Trong bối cảnh mới, mọi nguồn lực phát triển cần tiếp tục được khơi thông để thành phố phát huy hiệu quả tiềm năng, khơi dậy sáng tạo, sức mạnh lòng dân, vững vàng vươn ra biển lớn.
Từ nhiều năm qua, Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những địa phương đi đầu trong công cuộc đổi mới toàn diện. Với sự nỗ lực và quyết tâm cao, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố luôn chung sức, đồng lòng vượt qua khó khăn, thách thức, tiếp tục đạt những kết quả phát triển ấn tượng.
Khơi thông mọi nguồn lực
Thành phố Hồ Chí Minh vừa tổng kết Đề án thí điểm thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý cấp phòng và tương đương năm 2022; triển khai tổ chức thí điểm thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý cấp sở, cấp phòng và tương đương năm 2024.
Đây là bước đi đột phá trong công tác tuyển chọn cán bộ của thành phố. Từ đề án này, nhiều đơn vị đang thiếu vị trí lãnh đạo đã được bổ sung những cán bộ có đủ phẩm chất để tiếp tục đảm trách công việc.
Từng là đơn vị thiếu người đứng đầu, Bệnh viện Mắt Thành phố Hồ Chí Minh giờ đây đã có giám đốc mới là bác sĩ Lê Anh Tuấn, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là trường hợp lãnh đạo được bổ nhiệm thông qua thi tuyển mà Sở Y tế thành phố đã thực hiện thành công vào cuối năm 2022.
Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố cũng hoàn thành tổ chức thi tuyển chức danh phó hiệu trưởng ở ba trường THPT: An Nhơn Tây, Quang Trung, An Nghĩa.
Sở Công thương thành phố tổ chức thi tuyển bốn chức danh: Trưởng phòng Kỹ thuật an toàn-môi trường; Phó Trưởng phòng Tổ chức, cán bộ; Phó Trưởng phòng Quản lý thương mại; Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển doanh nghiệp.
Theo Phó Giám đốc Sở Nội vụ thành phố Nguyễn Duy Tân, trong thời gian ngắn, thành phố đã tổ chức thành công các kỳ thi tuyển.
Việc thí điểm thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý cấp phòng và tương đương đã tạo sự thay đổi lớn về nhận thức, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh và giúp phát hiện, thu hút, lựa chọn người thật sự có năng lực phù hợp; có đầy đủ phẩm chất cần thiết của một người lãnh đạo để góp phần thực hiện tốt quy định về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ.
Việc tổ chức thi tuyển tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh và động lực cho cán bộ, công chức trong thực hiện nhiệm vụ.
Qua mỗi giai đoạn phát triển, Thành phố Hồ Chí Minh luôn quan tâm công tác nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Thành phố chủ động thực hiện các chương trình đặc thù để đẩy mạnh công tác tạo nguồn, đào tạo, rèn luyện thử thách cán bộ.
Đảng bộ thành phố đã xây dựng chương trình đào tạo cán bộ trẻ, chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ trong nước và nước ngoài, chương trình tạo nguồn cán bộ xuất thân từ công nhân.
Từ đó thành phố tuyển chọn, đào tạo sinh viên, cán bộ, công chức, viên chức trẻ có triển vọng, tạo nguồn quy hoạch, rèn luyện qua thực tiễn trở thành cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, cán bộ khoa học-công nghệ, cán bộ khoa học xã hội và nhân văn, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đã giúp thành phố từng bước tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, nhất là về vốn để tạo sự bứt phá mạnh mẽ hơn.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Phan Văn Mãi cho biết, sau một năm thực hiện Nghị quyết số 98, thành phố ưu tiên bố trí 2.796 tỷ đồng cho Chương trình giảm nghèo năm 2023 và giải ngân đạt 100% cho gần 39 nghìn khách hàng.
Năm 2024, thành phố bố trí 998 tỷ đồng cho Chương trình giảm nghèo và đã giải ngân đạt tỷ lệ 100% cho 13.658 lượt khách hàng vay vốn; bố trí 1.500 tỷ đồng vốn đầu tư công để hỗ trợ lãi suất đối với các dự án đầu tư do Công ty Đầu tư tài chính nhà nước thành phố cho vay thuộc lĩnh vực ưu tiên phát triển kinh tế-xã hội.
Thành phố bố trí 2.900 tỷ đồng cho Dự án đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Mộc Bài; ban hành danh mục dự án kêu gọi đầu tư theo phương thức đối tác công tư, ngành văn hóa và thể thao với 23 dự án (tổng mức đầu tư 22.394 tỷ đồng).
Các dự án lớn nhằm phát triển hạ tầng, kết nối giao thông, cải tạo môi trường và chỉnh trang đô thị đang được tích cực triển khai, tiếp tục làm thay đổi diện mạo của thành phố mang tên Bác.
Chung sức, đồng lòng phát triển thành phố
Thành phố Hồ Chí Minh đi qua nửa năm 2024 và hơn nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 11 với nhiều khó khăn thách thức. Với ý chí quyết tâm cao, nỗ lực lớn, thành phố đã từng bước vượt qua và đang đứng trước nhiều cơ hội và thử thách mới.
Theo đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, những kết quả đạt được sau đại dịch Covid-19 là nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Trung ương, sự hỗ trợ của các địa phương, nhất là sự đoàn kết chung sức, đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp thành phố.
Sự đoàn kết, chung sức, đồng lòng của người dân đã giúp thành phố vượt qua đại dịch Covid-19 chưa từng có trong lịch sử với nhiều việc làm ấm áp nghĩa tình, những mô hình sáng tạo trong phòng chống dịch bệnh.
Người dân cùng chung tay với tổ chức đảng, chính quyền trong thực hiện các giải pháp vực dậy nền kinh tế với những cách làm hiệu quả, quyết liệt. Đó là truyền thống tốt đẹp mà Đảng bộ, chính quyền, nhân dân thành phố luôn biết khơi dậy, phát huy để tạo nên sức mạnh vượt qua những trở ngại.
Hơn 40 năm qua, Thành phố Hồ Chí Minh đã khẳng định vai trò, vị thế là đô thị đặc biệt, trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội hàng đầu của cả nước.
Tuy nhiên, thành phố xác định còn nhiều việc phải làm: Tiếp tục phát huy các lợi thế, tiềm năng phát triển; tận dụng, khai thác thật tốt, có hiệu quả cơ chế đặc thù.
Thành phố đẩy nhanh tiến trình xây dựng các mô hình thành phố thông minh, thành phố xanh, thành phố đáng sống; thúc đẩy chuyển đổi số, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; khuyến khích phát triển các mô hình sản xuất, kinh doanh mới, các hoạt động khởi nghiệp sáng tạo; thực hiện đột phá mạnh mẽ hơn nữa để xây dựng Trung tâm Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh sớm trở thành Trung tâm tài chính quốc tế; hoàn thiện mô hình chính quyền đô thị, xây dựng hiệu quả Không gian văn hóa Hồ Chí Minh trở thành nét đặc trưng của thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu.
Để đạt được những mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra, Đảng bộ, chính quyền thành phố tiếp tục kiên trì thực hiện giải pháp khơi dậy sức dân, phát huy sức mạnh tinh thần đoàn kết, chung sức, đồng lòng của tập thể, cá nhân trong xây dựng, phát triển thành phố.
Đồng chí Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, các cấp, các ngành cần có giải pháp thiết thực phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, huy động tối đa mọi nguồn lực, tiềm năng sáng tạo to lớn của các tầng lớp nhân dân.
Các đơn vị nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu trong tổ chức các phong trào thi đua yêu nước, làm cho thi đua thật sự trở thành ý thức tự giác, tinh thần trách nhiệm và việc làm thường xuyên của mỗi cấp, mỗi ngành, cơ quan, đơn vị và cá nhân, tạo động lực góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội.
Trong những ngày mùa thu 79 năm trước, Sài Gòn-Gia Định là trung tâm của cuộc khởi nghĩa ở Nam Bộ, là địa phương đi đầu, mẫu mực, làm động lực tinh thần cho khởi nghĩa giành chính quyền thành công đồng loạt ở các tỉnh miền nam.
Ngày nay, Thành phố Hồ Chí Minh vẫn là đầu tàu, động lực, trung tâm kết nối kinh tế của vùng. Sự phát triển của thành phố sẽ có sức lan tỏa, tác động tích cực đến các tỉnh, thành phố trong vùng kinh tế trọng điểm phía nam.
Thấu hiểu được điều ấy, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố luôn phát huy tinh thần “Vì cả nước, cùng cả nước” để nhanh chóng khắc phục những điểm nghẽn, bứt phá vươn lên, đóng góp nhiều hơn trong quá trình xây dựng, phát triển và hội nhập quốc tế của đất nước.