Lãng phí tài nguyên đất đai
Dự án Nhà máy Xi măng Mỹ Đức (thuộc địa bàn 2 xã Đại Hưng và An Phú, huyện Mỹ Đức) được cấp thẩm quyền cho phép đầu tư từ năm 2005. Dự án đã giải phóng được phần lớn diện tích mặt bằng và triển khai một số hạng mục, song sau đó tạm dừng vì nhiều lý do. Hơn 70ha đất để hoang hóa cả chục năm qua gây bức xúc với người dân về sự lãng phí nguồn lực tài nguyên đất đai...
Hạng mục văn phòng của Công ty cổ phần Xi măng Mỹ Đức đang dần xuống cấp.
Hơn 70ha đất hoang hóa
Dự án Nhà máy Xi măng Mỹ Đức do Công ty cổ phần Xi măng Mỹ Đức làm chủ đầu tư. Dự án được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, cho phép đầu tư tại Văn bản số 295/TTg-CN ngày 23-3-2005 và giao Công ty cổ phần Xi măng Mỹ Đức thực hiện.
Ngày 31-7-2008, UBND tỉnh Hà Tây (cũ) giao cho Công ty cổ phần Xi măng Mỹ Đức 860.854,1m2 đất để thực hiện dự án. Từ năm 2008 đến 2012, chủ đầu tư phối hợp với UBND huyện Mỹ Đức tiến hành bồi thường, giải phóng mặt bằng khoảng 71ha. Hiện công ty đã xây dựng trụ sở làm việc trên khu đất được giao, thuộc địa bàn xã An Phú.
Theo Quyết định số 1488/QĐ-TTg ngày 29-8-2011 của Thủ tướng Chính phủ, Nhà máy Xi măng Mỹ Đức nằm trong Quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam giai đoạn 2011-2020 và định hướng đến năm 2030. Đến năm 2013, thực hiện Văn bản số 485/TTg-KTN về rà soát, điều chỉnh tiến độ các dự án xi măng theo quy hoạch, có 7 dự án giãn tiến độ triển khai, trong đó có dự án Nhà máy Xi măng Mỹ Đức.
Năm 2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành Văn bản số 1592/TTg-KTN về rà soát các dự án đầu tư xây dựng nhà máy xi măng Việt Nam trong Quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam, trong đó hoãn triển khai dự án Nhà máy Xi măng Mỹ Đức. Tại văn bản này, Thủ tướng Chính phủ giao “Bộ Xây dựng phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan chỉ đạo thực hiện các dự án theo quy hoạch được phê duyệt theo quy định hiện hành”.
Tuy nhiên, từ đó đến nay, UBND huyện Mỹ Đức chưa nhận được văn bản chỉ đạo nào khác về việc tiếp tục triển khai dự án và Công ty cổ phần Xi măng Mỹ Đức từ đó đến nay cũng không đầu tư xây dựng gì thêm trên đất được giao.
Cần sớm có giải pháp đưa đất vào sử dụng
Tính đến nay, chủ đầu tư đã đầu tư khoảng 139 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng và hơn 118 tỷ đồng xây dựng các hạng mục như: San nền mặt bằng nhà máy; xây dựng đường vào nhà máy và khu nhà ở công vụ, nhà hành chính; xây dựng đường điện, trạm biến áp.
Về sự dở dang của dự án, đại diện UBND xã An Phú cho biết, trong các kỳ họp HĐND, cử tri đã nhiều lần có ý kiến bởi sốt ruột nhìn đất hoang hóa, công trình thì ngày càng xuống cấp... Từ khi có quyết định hoãn triển khai dự án đến nay đã 10 năm, số phận của hàng chục héc ta đất vẫn chưa được định đoạt. Địa phương mong mỏi diện tích đất này được chuyển đổi sang thực hiện dự án khác để phát huy hiệu quả nguồn lực đất đai.
Liên quan đến việc dự án Nhà máy Xi măng Mỹ Đức dừng hoạt động, trong một số tài liệu trả lời cử tri huyện Mỹ Đức cũng được đề cập. Theo đó, trong thời gian tới, UBND thành phố Hà Nội sẽ có văn bản gửi Bộ Xây dựng để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc thực hiện dự án...
Trao đổi về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Lê Văn Trang thông tin thêm, căn cứ quyết định phê duyệt chung xây dựng huyện Mỹ Đức của UBND thành phố Hà Nội (Quyết định số 4465/2014/QĐ-UBND ngày 27-8-2014), huyện Mỹ Đức là vành đai xanh, tập trung phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với du lịch, dịch vụ. Do đó, phần diện tích đất thuộc dự án Nhà máy Xi măng Mỹ Đức đã được điều chỉnh quy hoạch thành khu du lịch sinh thái, đất dự trữ phát triển. “UBND huyện đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội tổng hợp, tham mưu UBND thành phố báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét thu hồi dự án, giao lại đất cho UBND huyện quản lý, sử dụng theo quy hoạch, tránh lãng phí nguồn lực đất đai, nhằm giải quyết việc làm cho nhân dân, bảo đảm môi trường bền vững tại địa phương”, ông Lê Văn Trang nhấn mạnh.
Thiết nghĩ, đề xuất của UBND huyện Mỹ Đức là vấn đề rất thiết thực. Các sở, ngành liên quan của thành phố cần sớm xem xét, giải quyết để diện tích đất này được sử dụng hiệu quả, mang lại giá trị thực tiễn cho người dân và địa phương...
- Nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, hội viên, phụ nữ về kỷ nguyên mới
- Vượt khó nhờ nguồn vốn chính sách
- 10 sự kiện nổi bật của Việt Nam năm 2024 do TTXVN bình chọn
- Phát huy vai trò đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ Thủ đô: Cần cơ chế, chính sách cụ thể, khả thi
- Lễ cầu siêu tưởng niệm liệt sĩ và nạn nhân đợt thảm sát bằng bom B52 năm 1972
- Doanh nhân nặng lòng với quê hương
- Tuyến đường xây dựng 4 năm chưa hoàn thành
- Cơ hội học tập và làm việc quốc tế cho lực lượng bộ đội, công an sau xuất ngũ
- “Nhảy việc” - cơ hội và thách thức