Kỹ năng phản biện là gì? cách rèn luyện tư duy phản biện

Thứ hai, ngày 4 tháng 12 năm 2023 | 17:35

Kỹ năng phản biện được cho là một trong những kỹ năng quan trọng nhất cả trong học tập, nghiên cứu khoa học cũng như trong quá trình làm việc, công tác. Vậy chính xác thì kỹ năng phản biện là gì và có những cách nào để rèn luyện tư duy phản biện?

Kỹ năng phản biện được cho là một trong những kỹ năng quan trọng nhất cả trong học tập, nghiên cứu khoa học cũng như trong quá trình làm việc, công tác. Vậy chính xác thì kỹ năng phản biện là gì và có những cách nào để rèn luyện tư duy phản biện?
ky nang phan bien

Nhà tuyển dụng ngày nay, trong hầu hết các thông báo đăng tuyển hoặc khi nói về các kỳ vọng với nhân viên tiềm năng đều có thể đề cập đến kỹ năng phản biện. Đặc biệt, với các vai trò cần đến khả năng phân tích, suy luận, ra quyết định hoặc sáng tạo thì kỹ năng này lại càng không thể thiếu. Mặc dù một số trường đại học đã và đang thiết kế, đào tạo các chương trình hướng đến nâng cao kỹ năng, cách tư duy phản biện cho sinh viên nhưng thực tế thì chưa phải ai cũng rõ ràng và áp dụng được vào thực tiễn.

 MỤC LỤC:
1. Kỹ năng phản biện là gì?
2. Tầm quan trọng của kỹ năng phản biện trong công việc
3. Cách phát triển kỹ năng phản biện
4. Những kỹ năng quan trọng nhất trong bộ kỹ năng tư duy phản biện
5. Nhà tuyển dụng đánh giá kỹ năng phản biện của ứng viên bằng cách nào?
6. Lưu ý khi thể hiện tư duy phản biện

1. Kỹ năng phản biện là gì?

Tư duy phản biện (critical thinking) là khả năng suy nghĩ rõ ràng và hợp lý, hiểu được mối liên hệ hợp lý giữa các ý tưởng, thông tin. Trong khi đó, về bản chất, thì các kỹ năng phản biện (critical thinking skills) là bộ kỹ năng mà thông qua các phương pháp khác nhau, bạn có khả năng tự suy luận, trở thành một người học hỏi tích cực, chủ động thay vì chỉ tiếp nhận thông tin thụ động, từ đó phát triển bản thân tốt hơn.

Ví dụ, tư duy phản biện thể hiện qua khả năng nhận biết tin tức giả mạo, cách đánh giá vấn đề đầy đủ, toàn diện và thẳng thắn trình bày nghi ngờ, các quan điểm đối lập khi cần.

Người có tư duy phản biện không chỉ có thể tranh luận với người khác mà còn tự hình thành quan điểm, cách đánh giá của bản thân, sau đó cố gắng lật đổ suy nghĩ cố hữu của mình, khách quan với các góc nhìn khác nhau, từ đó tự học và phát triển bản thân.

 Đọc thêm: Kỹ năng giao tiếp: Bước đệm tạo đà thăng tiến trong sự nghiệp

2. Tầm quan trọng của kỹ năng phản biện trong công việc

Kỹ năng phản biện cực kỳ cần thiết cả trong học tập và công việc vì giúp chúng ta:

- Hình thành cách tư duy khách quan khi tiếp nhận thông tin.

- Có sự cân nhắc kỹ lưỡng khi đưa ra phản hồi, trình bày ý kiến và quan điểm trong môi trường chuyên nghiệp.

- Tin tưởng vào quyết định của bản thân và tôn trọng sự khác biệt của những người xung quanh (đồng nghiệp, sếp).

- Phát triển khả năng tự học hỏi từ thực tiễn, tiếp thu kiến thức có chọn lọc.

- Tự chủ, tự tin và có khả năng thuyết trình, đàm phán hiệu quả hơn.

Kỹ năng tư duy phản biện có thể không trực tiếp giúp bạn thăng tiến sự nghiệp, nhưng gián tiếp thúc đẩy bạn phát triển bản thân, xây dựng các kết nối và những mối quan hệ hữu ích và từng bước đạt được các thành công, thành tựu cho riêng mình.

 Đọc thêm: Phát triển kỹ năng đàm phán, thuyết phục để thuận lợi trong công việc, cuộc sống

ky nang phan bien 3

Làm thế nào để nâng cao tư duy phản biện?

3. Cách phát triển kỹ năng phản biện

Để trở thành một người có tư duy phản biện và các kỹ năng liên quan, bạn sẽ cần có thời gian để luyện tập, thực hành, duy trì. Tuy nhiên, ngay từ lúc này, bạn có thể làm nhiều cách để thay đổi và cải thiện dần. Quy trình sau đây được xem là các bước và phương pháp cần thiết nếu muốn hình thành và phát triển kỹ năng tư duy phản biện.

3.1. Xác định vấn đề, đặt câu hỏi

Bạn hãy cố gắng xác định vấn đề càng chính xác càng tốt và nhớ rằng, vấn đề càng được thu hẹp, nhìn đúng bản chất thì càng dễ tìm ra giải pháp hoặc câu trả lời.

Có những vấn đề đơn giản, nhưng cũng có vấn đề phức tạp mà một mình bạn không thể ngay lập tức hiểu được. Tốt nhất, hãy biết cách đặt câu hỏi cần thiết, liên quan để hiểu đúng và đầy đủ.

3.2. Thu thập dữ liệu, ý kiến ​​và lập luận

Tìm một số nguồn mà trong đó trình bày các ý tưởng và quan điểm khác nhau để bạn có cái nhìn toàn diện hơn với vấn đề. Chẳng hạn, khi bạn là nhân viên mua hàng và cần xử lý đơn hàng hoàn trả, bạn sẽ cần tìm hiểu thông tin từ khách hàng, đối tác cung cấp nguyên vật liệu, đơn vị sản xuất, đơn vị vận chuyển,... thay vì chỉ nghe một phía phiếm diện.

Lắng nghe và dùng khả năng nhận biết, phán đoán của mình là bước đầu để có tư duy phản biện, nhưng bạn cũng không thể hình thành định kiến ngay lập tức vì có nhiều yếu tố chủ quan ảnh hưởng tới phán đoán.

3.3. Phân tích và đánh giá dữ liệu

Các nguồn thông tin, quan điểm bạn biết có đáng tin cậy không? Kết luận của họ có được hỗ trợ từ dữ liệu chính xác hay chỉ là lập luận, ý kiến chủ quan? Có đủ thông tin hoặc dữ liệu để hỗ trợ các giả thuyết đã đưa ra không? Phân tích là một quá trình mà cần đến cả công cụ (như dữ liệu, máy móc, phần mềm chuyên dụng,...), hãy chắc chắn rằng đánh giá bạn đưa ra là toàn diện nhất.

3.4. Xác định các giả định

Bạn có chắc chắn rằng các nguồn bạn tìm thấy là không thiên vị? Bạn có chắc là mình không thiên vị trong việc tìm kiếm đáp án? Kỹ năng tư duy phản biện chỉ có thể được hình thành một khi bạn thực sự có thể rạch ròi trong cách đánh giá, áp dụng tiêu chuẩn cụ thể không chỉ cho ý kiến của người khác mà còn với ý kiến của chính mình.

3.5. Xác lập ý nghĩa cho từng giả thuyết

Phần thông tin nào là quan trọng nhất? Số lượng, kích thước mẫu, phạm vi nghiên cứu... có đủ không? Tất cả các ý kiến ​​và lập luận có liên quan đến vấn đề bạn đang cố gắng giải quyết không? Đó là những điều bạn phải đánh giá đối với mỗi giả thuyết đưa ra. Nói cách khác, đây cũng là một cách để chứng thực các thông tin, ý kiến.

3.6. Đưa ra quyết định/ đi đến kết luận

Xác định nhiều kết luận khả thi và quyết định kết luận nào (nếu có) được hợp lý nhất. Bạn cũng sẽ phải cân nhắc các điểm mạnh và hạn chế của tất cả các tùy chọn.

3.7. Bày tỏ quan điểm

Khi bạn đã đi đến kết luận, hãy trình bày nó với tất cả các bên liên quan một cách tự tin, đầy đủ, thuyết phục. Bạn cũng cần chuẩn bị trước các tình huống vấp phải sự phản đối thì sẽ phản biện lại như thế nào.

3.8. Phản biện đúng trọng tâm khi cần

Trong công việc hay cuộc sống cá nhân, sẽ luôn có những trường hợp trái quan điểm, bất đồng ý kiến. Khi có kỹ năng tư duy phản biện, bạn có thể thảo luận, bàn luận, thậm chí là tranh luận về vấn đề nhưng sẽ đảm bảo nói đúng trọng tâm, tránh sai lệch hoặc bị ảnh hưởng bởi các định kiến.

Thực tế, rất nhiều người trong chúng ta thường phạm phải sai lầm trong tranh luận và phản biện, dẫn tới làm việc nhóm kém hiệu quả. Khi đưa ra ý kiến, vì nhiều nguyên nhân mà chúng ta thường lấy chuyện không thực sự liên quan trước đó, nói về quá khứ hoặc tương lai thay vì bản chất sự việc đang cần giải quyết. Để phản biện đúng trọng tâm sẽ cần có sự hiểu biết, kiên nhẫn và khả năng lắng nghe tích cực cũng như giữ bình tĩnh.

4. Những kỹ năng quan trọng nhất trong bộ kỹ năng tư duy phản biện

Kỹ năng tư duy phản biện thực chất là một bộ kỹ năng, trong đó quan trọng nhất là:

4.1. Khả năng quan sát

Kỹ năng quan sát là điểm khởi đầu cho kỹ năng phản biện. Những người tinh ý có thể nhanh chóng cảm nhận và xác định một vấn đề dù là mới mẻ, đồng thời dễ dàng hiểu được các khả năng và nguy cơ có thể xảy ra, bước đầu đưa ra phán đoán, dự đoán dựa trên dấu hiệu, biểu hiện và các kinh nghiệm thực tiễn trong công việc và cuộc sống.

4.2. Phân tích

Khi một vấn đề đã được xác định, kỹ năng phân tích trở nên cần thiết cho quá trình tư duy phản biện. Nếu như biết cách sử dụng kỹ năng phản biện, bạn sẽ biết phải làm thế nào để phân tích và đánh giá tình huống theo cách đầy đủ, hợp lý nhất: Tình huống đó liên quan đến dữ liệu, sự kiện gì, trong vô số thông tin nhận được thì đâu là thông tin quan trọng?... Ngoài ra, khả năng phân tích trong bộ các kỹ năng phản biện cũng tạo điều kiện để bạn thu thập xử lý thông tin mà không thiên vị, đảm bảo tính khách quan.

4.3. Suy luận, tranh luận

Suy luận là một kỹ năng phản biện khác liên quan đến việc đưa ra kết luận về thông tin bạn thu thập, có thể yêu cầu bạn phải có kiến thức hoặc kinh nghiệm về kỹ thuật hoặc những ngành nghề, lĩnh vực cụ thể. Khi bạn đưa ra suy luận, điều đó có nghĩa là bạn đang phát triển câu trả lời dựa trên thông tin hạn chế. Ví dụ: Một thợ sửa xe có thể cần phải suy ra nguyên nhân khiến động cơ ô tô bị dừng vào những thời điểm dường như ngẫu nhiên dựa trên thông tin có sẵn.

Suy luận của bạn cần có căn cứ, thay vì đưa ra những điều chung chung hoặc chỉ là "cảm nhận", không thể chứng minh. Người có kỹ năng tư duy phản biện cũng sẵn sàng thảo luận, phản đối ý kiến của người khác nếu thấy điểm chưa phù hợp.

4.4. Giao tiếp

Bên cạnh đó, kỹ năng giao tiếp cũng rất quan trọng khi cần giải thích và thảo luận về các vấn đề cũng như các giải pháp khả thi của chúng với đồng nghiệp và các bên liên quan khác (đối tác, khách hàng). Mọi nỗ lực của bạn có thể trở nên vô nghĩa khi bạn thiếu kỹ năng tương tác, trình bày để làm rõ quan điểm phản biện, thuyết phục, đàm phán đối phương.

4.5. Giải quyết vấn đề

Sau khi bạn đã xác định được vấn đề, phân tích và tìm ra một vài giải pháp khắc phục, bước cuối cùng để hoàn thành sẽ là thực hiện, triển khai các giải pháp đó. Giải quyết vấn đề chắc chắn cần có tư duy phản biện để lựa chọn đúng giải pháp và triển khai theo cách hợp lý, có lợi nhất, kịp thời nhất.

5. Nhà tuyển dụng đánh giá kỹ năng phản biện của ứng viên bằng cách nào?

5.1. Khi nào một người được cho là có kỹ năng tư duy phản biện?

Rõ ràng, những người có tư duy phản biện sẽ xác định, phân tích và giải quyết vấn đề một cách hệ thống hơn là bằng trực giác hay bản năng. Một người được cho là có tư duy phản biện là người có thể:

- Hiểu mối liên hệ giữa các thông tin.

- Xác định tầm quan trọng và mức độ liên quan của các lập luận và ý tưởng.

- Ghi nhận, xây dựng các lập luận và thẩm định lập luận đó.

- Xác định những mâu thuẫn và sai sót trong lập luận.

- Tiếp cận vấn đề một cách nhất quán và có hệ thống.

- Suy nghĩ thấu đáo để bảo vệ quan điểm, niềm tin, giá trị mình tin tưởng.

Tư duy phản biện là suy nghĩ về tổng thể vấn đề, không bỏ sót hoặc qua loa, chỉ biết đồng ý hay phản đối mà không hiểu bản chất sự việc. Khi bạn suy nghĩ chín chắn, bạn sẽ không ngừng tư duy, tìm ra giải pháp tốt nhất. Kỹ năng phản biện là nền tảng để phát triển và hoàn thiện bản thân, tiền đề cho sự sáng tạo.

5.2. Cách nhà tuyển dụng đánh giá kỹ năng phản biện của ứng viên

Có những ngành nghề, đặc biệt là vai trò thiên về nghiên cứu, sáng tạo và tìm ra cái mới thì khả năng phản biện có thể ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng công việc. Mỗi nhà tuyển dụng khác nhau sẽ có cách đánh giá ứng viên khác nhau để tìm hiểu xem khả năng phản biện của ứng viên tới đâu. Những cách hay dùng gồm có:

- Đặt câu hỏi tình huống trong phỏng vấn.

- Đưa ra một nhận định, quan điểm và hỏi ý kiến của ứng viên.

- Sử dụng stress interview để xem cách ứng viên suy nghĩ và phản hồi với những câu hỏi áp lực, thậm chí là câu hỏi tưởng như vô lý hoặc kém duyên.

- Qua một số dạng bài kiểm tra hành vi, tính cách như trắc nghiệm thiên hướng DISC hay trắc nghiệm MBTI.

6. Lưu ý khi thể hiện tư duy phản biện

Việc bạn có kỹ năng tư duy phản biện không có nghĩa là bạn luôn không đồng ý với mọi thứ, luôn đưa ra ý kiến trái chiều trong công việc cũng như cuộc sống. Phản biện để tìm ra thông tin chính xác, ý kiến đúng đắn và có tính xây dựng.

Khi thể hiện kỹ năng tư duy phản biện, bạn cũng cần:

- Cân nhắc dựa theo tình huống.

- Đối phương là ai, cách diễn đạt của bạn liệu có phù hợp không?

- Ý kiến đưa ra để phát triển, thay vì để khiến bản thân bạn hay ai đó nản lòng.

- Phân tích thông tin không có nghĩa là nghi ngờ với tất cả mọi đánh giá.

Nhà tuyển dụng kiểm tra kỹ năng phản biện của ứng viên theo nhiều cách khác nhau, từ việc tìm kiếm từ khóa trong CV xin việc bạn gửi đến đặt ra các câu hỏi, yêu cầu trong cuộc phỏng vấn. Tự rèn luyện tư duy phản biện và chuẩn bị từ hôm nay để luôn sẵn sàng cho cơ hội việc làm của mình bạn nhé.