Kinh tế thế giới vẫn tiếp tục bị đe dọa bởi xung đột Nga-Ukraine
Cuộc chiến tranh ở Ukraine kéo dài gần tròn một năm và đã làm sứt mẻ sự thịnh vượng của thế giới. Song tác động sâu xa hơn sẽ được cảm nhận trong cách cuộc xung đột này tác động đến những thay đổi vốn đã định hình lại nền kinh tế toàn cầu trước khi xe tăng của Nga tràn qua biên giới Ukraine hồi đầu năm ngoái.
Kinh tế toàn cầu vẫn đối mặt với các rủi ro tiềm ẩn từ các xung đột Nga-Ukraine, bao gồm khả năng chiến sự kéo dài và leo thang. Ảnh: iStock
Rất khó để định lượng tác động của chiến tranh
Gần như ngay lập tức, cuộc chiến đó đã tạo thêm những bất ổn mới sau khi đòn giáng nặng nề của đại của dịch Covid-19 vào nền kinh tế giới, dẫn đến nợ công tăng kỷ lục, khủng hoảng chi phí sinh hoạt do lạm phát và tình trạng thiếu lao động trong các lĩnh vực thiết yếu.
Các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Moscow được phương Tây tung ra đúng lúc các rào cản đối với thương mại thế giới gia tăng sau một kỷ nguyên toàn cầu hóa nhanh chóng. Việc Nga “vũ khí hóa” khí đốt đã củng cố động lực chuyển đổi sang năng lượng sạch vốn đã trở nên cấp bách do biến đổi khí hậu.
Robert Kahn, giám đốc địa kinh tế vĩ mô toàn cầu tại hãng tư vấn Eurasia Group, nói: “Cú sốc của cuộc chiến tranh đối với nhu cầu và giá cả đã giáng xuống nền kinh tế toàn cầu. Cùng với đại dịch Covid-19 và các quyết định chính sách khác, cú sốc này tạo ra những cản lực đối với tăng trưởng. Và tôi nghĩ chúng ta chưa cảm nhận đầy đủ nó”.
Chiến tranh đã tàn phá Ukraine, khiến nền kinh tế nước này bị thu hẹp 1/3. Trong khi đó, biện pháp trừng phạt của phương Tây hiện bắt đầu khiến Nga không đạt được nguồn thu như kỳ vọng từ năng lượng và các mặt hàng xuất khẩu khác. Nhưng rất khó để định lượng tác động của nó đối với phần còn lại của thế giới.
Các nước láng giềng châu Âu cho đến nay đã tránh được cắt giảm sử dụng lượng trên diện rộng và làn sóng phá sản nhờ những nỗ lực dự trữ nhiên liệu và kiềm chế nhu cầu năng lượng cũng như nhờ một mùa đông ôn hòa bất thường.
Giá lương thực và năng lượng toàn cầu tăng nhanh khi thế giới thoát khỏi đợt phong tỏa do đại dịch trong năm 2020 và tăng nhanh hơn nữa sau khi chiến tranh bùng nổ. Nhưng hiện nay, nhiều chỉ số giá cả hàng hóa chỉ giảm về dưới mức của một năm trước.
“Chúng tôi thấy rằng giá năng lượng tăng nhiều hơn vào năm 2021 so với năm 2022, cho thấy chiến tranh và các lệnh trừng phạt không phải là động lực tăng giá quan trọng nhất”, hai phân tích Zsolt Darvas và Catarina Martins của tổ chức tư vấn kinh tế Bruegel, có trụ sở ở Brussels (Bỉ) nhận định trong một báo cáo nghiên cứu hồi tháng 12.
Một số nhà phân tích có thể kết luận rằng điều đó có nghĩa là nền kinh tế thế giới đã chống chọi tốt tác động của chiến tranh. Sự lạc quan chiếm ưu thế tại Diễn đàn Kinh tế thế giới đầu năm nay ở Davos, Thụy Sĩ, trong khi thị trường tài chính đang đặt cược rằng các nền kinh tế phát triển có thể tránh được cơn suy thoái toàn diện.
Gần đây, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) ước tính nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng 3,4% trong năm ngoái, chỉ thấp hơn một điểm phần trăm so với dự báo trước khi chiến tranh bắt đầu và trước khi các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới thực hiện các đợt tăng lãi suất mạnh mẽ để chống lại phát.
Còn nhiều rủi ro tiềm ẩn từ xung đột Nga-Ukraine
Liệu tăng trưởng thế giới hiện có thể đạt được mức 2,9% trong năm 2023 như dự báo của IMF hay không vẫn là điều chưa chắc chắn vì vẫn còn nhiều rủi ro tiềm ẩn.
Cuộc xung đột Nga-Ukraine chưa thấy hồi kết và có nguy cơ cao là sẽ leo thang, bao gồm cả việc Nga sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật trên chiến trường. Nếu điều đó xảy ra, triển vọng nền kinh tế toàn cầu và hòa bình rộng lớn hơn sẽ đối mặt bất ổn lớn.
Tác động của chiến tranh đối với các nguồn năng lượng khiến nền kinh tế toàn cầu chứng kiến những thay đổi đáng chú ý trong xuyên suốt năm 2022. Đó là cuộc chạy đua khai thác các nhiên liệu hóa thạch cũ như than đá và làn sóng đầu tư vào năng lượng tái tạo, lĩnh vực được xem là ít bị tổn thương hơn trước các cú sốc địa chính trị trong tương lai.
Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) nhận định xuất khẩu dầu của Nga suy giảm sẽ sớm góp phần làm bão hòa nhu cầu toàn cầu đối với nhiên liệu hóa thạch, đồng thời tạo ra tiềm năng chuyển đổi nhanh hơn sang năng lượng xanh.
Nhưng tốc độ chuyển đổi mạnh mẽ hơn sẽ đòi hỏi nguồn tài chính lớn hơn khoản đầu tư kỷ lục 1,4 nghìn tỉ đô la của thế giới vào năng lượng sạch trong năm 2022, theo ước tính của IEA. Đối với nền kinh tế toàn cầu, rủi ro lớn là giá năng lượng và lạm phát sẽ bị ép lên cao hơn nếu khoảng trống nguồn cung năng lượng không được giải quyết.
Tác động của chiến tranh đối với thương mại toàn cầu cũng không rõ ràng. Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 và sau đó là chiến thắng bầu cử của nhà chính trị ủng hộ chủ nghĩa bảo hộ đã làm tạm dừng cơn bùng nổ kéo dài hai thập niên của tiến trình toàn cầu hóa, Giờ đây, câu hỏi đặt ra là liệu các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga , vốn đã kìm hãm nền kinh tế lớn thứ 11 thế giới, có phải là khởi đầu cho một làn sóng hạn chế thương mại lớn hơn nữa khi các nước chỉ giao dịch với đối tác thương mại mà họ coi là đồng minh.
Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và các tổ chức khác nhận thấy rủi ro thương mại bị phân mảnh thành các khối thương mại đối nghịch, một kịch bản mà IMF dự báo có thể làm giảm tới 7% sản lượng toàn cầu.
Điều có thể kích hoạt kịch bản này là một đợt trừng phạt thứ cấp mở rộng nhắm vào không chỉ Nga mà cả các công ty và nhà đầu tư làm ăn với nước này.
Robert Kahn của Eurasia cho biết một động thái như vậy, có thể đạt được sự ủng hộ chính trị ở phương Tây nếu cuộc chiến ở Ukraine trở nên nóng hơn, sẽ khiến Nga rơi vào tình trạng bị cô lập về kinh tế giống như tình cảnh hiện nay của Iran, nước bị phương Tây trừng phạt từ lâu vì chương trình hạt nhân.
Kahn nói: “Chúng ta chưa thấy điều đó vì Nga có vai trò quan trọng Iran hơn nhiều (trong nền kinh tế toàn cầu và vì chúng ta lo ngại về hậu quả toàn cầu của các biện pháp trừng phạt toàn diện”.
Nguồn: https://thesaigontimes.vn/
- Đối thủ tăng thần tốc, báo động thế mạnh top 1 thế giới của Việt Nam
- Từ 20/11, áp dụng quy định mới về lãi suất tiền gửi
- Lãi suất ngân hàng hôm nay 13/11/2024: Một nhà băng tăng mạnh, cán mốc 6%/năm
- Lãi suất ngân hàng hôm nay 11/11/2024: Agribank 'vô địch' nhóm Big4 kỳ hạn ngắn
- Những cam kết chính sách của ông Trump sẽ tác động tới kinh tế Việt Nam ra sao?
- Fed tiếp tục giảm lãi suất, giá vàng tăng vọt trở lại, chứng khoán lập đỉnh
- Lãi suất ngân hàng hôm nay 7/11/2024: Ngân hàng Big4 liên tục tăng lãi huy động
- Hơn 1,2 triệu tỷ trong Quỹ BHXH: Là số dư sổ sách, không phải tiền ở tài khoản
- Giá USD ngân hàng diễn biến trái chiều