Lạm phát vượt đỉnh trên toàn cầu: Các ngân hàng trung ương sẽ "dễ thở" hơn với chính sách tiền tệ mới?

Chủ nhật, ngày 12 tháng 2 năm 2023 | 14:39

Với những yếu tố gây áp lực lên giá cả, từ các chuỗi cung ứng bị hạn chế cho đến nguồn cung khan hiếm đã ảnh hưởng đến sản xuất toàn cầu và làm gián đoạn quá trình vận chuyển hàng hóa đang dần qua đi. Do đó, bên cạnh chính sách thắt chặt tiền tệ mạnh tay của các ngân hàng trung ương (NHTƯ) trong năm 2022, lạm phát trong năm 2023 được dự báo sẽ giảm.

Lạm phát đạt đỉnh

Sau khi đạt đỉnh 9,1% vào tháng 6/2022, lạm phát của Mỹ đã giảm dần kể từ đó đến nay, còn 7,7% vào tháng 10 và 7,1% vào tháng 11. Gần đây nhất, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12/2022 của Mỹ bất ngờ giảm 0,1% so với tháng trước và chỉ tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2021. Báo cáo của Chính phủ Mỹ hôm 27/1/2023 cho thấy, chỉ số chi tiêu cá nhân (PCE) - thước đo lạm phát ưa thích của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) chỉ tăng 5% trong tháng 12/2022 so với cùng kỳ năm trước đó, thấp nhất kể từ tháng 9/2021. 

Lạm phát cũng đã chậm lại ở châu Âu kể từ tháng 11/2022 - lần đầu tiên sau 17 tháng. Tại nền kinh tế lớn nhất trong Eurozone, sau khi lạm phát lên tới 10,4% trong tháng 10/2022 - cao kỷ lục trong vòng 70 năm, sau đó đã giảm về 10% trong tháng 11 và tiếp đó giảm còn 8,6% trong tháng cuối năm 2022. Cố vấn kinh tế của Chính phủ Đức Monika Schnitzer nhận định: "Nếu không có gì bất thường xảy ra, lạm phát ở Đức có thể đã đạt đỉnh".

Bloomberg Economics và một số chuyên gia kinh tế gần đây cho rằng, lạm phát toàn cầu có thể đã đạt đỉnh nhưng vẫn còn nhiều thử thách. Giá hàng hóa - yếu tố chính gây ra lạm phát trong hơn một năm rưỡi qua - đã giảm tháng thứ ba liên tiếp, trong khi chuỗi cung ứng cải thiện và nhu cầu giảm giúp giải tỏa bớt áp lực giá đối với hàng hóa. Nhờ giá năng lượng giảm bên cạnh các biện pháp hỗ trợ của chính phủ đối với hộ gia đình và doanh nghiệp cũng giúp lạm phát hạ nhiệt ở nhiều nơi.

Lạm phát đã qua đỉnh có giúp các NHTƯ

Lạm phát đã qua đỉnh có giúp các NHTƯ "dễ thở" hơn với chính sách tiền tệ?

 

Mới đây nhất, các nhà phân tích của hãng xếp hạng tín nhiệm Moodys nhận định lạm phát đã vượt đỉnh ở hầu hết các nền kinh tế châu Á- Thái Bình Dương. Hiện tại, xu hướng tăng giá đang giảm tại Campuchia, Ấn Độ, Malaysia, Singapore, Hàn Quốc và Thái Lan. Trong báo cáo phân tích công bố ngày 3/2/2023, Moodys cho rằng tác động kết hợp của việc hạn chế nguồn cung được nới lỏng và chi phí vay giảm bớt sẽ giúp giảm lạm phát xuống thấp hơn ở khu vực này trong năm nay.

Moodys lưu ý, áp lực giá đang đè nặng lên hộ gia đình và doanh nghiệp ở khắp nơi trên thế giới, ước tính lạm phát đã tăng lên 8,7% trong suốt năm 2022. Ở châu Á - Thái Bình Dương, giá cả tăng hơn 3,6%. Tại Trung Quốc, Moodys cho biết lạm phát đã giảm nhẹ từ mức cao nhất nhưng dự kiến nền kinh tế của nước này sẽ đối mặt với thách thức khi mở cửa biên giới để thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng trong nước. 

"Dễ thở" hơn với chính sách tiền tệ?

Với những yếu tố gây áp lực lên giá cả, từ các chuỗi cung ứng bị hạn chế cho đến nguồn cung khan hiếm đã ảnh hưởng đến sản xuất toàn cầu và làm gián đoạn quá trình vận chuyển hàng hóa, đang dần qua đi. Cùng với chính sách thắt chặt tiền tệ mạnh tay của các NHTƯ trong năm 2022, lạm phát trong năm 2023 được dự báo sẽ tiếp tục giảm. Theo đó, lạm phát của Mỹ có thể xuống 4,1% vào cuối năm 2023, khu vực châu Âu khoảng 6% đối với các nền kinh tế phát triển và 12% ở các nền kinh tế mới nổi.

Xu hướng này sẽ giúp các NHTƯ "dễ thở" hơn với việc điều hành chính sách tiền tệ. Trong cuộc họp chính sách vào đầu tháng 2, FED chỉ tăng lãi suất thêm 0,25%, sau khi đã 4 lần liên tiếp nâng lãi suất 75 điểm cơ bản trước khi giảm xuống 50 điểm cơ bản trong tháng 12 năm ngoái. Trong cuộc họp báo sau công bố về lãi suất, Chủ tịch FED Jerome Powell thừa nhận nền kinh tế Mỹ vẫn đang ở "giai đoạn đầu" của quá trình hạ nhiệt lạm phát.

Một số ý kiến cho rằng mức lạm phát cao nhất đã hạ nhiệt không có nghĩa là điều tồi tệ nhất đã qua, mà nhiều thách thức vẫn ở phía trước. Ngay cả khi lạm phát giảm xuống, chỉ số giá tiêu dùng sẽ vẫn cao hơn mức an toàn đối với các NHTƯ, đòi hỏi phải thắt chặt chính sách tiền tệ hơn nữa.

Ở những nơi khác, với lạm phát có thể đã đạt đỉnh, cũng là tín hiệu để NHTƯ châu Âu (ECB) và NHTƯ Anh (BOE) nâng lãi suất chậm lại trong thời gian tới. Cụ thể, sau đợt nâng lãi suất lên 0,75% vào tháng 10/2022, cả ECB và BOE trong hai cuộc họp diễn ra vào tháng 12/2022 và tháng 2/2023, chỉ nâng mỗi lần thêm 0,5%. Nếu lạm phát tiếp tục giảm trong thời gian tới, không loại trừ khả năng các nền kinh tế này cũng sẽ sớm chấm dứt chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ.

Dù vậy, một số ý kiến cho rằng, mức lạm phát cao nhất đã giảm không có nghĩa là điều tồi tệ nhất đã qua, mà nhiều thách thức vẫn ở phía trước. Ngay cả khi lạm phát giảm xuống, chỉ số giá tiêu dùng sẽ vẫn cao hơn mức an toàn đối với các NHTƯ, đòi hỏi phải thắt chặt chính sách tiền tệ hơn nữa.

Như tại Mỹ, một số nhà kinh tế lo rằng mức tăng lương cùng với thị trường lao động quá nóng (tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ đã giảm xuống mức kỷ lục trong 53 năm qua), có thể khiến người tiêu dùng vung tiền chi tiêu và các công ty háo hức tăng giá hàng hóa để bù đắp, khiến lạm phát cao hơn mục tiêu 2% của FED. 

Năm 2023, Trung Quốc đang dần loại bỏ chính sách Zero Covid, mở cửa trở lại nền kinh tế. Khi nền kinh tế khởi sắc, Trung Quốc sẽ tăng nhập khẩu dầu thô, nguyên vật liệu sản xuất, hàng hóa công nghiệp, đẩy giá nguyên liệu thô thế giới tăng lên, gây áp lực tăng giá nhiều loại hàng hóa tiêu dùng và các loại dịch vụ khác, khi đó lạm phát toàn cầu có thể bật tăng. Theo Bloomberg ước tính, nếu Trung Quốc mở cửa hoàn toàn vào giữa năm 2023, giá năng lượng sẽ tăng 20% và chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ dự báo sẽ giảm xuống 3,9% vào giữa năm có nguy cơ tăng vọt lên 5,7% vào cuối năm 2023.

Nguồn: https://doanhnhansaigon.vn/