có sản phẩm giả mạo nào xuất hiện trong công ty của ông.
Để định vị phù hợp cho từng thương hiệu, ông đã tạo ra các bộ phận chuyên biệt trong tập đoàn, bao gồm Công ty DAFC tập trung vào hàng xa xỉ (Rolex, Cartier, Burberry, Ferragamo, D&G... và khoảng 50 tên tuổi hàng đầu khác) và Công ty ACFC & CMFC tập trung vào thời trang tầm trung của các thương hiệu trên khắp thế giới. Hiện tại, IPPG đại diện cho 108 thương hiệu thời trang trên thế giới, tất cả đều được phát triển một cách cẩn thận chứ không định hướng “gặt hái nhanh chóng” nào.
Một điểm mạnh khác là về rượu vang và rượu mạnh, IPPG liên doanh với Mot Hennessy để xây dựng danh mục đầu tư với mũi nhọn là thương hiệu Hennessy để thống lĩnh thị trường. Johnathan Hạnh Nguyễn chia sẻ: “Giữ gìn danh tiếng và minh bạch mọi thứ. Vì vậy, các thương hiệu tin tưởng tôi cũng như Chính phủ Việt Nam đã tin tưởng tôi ngay từ đầu. Tôi đã hứa và tôi đã thực hiện được”. Sẵn sàng cất cánh với IPP Air Cargo là giai đoạn trọng tâm trong kế hoạch 10 năm lần thứ tư của ông.
Theo Johnathan Hạnh Nguyễn, Covid-19 đã làm Việt Nam bị tổn thương, nhưng Việt Nam đã đẩy lùi đại dịch và kinh tế phục hồi rất mạnh mẽ. Ông nói: “Với Covid-19, Việt Nam đã “nằm trên giường bệnh” như toàn thế giới, nhưng với việc hoàn thành xuất sắc việc tiêm chủng vaccine đủ cho người dân cả nước của Chính phủ, nay chúng tôi tiếp tục trở lại guồng máy hoạt động như cũ. Bây giờ chúng ta cần có cơ thể cường tráng, cần có các đối tác chiến lược để giúp hình thành một trung tâm tài chính quốc tế. Chúng tôi cũng cần có IPP Air Cargo và các trung tâm trung chuyển hậu cần liên quan chuyên nghiệp. Chúng tôi cần 45 dự án trị giá hàng trăm tỷ đô la Mỹ”.
Hầu hết dự án ấy đều liên quan đến du lịch, vốn đã rất quan trọng đối với thu nhập của đất nước, nhưng có khả năng còn hơn thế nữa trong tương lai. “Tất cả quốc gia, dù giàu hay nghèo, đều đang tìm kiếm khách du lịch”, ông Nguyễn chia sẻ.
“Việt Nam có rất nhiều điểm hấp dẫn, từ vịnh Hạ Long ở phía Bắc xinh đẹp, đến Đà Nẵng nơi có các khu du lịch nổi tiếng, các khu nghỉ dưỡng tại đảo Phú Quốc, hay TP.HCM với các điểm du lịch rất hấp dẫn... Nhưng điều đó vẫn chưa đủ. Phải mang đến cho khách du lịch quốc tế những tiện ích bổ sung mà họ tìm kiếm và có thể dễ dàng tìm thấy ở những nơi khác ở châu Á. Nổi bật trong số đó là casino, phục vụ nhu cầu cho du khách quốc tế và người Việt Nam đủ điều kiện thì đã có Nghị định 03/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định về kinh doanh casino. Và lượng khách này muốn mua sắm và sử dụng hàng hóa, dịch vụ miễn thuế tại những trung tâm hàng miễn thuế cao cấp được vận hành bởi các công ty hàng đầu thế giới như DFS, Lotte, Shilla Duty Free, giống như ở các thị trường khác. Chất lượng dịch vụ du lịch tại Việt Nam phải tương xứng, hoặc phải vượt trội hơn so với các nước khác trong khu vực. Hệ thống hoàn thuế giá trị gia tăng cho khách du lịch, những thành phố thông minh, trung tâm tài chính quốc tế, các công viên giải trí... đều nằm trong kế hoạch kinh doanh của IPPG. Nói tóm lại, hãy để Việt Nam có được thị phần hợp lý từ nguồn thu từ du lịch và thu hút nguồn đầu tư nước ngoài rộng rãi hơn. Tôi đảm bảo với các bạn rằng, Việt Nam sẽ phát triển hơn như thế. Ước mơ của chúng tôi là Việt Nam trở thành “con hổ châu Á” và chúng tôi làm việc chăm chỉ để biến ước mơ thành hiện thực”.
Sự tự tin của Johnathan Hạnh Nguyễn dựa trên bản năng thông minh, quyết đoán, nhưng cũng một phần dựa trên lịch sử. Ông khẳng định: “Tôi tin rằng ước mơ của mình sẽ thành hiện thực bởi khi còn là một thanh niên 34 tuổi, tôi đã góp phần không nhỏ mở ra một cánh cửa để Việt Nam hội nhập với thế giới. Và sau 37 năm, chúng tôi có 45 dự án ở đây để phát triển”.
Johnathan Hạnh Nguyễn đã ngoài 70 tuổi nhưng ông vẫn suy nghĩ sáng tạo như chàng trai tuổi 34. Ông chia sẻ những kiến thức sâu sắc về vai trò của AI (trí tuệ nhân tạo) đối với tương lai của Việt Nam, cho rằng đất nước phải dẫn đầu chứ không phải theo sau công nghệ đương đại. Theo ông, gần 50 năm trước, Việt Nam là một quốc gia nông nghiệp với nền kinh tế dựa vào trồng lúa. Ngày nay, Việt Nam là một quốc gia công nghệ mới nổi nhưng nó phải phát triển nhanh hơn nữa để bắt kịp xu hướng thế giới.
“Thế hệ tiếp theo sẽ biết nhiều đến AI, áp dụng AI và làm việc với AI. Vì vậy phải sẵn sàng để Việt Nam bắt kịp thật nhanh các nước tiên tiến về công nghệ. Đó là mong muốn của tôi. Chúng tôi phải đi nhanh hơn. Hai cộng hai bằng mấy? Bốn. Không, hai cộng hai phải là 22”, ông cười khúc khích khi chia sẻ điều đó, kiểu tính toán kích thích mọi người là ông luôn cam kết thực hiện lời nói và ước mơ của mình.
Phòng họp và văn phòng của ông bên cạnh - nơi chứa đầy các giải thưởng từ Nhà nước đến những đối tác quốc tế hàng đầu, là minh chứng cho tầm ảnh hưởng to lớn của một người đã góp phần không nhỏ đưa Việt Nam ra thế giới gần 4 thập niên trước và không ngừng hình thành và thực hiện những ý tưởng lớn trong kinh doanh, trong công việc xã hội kể từ đó.
Nguồn: https://doanhnhansaigon.vn/
- Người thay đại gia Lương Trí Thìn làm Chủ tịch tập đoàn Đất Xanh xuất thân thế nào?
- 'Vua thép' Trần Đình Long muốn làm thép cho đường sắt tốc độ cao
- nữ doanh nhân thành đạt nhất Việt Nam: Những bóng hồng không hề 'mềm yếu'
- Việt Nam sẽ có 10 tỷ phú USD: Doanh nhân nào giàu tiềm năng nhất?
- Tử hình “nữ doanh nhân” thành đạt ở Hà Tĩnh
- 1. Ông Lê Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam
- Thư Chúc tết Giáp Thìn năm 2024
- Từ cậu bé nghèo chỉ được học hết cấp 3 đến đại gia ngành thực phẩm
- Đặng Khắc Vỹ - ông chủ kín tiếng ngân hàng Việt thuộc top lợi nhuận cao nhất