Luật Đất đai đáp ứng mong muốn, nguyện vọng chính đáng của nhân dân

Thứ ba, ngày 2 tháng 7 năm 2024 | 10:13

Tại kỳ họp bất thường lần thứ 5 (ngày 15-18/1/2024), Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Đất đai 2024. Đây là một trong những bộ luật quan trọng, có ảnh hưởng lớn đến đời sống xã hội. Chính vì vậy ngay từ khi bắt đầu tiến hành sửa đổi cho đến lúc được thông qua, các thế lực thù địch, phản động không ngừng xuyên tạc các nội dung của Luật Đất đai nhằm chống phá Đảng, Nhà nước ta, gây bất ổn xã hội bằng những thủ đoạn tinh vi, thâm độc.

Tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15, Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15. (Ảnh ĐĂNG ANH)
Tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15, Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15. (Ảnh ĐĂNG ANH)

Luật Đất đai 2024 đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp bất thường lần thứ 5 (ngày 18/1/2024) gồm 16 chương và 260 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025. Tuy nhiên, tại Kỳ họp thứ 7, với 404/469 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai số 31/2024/QH15. Theo đó, Luật Đất đai sẽ có hiệu lực từ ngày 1/8/2024, sớm 5 tháng so với quyết nghị của Quốc hội. Luật được đánh giá là đã quán triệt đầy đủ và thể chế hóa theo đúng tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, phù hợp với Hiến pháp, đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành. Tuy nhiên thời gian qua các thế lực thù địch không ngừng chống phá quá trình xây dựng dự thảo luật, lấy góp ý của quần chúng nhân dân cho đến khi luật được thông qua. Bên cạnh những luận điệu, thủ đoạn quen thuộc được các thế lực thù địch sử dụng làm chiêu bài chống phá liên quan đến Luật Đất đai 2024 như: Tung luận điệu xuyên tạc "đất đai thuộc độc quyền sở hữu nhà nước"; đưa ra kiến nghị để gỡ rối vấn đề đất đai thì cần phải xóa bỏ chế độ sở hữu toàn dân về đất đai; xuyên tạc Việt Nam sửa đổi Luật Đất đai là để thao túng thị trường đất đai, lồng ghép lợi ích cho những cá nhân hay nhóm người nhất định chứ không vì lợi ích của nhân dân. Hay, việc sửa đổi Luật Đất đai chỉ là làm theo chỉ đạo, theo kế hoạch, theo ý chí chủ quan chứ không dựa vào thực tiễn, không thể tuân thủ nguyên tắc sự thật khách quan.

Việc lấy ý kiến góp ý vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) chỉ là hình thức, chiếu lệ, "làm cho có", để "bịt mắt", "mị dân" mà thôi, nên người dân không cần "mất thời gian góp ý". Khi Quốc hội quyết định lùi thời gian sửa đổi luật thì các đối tượng lại rêu rao rằng "sự chậm trễ đó có liên quan đến nhóm lợi ích đang thao túng nguồn tài nguyên đất đai"; đồng thời khẳng định việc hoàn thiện Luật Đất đai ở Việt Nam là chuyện quá khó khăn, thậm chí là không thể, bởi vướng đến yếu tố thể chế và thiết chế xã hội, đến tương quan lực lượng chống tham nhũng và tham nhũng. Các đối tượng cố tình làm trầm trọng hóa các vấn đề nhạy cảm, phức tạp, kích động người dân khiếu kiện, biểu tình, bất hợp tác trong các vụ việc liên quan đến đất đai, lôi kéo các tổ chức dân sự xã hội, các tổ chức quốc tế vào cuộc để gây sức ép với chính quyền. Chúng ra sức tuyên truyền rằng Luật Đất đai mới sẽ tạo cơ sở pháp lý cho việc "cướp đất" của chính quyền cộng sản...

Thực tiễn qua 4 kỳ họp Quốc hội đã phần nào cho thấy việc sửa đổi nhằm hoàn thiện Luật Đất đai là hoàn toàn phù hợp với quy luật khách quan, với thực tiễn đất nước và lợi ích quốc gia, dân tộc. Việc lùi thời hạn thông qua luật cũng cho thấy sự thận trọng, cầu thị, bền bỉ trong công tác xây dựng pháp luật của Đảng, Nhà nước ta với mong muốn có được một bộ luật hoàn thiện, chặt chẽ, bảo đảm tính pháp lý, tính khoa học, tính thực tiễn và quyền lợi của người dân ở mức tối đa. Điều này cũng cho thấy sự thận trọng, cân nhắc kỹ lưỡng dựa trên các ý kiến đóng góp của mọi tầng lớp nhân dân và có thời gian bổ khuyết những lỗ hổng, khuyết thiếu trong luật hiện hành. Đây cũng là quan điểm nhất quán của Bộ Chính trị về xây dựng pháp luật, đó là những vấn đề cấp bách, đã rõ, được thực tiễn chứng minh, có sự thống nhất cao thì mới đề xuất quy định trong luật. Cho nên Luật Đất đai 2024 được thông qua trên cơ sở bảo đảm tính khoa học, hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp, các chủ thể trong xã hội; hoàn toàn không vì "lợi ích nhóm" như các thế lực phản động rêu rao.

Dư luận đánh giá cao Luật Đất đai 2024 vừa được Quốc hội thông qua có nội dung chặt chẽ, đáp ứng cơ bản mong muốn, nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Đặc biệt, Luật Đất đai 2024 có nhiều điều khoản nhằm bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất, như mở rộng quyền sử dụng đất không chỉ với công dân Việt Nam, mà cả người Việt định cư ở nước ngoài, tạo điều kiện thuận lợi cho kiều bào ta ở nước ngoài có cơ hội sở hữu, đầu tư nhà ở, bất động sản trong nước. Chẳng hạn tại Điều 4, quy định về người sử dụng đất, Luật bổ sung thêm nhóm đối tượng là người gốc Việt định cư ở nước ngoài nhưng không có quốc tịch Việt Nam (Việt kiều) sẽ được hưởng đầy đủ quyền lợi về đất đai, nhà ở như công dân trong nước và người Việt định cư ở nước ngoài (người còn quốc tịch Việt Nam). Hay trong Điều 28 quy định người gốc Việt định cư ở nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam có quyền mua, thuê nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở, nhận quyền sử dụng đất ở trong dự án phát triển nhà ở; nhận thừa kế quyền sử dụng đất ở và các loại đất khác trong cùng thửa đất có nhà. Hay tại các Điều 41, 43, 44 của Luật Đất đai, quyền sử dụng đất của nhóm đối tượng là Việt kiều cũng được mở rộng hơn với các điều khoản, quy định rất chi tiết, rõ ràng. Từ những thay đổi tích cực này cho thấy chính sách cởi mở của Đảng, Nhà nước Việt Nam trong thu hút nguồn vốn, nguồn lực từ bên ngoài cũng như gắn kết kiều bào với Tổ quốc, vun đắp khối đại đoàn kết dân tộc ở cả trong và ngoài nước.

Ở Luật Đất đai trước đây, Việt kiều có phần bị hạn chế về quyền mua, bán, chuyển nhượng nhà đất cho nên các đối tượng chống phá đã tung mọi luận điệu để bôi xấu, cho rằng đó là thiếu công bằng, là thiếu sót của Luật. Đến Luật Đất đai 2024 vừa được ban hành, dù đã mở rộng quyền lợi cho Việt kiều, song chúng lại "bẻ lái" cố tình bóp méo rằng, việc mở rộng quyền và lợi ích cho Việt kiều như vậy chẳng qua là để kêu gọi Việt kiều về xây dựng đất nước, mà thực chất trở về "xây dựng đất nước chỉ là xây dựng cho Đảng của họ (Đảng Cộng sản Việt Nam) thêm lớn mạnh thôi", mà với thể chế "độc đảng" cai trị và Đảng Cộng sản quyết định mọi thứ thì không bao giờ có sự công bằng, không có chuyện trở về xây dựng đất nước... Chúng cố tình phủ nhận những nỗ lực của Đảng, Nhà nước Việt Nam trong việc tạo thuận lợi để người gốc Việt mua nhà ở, đầu tư tại Việt Nam với thủ tục đơn giản hơn. Thực tế những thay đổi này đã thể hiện rõ nét sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Quốc hội tới mọi người dân, tạo sự bình đẳng giữa người dân trong nước và kiều bào trong lĩnh vực bất động sản; đồng thời thể hiện nhất quán quan điểm người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không thể tách rời của đất nước Việt Nam.

 

Từ các luận điệu xuyên tạc cho thấy các đối tượng cố tình lờ đi một thực tế đó là nhiều rào cản về thủ tục pháp lý trước đây đã được tháo gỡ, được luật hóa với các điều, khoản, quy định rất rõ ràng, cụ thể, tạo thuận lợi cho người dân Việt Nam nói chung và Việt kiều nói riêng trong Luật Đất đai 2024. Đồng thời chúng vẫn tiếp tục rêu rao dù luật mới đã mở rộng quyền hơn cho Việt kiều, nhưng nhìn vào luật pháp và chính sách Việt Nam với quá nhiều bước, nhiều thủ tục, thì kể từ khi được thông qua đến khi chính thức và triển khai trên thực tế, rồi đến sự vận dụng của cán bộ ở từng địa phương... sẽ vẫn còn những rào cản khó khăn nữa.

Một số khác, khi thấy mình có phần "đuối lý", không tìm được "kẽ hở" trong Luật Đất đai mới được thông qua, nhất là những nội dung liên quan đến quyền lợi của Việt kiều thì tiếp tục "moi móc" những vụ án cũ, những sai phạm trong quá khứ liên quan đến đất đai, nhà ở, giải phóng mặt bằng, hay những vụ việc mang tính chất cá nhân liên quan đến quyền lợi của một vài Việt kiều khi bị người thân đứng tên nhà ở lừa đảo... Gần đây, trên một số trang tin, website phản động, chúng lợi dụng những vụ đại án liên quan đến lĩnh vực bất động sản trong nước như vụ Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát... để hạ thấp vai trò của Chính phủ Việt Nam, cho rằng sở dĩ có những vụ án như vậy chính là do vấn nạn tham nhũng, nhận hối lộ, sự yếu kém trong quản lý và "sự thiếu vắng trách nhiệm của Chính phủ trong lĩnh vực bất động sản". Chúng cho rằng "Đất đai thuộc về những người có quan hệ chính trị, hầu hết đều liên quan đến tham nhũng và Chính phủ vẫn vô trách nhiệm bất chấp khả năng giám sát yếu kém", bất chấp thực tế là những sai phạm dù của tổ chức, cá nhân nào cũng đều bị xử lý nghiêm khắc và kiên quyết theo quy định của pháp luật.

Những luận điệu mà các thế lực thù địch rêu rao không phải là để "đấu tranh" đòi quyền lợi cho người dân trong nước, cũng không phải vì quyền lợi của kiều bào ở nước ngoài, cũng không phải là lợi ích quốc gia, dân tộc, mà mục đích cuối cùng chính là nhằm chống phá Đảng, Nhà nước, tiến tới xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa. Bằng mọi âm mưu thủ đoạn chống phá, chúng gieo rắc sự hoài nghi, làm suy giảm lòng tin của người dân với Đảng, kích động quần chúng nhân dân chống đối chính quyền, khiến dư luận trong nước và quốc tế hiểu sai về quá trình lập pháp của nước ta, hạ thấp uy tín của Đảng. Vậy nên cùng với việc nỗ lực hoàn thiện hệ thống pháp luật và thể chế, làm tốt các chính sách đất đai, bảo đảm an sinh xã hội,... thì việc nhận diện, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch xuyên tạc Luật Đất đai 2024 cũng rất cần được quan tâm chú trọng.