Miễn phí, sao không hấp dẫn?
Việc làm phi chính thức vốn được coi là những việc làm bấp bênh, thiếu tính ổn định, tuy nhiên nhiều lao động vẫn chấp nhận gắn bó với công việc này trong thời gian dài, thay vì tham gia các khóa đào tạo nghề để có thu nhập ổn định, tốt hơn
Học viên thực hành pha chế đồ uống tại lớp đào tạo nghề do Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tổ chức.
Đào tạo nghề miễn phí không được mặn mà
Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội là đơn vị thường xuyên tổ chức các khóa đào tạo nghề cho lao động hưởng bảo hiểm thất nghiệp, góp phần hỗ trợ lao động khu vực phi chính thức sớm trở lại thị trường lao động.
Từng tham gia lớp Kỹ thuật nấu ăn do Trung tâm tổ chức, học viên Nguyễn Thị Hải An chia sẻ: “Nhờ những kỹ năng học được từ khóa đào tạo này, tôi đã xây dựng kênh bán hàng online qua Grabfood, Shopee, tạo nguồn thu nhập ổn định. Tôi nghĩ các lớp đào tạo nghề như vậy có ý nghĩa lớn đối với lao động phi chính thức trong hành trình trở lại thị trường lao động”.
Còn học viên Phùng Minh Hiền, lớp Pha chế đồ uống cho biết: “Khóa đào tạo nghề là một trong các cơ sở để tôi đầu tư thêm kỹ năng, mở cửa hàng kinh doanh tại số 64 phố Hàng Than (Hà Nội), bước đầu tạo nguồn thu nhập mới cho bản thân và gia đình”.
Các trường hợp trên cho thấy, đào tạo nghề cho lao động phi chính thức, đặc biệt là lao động hưởng bảo hiểm thất nghiệp có ý nghĩa rất thiết thực, giúp nhiều lao động có thu nhập bấp bênh có cơ hội tham gia lại thị trường lao động, đem lại nguồn thu nhập ổn định. Tuy nhiên, trên thực tế, số lượng lao động phi chính thức dành thời gian thích đáng để tham gia học nghề nâng cao trình độ bản thân nhằm mau chóng tham gia thị trường lao động chính thức rất ít.
Số liệu thống kê của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho thấy, từ năm 2010 đến nay, Trung tâm đã tiếp nhận 690.256 lao động nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, nhưng chỉ có 27.457 người đăng ký học nghề (chiếm 3,9%). Nguyên do là nhiều người lao động muốn nhanh chóng kiếm việc làm để có thu nhập mà ít quan tâm đến các khóa đào tạo nghề miễn phí. Trong khi đó, mức hỗ trợ đào tạo nghề theo Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg ngày 28-9-2015 Quy định chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng còn thấp, nhiều khi không đủ bù đắp chi phí đi lại, ăn ở, sinh hoạt của lao động tham gia học nghề…
Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, hiện nay, nước ta có khoảng 35,3% lao động phi chính thức làm nghề giản đơn, chiếm tỷ trọng cao nhất trong 9 nhóm nghề có sự tham gia của lao động phi chính thức. Số lao động phi chính thức làm các công việc có trình độ cao chỉ chiếm khoảng 1,9%. Hạn chế về chuyên môn kỹ thuật là một nguyên nhân khiến lao động phi chính thức không thể chuyển đổi công việc, cho dù công việc đôi khi không bảo đảm điều kiện sống tối thiểu.
Kết hợp một số giải pháp đào tạo nghề
Nhằm thu hút nhiều lao động đăng ký học nghề hơn, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội triển khai nhiều giải pháp tuyên truyền, hỗ trợ thông tin về chính sách hỗ trợ đào tạo nghề miễn phí. Phó Giám đốc Trung tâm Vũ Thị Thanh Liễu cho biết: Để giúp người học nghề giảm chi phí đi lại, ăn ở, sinh hoạt, bên cạnh việc rèn thực hành kỹ năng trực tiếp, chúng tôi đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy lý thuyết. Giáo viên soạn thảo các tài liệu học tập dưới dạng PDF, slide để học viên dễ dàng tải về. Giáo viên cũng tạo các video hướng dẫn chi tiết cho từng kỹ năng cụ thể, giúp học viên dễ nắm bắt và thực hành hơn. Trung tâm cũng tăng cường kết nối học viên với các đơn vị tuyển dụng, giúp lao động có nhiều cơ hội tìm việc làm”.
Về bất cập liên quan đến chính sách, Vụ trưởng Vụ Đào tạo thường xuyên thuộc Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) Đào Trọng Độ chia sẻ: Thực tiễn cho thấy một số quy định về mức hỗ trợ ăn, đi lại, chi phí đào tạo theo chính sách hỗ trợ đào tạo nghề tại Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg còn thấp. Vì vậy, năm 2024, Chính phủ đã đưa vấn đề này vào chương trình công tác, đang xin ý kiến các cơ quan liên quan với quan điểm nâng mức hỗ trợ, trao quyền cho các địa phương quyết định mức hỗ trợ cho các đối tượng và từng loại hình hỗ trợ; đồng thời huy động các tổ chức tham gia đào tạo nghề.
Tại Hà Nội, theo Trưởng phòng Giáo dục nghề nghiệp (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội) Lê Minh Thảo, hiện nay, Sở đang khẩn trương phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu thành phố trình HĐND ban hành Nghị quyết quy định mức hỗ trợ chi phí đào tạo đối với các nghề đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng, nhằm có thêm chính sách hỗ trợ ưu tiên đến các nhóm lao động, bao gồm lao động phi chính thức là người khuyết tật, người thuộc hộ nghèo, lao động nữ bị mất việc làm, lao động nông thôn...
Các cơ quan chức năng, chuyên gia tin tưởng rằng, việc tiếp tục nâng chế độ hỗ trợ chi phí đào tạo nghề sẽ thu hút được người lao động tham gia học nghề, giảm chi phí, góp phần tích cực trong giải quyết việc làm cho người lao động ở từng địa phương.
- Cảnh báo mạo danh cơ quan BHXH yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân cập nhật thẻ BHYT trên ứng dụng VssID
- Cấp đổi thẻ căn cước trực tuyến được giảm 50% lệ phí
- Phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Linh hoạt mức đóng bảo hiểm thất nghiệp
- Phấn đấu trong năm 2025 hoàn thành 3 nhiệm vụ về hỗ trợ nhà ở, xóa nhà tạm, nhà dột nát
- Tổ chức xóa nhà tạm, nhà dột nát trong cả nước như chiến dịch, ngày hội của toàn dân
- Lan tỏa tinh thần thượng tôn pháp luật
- 1.337 chỉ tiêu tại Hội chợ việc làm cho người lao động EPS và thực tập sinh IM Japan về nước
- Vụ máy bay rơi tại Bình Định: Đã liên lạc được với cả hai phi công
- Hỗ trợ 5 nghìn công nhân, lao động Thủ đô về quê đón Tết