Lao động di cư – cơ hội thúc đẩy phát triển kinh tế đồng đều
Lao động di cư đã bổ sung nguồn nhân lực có chất lượng và có những đóng góp tích cực và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của đất nước. Vì thế, rất cần xóa bỏ những rào cản hạn chế di cư cũng như tạo mọi điều kiện cho người nhập cư được tiếp cận an sinh xã hội.
Di cư để cải thiện sinh kế…
Di cư là sự di chuyển dân số từ đơn vị hành chính này đến đơn vị hành chính khác, là hiện tượng dịch chuyển của dòng người vì lý do làm ăn sinh sống. Di cư đã và đang trở thành một trong những lựa chọn của người dân nhằm cải thiện sinh kế và tiếp cận tới cơ hội giáo dục, y tế...
Công nhân nhà máy may mặc Bowker Việt Nam (Khu công nghiệp Đồng An 1, TP Thuận An, tỉnh Bình Dương. (ảnh internet)
Trong bối cảnh mức sinh tương đối thấp và ổn định như hiện nay, di cư có vai trò quan trọng tới biến động dân số và là cấu phần không thể thiếu của quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Di cư đã trở thành một phần thiết yếu của tăng trưởng kinh tế nhanh kể từ sau cải cách kinh tế và đây cũng là vấn đề then chốt của dân số và phát triển.
Lao động di cư có những đặc trưng nhân khẩu học cũng như các đặc trưng kinh tế - xã hội tương đối khác với lao động bản địa (không di cư). Kết quả của của cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở gần đây nhất cho thấy, tỷ trọng nữ giới trong lao động di cư và không di cư không chênh lệch nhiều (48,8% đối với lao động di cư và 47,3% đối với lao động không di cư). Tuy nhiên, độ tuổi phổ biến của lao động di cư là 20 - 34 tuổi với tỷ trọng tới 65,6%, cao gần gấp đôi so với tỷ lệ tương ứng của lao động không di cư (36,1%).
Số liệu của cuộc Tổng điều tra dân số cũng cho thấy, trình độ chuyên môn kỹ thuật của lao động di cư cao hơn so với lao động không di cư. Số người có trình độ chuyên môn kỹ thuật của lao động di cư chiếm tới 29,5%, trong khi lao động không di cư là 22,9%. Đặc biệt, số người có trình độ đại học trở lên chiếm tới 15,4% lao động di cư, cao gấp rưỡi so với lao động không di cư (10,4%). Điều này cho thấy lợi thế về nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn kỹ thuật của các điểm nhập cư so với điểm xuất cư.
Trong lao động không di cư, hơn một phần ba (34,1%) làm các nghề thuộc nhóm “bậc thấp” hay lao động giản đơn, trong khi đối với lao động di cư, số người làm việc nhóm nghề này chỉ chiếm 11,6%. Ngược lại, có tới 15,5% lao động di cư làm các nghề thuộc nhóm “bậc cao”, cao gấp rưỡi so với lao động không di cư (11,0%).
Ngoài ra là sự khác biệt khá rõ về xu hướng lựa chọn ngành của lao động di cư và không di cư theo khu vực kinh tế. Lao động di cư làm việc chủ yếu ở khu vực công nghiệp và xây dựng – khu vực II (57,6%) cao gấp đôi so với lao động không di cư (28,1%). Ngược lại, lao động không di cư vẫn chủ yếu tập trung làm việc trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản – khu vực I (36,4%), cao gấp 7 lần so với lao động di cư (5,1%). Rõ ràng, lao động di cư đã có đóng góp tích cực vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Việt Nam.
5 tỉnh có số lao động nhập cư cao
TP Hồ Chí Minh, TP Đà Nẵng, các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và Bắc Ninh đã và đang trở thành các tỉnh, TP năng động, đặc biệt là trong phát triển kinh tế. Trong những năm gần đây, một lượng lao động rất lớn từ các địa phương khác đã di chuyển đến các tỉnh, TP này để mưu sinh.
Theo số liệu của cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở gần nhất, Bình Dương là tỉnh có mức nhập cư cao nhất nước; tỷ lệ lao động nhập cư chiếm tới 26,3%. Tỷ lệ lao động di cư làm việc trong khu vực I chỉ chiếm 0,6%. Đa số lao động di cư ở Bình Dương làm việc trong khu vực II chiếm 82,3%; tiếp đến là lao động làm việc ở khu vực dịch vụ - khu vực III chiếm 17,1%.
Bắc Ninh là tỉnh có mức nhập cư cao thứ hai trong cả nước; tỷ lệ lao động nhập cư chiếm 15,8%. Tỷ lệ lao động di cư làm việc trong khu vực I của Bắc Ninh thấp hơn tỉnh Bình Dương, chỉ chiếm 0,4%. Đa số lao động di cư ở Bắc Ninh làm việc trong khu vực II (88,7%; số lao động di cư làm việc trong khu vực III là 10,8%.
TP Hồ Chí Minh có mức nhập cư cao thứ ba; với tỷ lệ lao động nhập cư chiếm 11,5,3%. Tỷ lệ lao động di cư làm việc trong khu vực I chỉ chiếm 0,6%. Số lao động di cư ở TP Hổ Chí Minh làm việc trong khu vực II chiếm 49,8%. Số lao động di cư làm việc trong khu vực III chỉ thấp hơn khu vực II một chút – 49,6%.
Tỉnh Đồng Nai có mức nhập cư cao thứ tư; tỷ lệ lao động nhập cư chiếm 9,2%. Tỷ lệ lao động di cư làm việc trong khu vực I là 2,5%. Đa số lao động di cư ở Đồng Nai làm việc trong khu vực II (80,1%). Số lao động di cư làm việc trong khu vực III là 17,2%.
TP Đà Nẵng có mức nhập cư cao thứ năm cả nước, với tỷ lệ lao động nhập cư chiếm 8,6%. Tỷ lệ lao động di cư làm việc trong khu vực I chỉ cao hơn tỉnh Bắc Ninh có 0,1 điểm phần trăm (0,5%). Khác với 4 tỉnh, TP đã nêu, đa số lao động di cư ở TP Đà Nẵng lại làm việc trong khu vực III (66,2%). Số lao động di cư làm việc trong khu vực II chỉ chiếm một phần ba (33,3%).
Tạo điều kiện thuận lợi cho những người di cư
Lao động nhập cư, với đa số là lực lượng trẻ, có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao lại chủ yếu làm việc thuộc nhóm nghề “bậc trung” và “bậc cao” và thuộc các khu vực công nghiệp, xây dựng và khu vực dịch vụ đã tác động sâu sắc đến phát triển kinh tế của các tỉnh, TP nhập cư. Một mặt, di cư đã bổ sung thêm nguồn lao động có chất lượng đồng thời cũng làm cho đời sống văn hóa của các địa phương nhập cư ngày càng phong phú hơn. Tuy nhiên, di cư đến lại tạo ra sức ép trong việc cung ứng các dịch vụ công, các dịch vụ xã hội cơ bản như vấn đề học tập, khám chữa bệnh, vui chơi, giải trí; các vấn đề xã hội nảy sinh gây sức ép đối với đối với công tác quản lý hành chính của các tỉnh, TP nhập cư.
Di cư chính là cơ hội thúc đẩy sự phát triển đồng đều, giảm sự khác biệt giữa các vùng lãnh thổ, đáp ứng được phần lớn nhu cầu phát triển công nghiệp và dịch vụ đồng thời tạo ra sự dịch chuyển một phần thu nhập về các vùng nghèo hơn. Rất nhiều cá nhân và gia đình đã đưa ra quyết định di cư với mục đích tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Để có thể tận dụng tối đa lợi ích của quá trình di cư cần tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người di cư. Cụ thể như cần xóa bỏ những rào cản hạn chế di cư và không yêu cầu hộ khẩu của người di cư khi họ tiếp cận với các dịch vụ xã hội. Đồng thời, tăng cường lợi ích của di cư tại những vùng có người di cư đến. Kế hoạch phát triển đô thị cần chú ý đến số lượng dân số thực tế, bao gồm cả những người di cư không đăng ký hộ khẩu, đăng ký tạm trú.
Bên cạnh đó là chú trọng đến những người di cư nghèo, thông qua việc cung cấp nơi ở an toàn và hợp vệ sinh cho những người có thu nhập thấp. Cũng như, tạo mọi điều kiện cho người di cư tiếp cận được các vấn đề an sinh xã hội như y tế, giáo dục, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp ... một cách tốt nhất.
Nguồn
https://kinhtedothi.vn/lao-dong-di-cu-co-hoi-thuc-day-phat-trien-kinh-te-dong-deu.html
- Giải pháp thúc đẩy bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số và miền núi
- Siêu thị 0 đồng phục vụ bệnh nhân ung thư tại thành phố Hồ Chí Minh
- Cảnh báo mạo danh cơ quan BHXH yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân cập nhật thẻ BHYT trên ứng dụng VssID
- Cấp đổi thẻ căn cước trực tuyến được giảm 50% lệ phí
- Phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Linh hoạt mức đóng bảo hiểm thất nghiệp
- Phấn đấu trong năm 2025 hoàn thành 3 nhiệm vụ về hỗ trợ nhà ở, xóa nhà tạm, nhà dột nát
- Tổ chức xóa nhà tạm, nhà dột nát trong cả nước như chiến dịch, ngày hội của toàn dân
- Lan tỏa tinh thần thượng tôn pháp luật
- 1.337 chỉ tiêu tại Hội chợ việc làm cho người lao động EPS và thực tập sinh IM Japan về nước