Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): “Đại tướng của nhân dân”

Thứ sáu, ngày 20 tháng 12 năm 2024 | 9:23

Chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa nhân văn và truyền thống văn hiến hàng ngàn năm của dân tộc Việt Nam đã tạo nên giá trị cốt lõi tư tưởng Hồ Chí Minh và của người học trò xuất sắc của Người - Võ Nguyên Giáp.

Và “Người Anh Cả của quân đội” trở thành vị “Đại tướng của nhân dân”, là một trong những nhân tố quan trọng nhất làm nên thắng lợi vẻ vang của quân và dân ta trong hai cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại của dân tộc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp đoàn đại biểu các đơn vị quân đội nhân dịp kỷ niệm lần thứ 13 Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.(22-12-1957). Ảnh: TTXVN

Đại tướng Võ Nguyên Giáp trình bày với Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước kế hoạch mở chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. Ảnh: Tư liệu

1. Cụm từ “Hồ Chí Minh - Võ Nguyên Giáp - Bộ đội Cụ Hồ” đã trở thành nỗi kinh hoàng của nhiều quân đội thực dân, đế quốc hùng mạnh nhất thế giới, là sự cổ vũ lớn cho các dân tộc bị áp bức, nô lệ các châu lục và cũng là niềm tự hào của dân tộc trong thời đại Hồ Chí Minh.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm nhận thấy ở thầy giáo dạy sử Võ Nguyên Giáp tầm cao tư duy, tài năng thiên bẩm về quân sự của một “Tôn Tử thời nay”; cảm nhận ở ông tính nhân văn đức độ của một bậc hiền nhân. Chính vì những lý lẽ đó, Người “đã chọn con đường binh nghiệp” cho Võ Nguyên Giáp.

Thực tế cho thấy tầm nhìn trong cách dùng người của Chủ tịch Hồ Chí Minh bởi sau đó, cùng với Đảng, Chính phủ, Quân đội và nhân dân, người thầy giáo đó đã góp phần quan trọng làm nên những chiến thắng “chấn động địa cầu”, tạo nên dáng đứng Việt Nam đầy tự hào, làm “run sợ cả Lầu Năm Góc”.

Chúng ta hiểu thêm về Võ Nguyên Giáp từ những bài tổng kết chiến tranh đến những công trình lý luận về quân sự, về tư tưởng Hồ Chí Minh, về hai cuộc kháng chiến của dân tộc..., đặc biệt là bộ hồi ức lịch sử đã công bố gần đây mà ở đó bao gồm thông tin trọn vẹn về cuộc đời ông, cũng là gần trọn vẹn những biến cố lịch sử quan trọng nhất của nửa sau thế kỷ XX. Có thể nói, không có nhiều nhà hoạt động chính trị, quân sự có ý thức và năng lực làm được những điều như Võ Nguyên Giáp đã làm.

Giáo sư sử học quân sự Cecil Currey, tác giả cuốn “Victory at any cost” (Chiến thắng bằng bất cứ giá nào) ca ngợi Đại tướng Võ Nguyên Giáp “sánh cùng các vĩ nhân quân sự trong suốt 2.000 năm qua. Ông sánh ngang tầm với Alexander Đại đế. Ông vượt tầm Napoleon. Ông vượt qua mọi vị tướng của chúng ta. Ông là nhân vật vĩ đại của mọi thời đại”.

William Westmoreland, nguyên Tư lệnh Bộ Chỉ huy Cố vấn Quân sự Mỹ tại miền Nam Việt Nam (MACV), Tham mưu trưởng Lục quân Hoa Kỳ đã viết: “Những phẩm chất làm nên một nhà lãnh đạo quân sự vĩ đại là khả năng đưa ra quyết định, khả năng tập trung và một trí tuệ hội tụ được những phẩm chất này. Tướng Giáp đã sở hữu tất cả”, và ông coi Võ Nguyên Giáp là “vị tướng huyền thoại”.

Viện sĩ, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu đánh giá Đại tướng Võ Nguyên Giáp không những là một thiên tài quân sự mà còn là một nhà văn hóa, một kiến trúc sư quân đội với nghệ thuật quân sự tài ba, một nhân cách lớn và là Anh Cả của Quân đội nhân dân Việt Nam, “Di sản lớn nhất của Đại tướng Võ Nguyên Giáp để lại cho đời sau chính là thiên tài quân sự của ông; trong đó là những phẩm chất, đạo đức, nhân cách và sự trung thành tuyệt đối mà Đại tướng dành cho Tổ quốc và nhân dân”.

2. Con đường Hồ Chí Minh trên biển ngày nào có phần công lao to lớn của Đại tướng vì con đường huyền thoại ấy được bắt nguồn chính từ đề xuất của ông với Bộ Chính trị về việc thành lập Đoàn 559 (đường Hồ Chí Minh) và sau đó là phương án vận chuyển vũ khí bằng đường biển bí mật (đường Hồ Chí Minh trên biển). Ngày 23-10-1961, Bộ Quốc phòng ra quyết định thành lập lực lượng vận tải quân sự đường biển mang tên Đoàn 759. Ngay khi thành lập, Đại tướng căn dặn: “Việc mở đường không được để ai biết. Không để lọt vào tay địch một người, một hiện vật... có thể tạo tang chứng làm hỏng việc lớn...”. Lời căn dặn này vô cùng cần thiết và quý báu.

Ngày 11-10-1962, với hơn 30 tấn vũ khí, con tàu mang tên “Phương Đông 1” đã vinh dự được chọn làm tàu mở đường, bắt đầu một chiến dịch lớn chi viện cho chiến trường miền Nam. Tướng Đồng Văn Cống - lúc đó được giao theo dõi hành trình, đã kể: “... cứ đến giờ giao ban thì Đại tướng hỏi: Thế nào rồi? Mãi sáng ngày 19-10-1962 (9 ngày sau) mới có tin tức. Sáng hôm đó, Quân ủy Trung ương họp giao ban. Tôi bước vào, Đại tướng ngẩng đầu lên nhìn tôi đăm đăm. Lần này tôi gật đầu, mặt tươi tỉnh. Đại tướng đứng dậy ôm chầm lấy tôi. Ông khóc!...”.

Thành công của con tàu “Phương Đông 1” đã chính thức khai thông “đường mòn Hồ Chí Minh trên biển” suốt 13 năm - gắn với những chiến công huyền thoại của Hải quân Việt Nam, góp phần quan trọng vào Đại thắng mùa Xuân năm 1975.

Sau đó, đến đầu năm 1970 - Tết Canh Tuất, cán bộ, chiến sĩ “Đoàn tàu không số” được đón Đại tướng đến thăm và chúc Tết. Đại tướng căn dặn bộ đội ta “tổ chức thực hiện thắng lợi nhiệm vụ trong tình hình mới”. Lời dặn dò của vị Đại tướng - Tổng Tư lệnh đã “thôi thúc cán bộ, chiến sĩ tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ để làm nên con đường huyền thoại trên biển mang tên Hồ Chí Minh. Sau này, các cựu binh nguyên là chiến sĩ đoàn tàu không số kính trọng gọi Đại tướng là “linh hồn của đoàn tàu không số”. Hai con đường huyền thoại xuyên rừng, vượt biển đã “thay đổi thế cờ” của cuộc kháng chiến ở miền Nam và đều có dấu ấn của Đại tướng.

3. Sau chiến thắng mùa Xuân 1975, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã tiếp một số chính khách, tướng lĩnh... của đối phương đến thăm Việt Nam. Với cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ R. McNamara,
Đại tướng Võ Nguyên Giáp tự hào nói: “Vị tướng giỏi nhất Việt Nam là nhân dân Việt Nam, dân tộc Việt Nam”!

Bà Tôn Nữ Nguyệt Minh, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Liên minh Châu Âu nói: “Đại tướng nổi tiếng là người có suy nghĩ rất tích cực, luôn hy vọng và tin tưởng vào những điều tốt đẹp, đồng thời truyền cảm hứng và quyết tâm đến tất cả mọi người. Điều đó được chứng minh bằng những chiến thắng hiển hách, chấn động cả năm châu... Những bài học của Đại tướng không chỉ có ý nghĩa trong quá khứ mà còn nguyên giá trị trong hiện tại và đặc biệt là tương lai”.

Sau này Đại tướng Võ Nguyên Giáp có nói: “Nghề dạy học là nghề tôi thích, song làm kinh tế để dân giàu nước mạnh là điều tôi hằng mong”. Điều mà Đại tướng mong mỏi chính là “chân lý cuộc đời, chân lý của lịch sử”. Ông luôn khắc ghi lời của Người Thầy kính yêu - Chủ tịch Hồ Chí Minh “làm cách mạng là phải dĩ công vi thượng”, và đã thực hiện một cách trọn vẹn lời dạy ấy cho đến phút cuối cùng của cuộc đời mình.