Minh bạch thông tin - mấu chốt để nâng hạng thị trường chứng khoán
Nâng hạng thị trường chứng khoán không chỉ là mục tiêu cần thực hiện mà còn là động lực để các doanh nghiệp niêm yết, nhà đầu tư chung tay đóng góp, xây dựng một thị trường hấp dẫn trong mắt giới đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, để sớm thực hiện được điều này, cần đến sự phối hợp của nhiều bộ, ngành và các bên có liên quan như các thành viên thị trường, các doanh nghiệp niêm yết và cả nhà đầu tư.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi (giữa) chủ trì hội thảo. Ảnh: Mai Tấn |
Cần sự chung tay của tất cả các bên
Ngày 2/7/2024, Báo Lao Động phối hợp cùng Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tổ chức Hội thảo “Tạo động lực nâng hạng thị trường chứng khoán”. Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi tham dự và chủ trì hội thảo.
Thị trường chứng khoán Việt Nam được xếp vào thị trường cận biên Thị trường chứng khoán Việt Nam hiện đang được hai tổ chức quốc tế là MSCI và FTSE Russell xếp vào thị trường cận biên. Riêng FTSE Russell đưa Việt Nam vào danh sách nhóm chờ nâng hạng lên thị trường mới nổi. Với MSCI, điều tích cực là ở thông báo mới nhất, tổ chức này đánh giá Việt Nam có sự cải thiện trong khả năng chuyển nhượng. Việt Nam đã đạt 7/9 chỉ tiêu của thị trường mới nổi theo tiêu chí của FTSE, còn với MSCI cần 8 tiêu chí để cải thiện. |
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh đến mục tiêu và lợi ích của việc nâng hạng thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam từ thị trường Cận biên lên thị trường Mới nổi. Mục tiêu thực hiện càng sớm càng tốt, cố gắng tuân thủ lộ trình đã được phê duyệt trong quá trình phát triển của TTCK Việt Nam. "Chúng ta cũng thống nhất những lợi ích đem lại khi TTCK được nâng hạng đối với các chủ thể tham gia thị trường, rộng nhất là lợi ích cho nền kinh tế Việt Nam, hướng tới mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước" - Thứ trưởng nhấn mạnh.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi, việc nâng hạng TTCK Việt Nam sẽ khẳng định vị thế, cải thiện thanh khoản, chất lượng thị trường chứng khoán Việt Nam trong khu vực và quốc tế. Nâng hạng thị trường giúp cho sự tín nhiệm thị trường, tín nhiệm quốc gia được cải thiện.
Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi khẳng định, để đạt được mục tiêu nâng hạng, cơ quan quản lý sẵn sàng giữ vai trò tiên phong. Cơ quan quản lý Nhà nước đi đầu nhưng không đi một mình mà cần sự tham gia của tất cả bên liên quan…Tất cả đều phải cùng đi, hướng tới nâng hạng TTCK trong thời gian sớm nhất.
Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho rằng, hướng tới mục tiêu nâng hạng, minh bạch thông tin cần hết sức lưu tâm. Cần công bố thông tin đúng, đủ, kịp thời, chính xác, trách nhiệm này trước hết thuộc về các doanh nghiệp (DN). Đây không chỉ là nghĩa vụ mà còn là quyền lợi của DN.
“Muốn đi dài, đi xa thì phải minh bạch, phải coi việc chuẩn xác là đương nhiên trừ trường hợp bất khả kháng. Cơ quan quản lý đã có quy chuẩn, yêu cầu đối với DN về công bố thông tin. Cơ quan quản lý, vận hành giám sát, nhà đầu tư giám sát, cơ quan báo chí giám sát từ đó xử lý nghiêm trường hợp vi phạm" - Thứ trưởng cho biết.
Sẽ có thêm nhiều hàng hóa chất lượng
Theo ông Vũ Chí Dũng - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Ủy ban Chứng khoán Nhà nước), những nỗ lực không ngừng trong việc đổi mới và hoàn thiện khung khổ chính sách và điều hành đã giúp thị trường chứng khoán Việt Nam khẳng định sức hút mạnh mẽ sau hơn hai thập kỷ hoạt động. Điều này được minh chứng qua chất lượng hàng hóa trên sàn, quy mô giao dịch, cũng như số lượng nhà đầu tư tham gia ngày càng tăng, với chất lượng được nâng cao liên tục. Thị trường chứng khoán Việt Nam đã trở thành một trong những thị trường có tốc độ phát triển nhanh nhất về quy mô và thanh khoản trong khu vực.
Việc nâng hạng TTCK sẽ là tín hiệu rõ ràng, cho thấy Việt Nam đã tiến bước dài hơn trong lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế. Khẳng định vị thế và nâng cao hình ảnh không chỉ của riêng TTCK Việt Nam mà còn của cả nền kinh tế đối với cộng đồng quốc tế.
Ngoài việc thu hút dòng vốn nước ngoài, việc nâng hạng cũng giúp cải thiện khả năng định giá cổ phiếu, theo đó giá cổ phiếu trên thị trường sẽ được nhiều nhà đầu tư nước ngoài chuyên nghiệp tham gia đánh giá, thể hiện đúng nhu cầu thực tế và đánh giá đúng tiềm năng phát triển của các doanh nghiệp. Việc cải thiện định giá này sẽ hỗ trợ tích cực cho quá trình cổ phần hoá, giúp cho việc thoái vốn của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) có thể thu được nguồn thu cao hơn cho ngân sách nhà nước. Đồng thời, gia tăng số lượng nhà đầu tư có tổ chức, nhà đầu tư có quy mô lớn trên thị trường (hiện nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ đang chiếm hơn 90% trên thị trường), tăng tính chuyên nghiệp và bền vững trong hoạt động đầu tư, giảm thiểu các biến động mạnh của thị trường do bị tác động tâm lý của số lượng lớn nhà đầu tư cá nhân.
"TTCK không chỉ gia tăng số lượng nhà đầu tư mà chất lượng của nhà đầu tư cũng sẽ được nâng cao với sự tham gia của các quỹ đầu tư, các tổ chức đầu tư quốc tế lớn với mục tiêu đầu tư dài hạn. Đi kèm theo đó là nội tại các doanh nghiệp và tổ chức kinh doanh chứng khoán trong nước chịu áp lực buộc phải nâng cao chất lượng doanh nghiệp để đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư nước ngoài theo chuẩn mực quốc tế" - ông Dũng cho biết.
Ông Trần Minh Hoàng - Giám đốc Nghiên cứu Phân tích Công ty Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS) cho biết, chúng tôi ghi nhận nỗ lực rất lớn từ phía cơ quan quản lí trong việc xây dựng hành lang pháp lý. Đặc biệt là hai tiêu chí quan trọng liên quan đến ký quỹ cho nhà đầu tư nước ngoài và minh bạch thông tin giữa các nhà đầu tư. Khi những điều kiện này được đáp ứng, hoàn toàn có cơ sở để Việt Nam đạt được mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán trong năm 2025.
Theo ông Lê Đức Khánh - Giám đốc phân tích, Công ty Chứng khoán VPS, kỳ vọng trong tương lai sẽ có thêm nhiều cổ phiếu bluechip thuộc đa dạng các ngành nghề, lĩnh vực như tài chính, ngân hàng, tiêu dùng, bán lẻ, năng lượng… Những cổ phiếu lớn này sẽ đáp ứng được các tiêu chí, khẩu vị rủi ro của nhà đầu tư nước ngoài, góp phần đa dạng hóa các danh mục đầu tư.
BÀ TRẦN THỊ KHÁNH HIỀN - GIÁM ĐỐC KHỐI NGHIÊN CỨU, CÔNG TY CHỨNG KHOÁN MB: Minh bạch để thu hút và "giữ chân" dòng vốn nước ngoài Doanh nghiệp niêm yết sẽ nhận được sự chú ý nhiều hơn từ nhà đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, cũng có thách thức vì doanh nghiệp khi đó sẽ cần nâng cao chất lượng công bố thông tin cũng như mức độ tiếp cận với nhà đầu tư nước ngoài. Ví dụ việc công bố thông tin và báo cáo cần là song ngữ. Doanh nghiệp Việt Nam cũng phải cạnh tranh nhiều hơn với các doanh nghiệp khác ở nước ngoài… Không chỉ dừng lại ở mục đích nâng hạng mà sau khi nâng hạng cần phải thu hút thêm dòng vốn chất lượng cũng như hiệu quả đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài. |
ÔNG ĐINH MINH TRÍ - TRƯỞNG PHÒNG PHÂN TÍCH KHỐI KHÁCH HÀNG CÁ NHÂN, CÔNG TY CHỨNG KHOÁN MIRAE ASSET (VIỆT NAM): Đa phần các thị trường chứng khoán tăng điểm trước thời điểm nâng hạng Chúng tôi kỳ vọng khi thị trường chứng khoán Việt Nam sớm được nâng hạng sẽ cải thiện thanh khoản và quy mô thị trường: Lượng giao dịch và quy mô thị trường sẽ tăng lên, cải thiện tính thanh khoản và độ ổn định. Theo chúng tôi quan sát, đa phần các thị trường trước thời điểm nâng hạng chính thức 1 - 2 năm, chỉ số chứng khoán đều tăng như Qatar, Ả Rập Saudi, Rumani… Đáng chú ý, giá trị giao dịch các thị trường có mức tăng từ 2 đến 4 lần trong vòng 2 - 3 năm sau khi được nâng hạng chính thức.
|
- “Cửa sáng” cho thị trường chứng khoán Việt Nam
- “Cửa sáng” cho thị trường chứng khoán Việt Nam
- Cải thiện tính minh bạch để tăng giá trị, sức hút cho thị trường chứng khoán
- Tìm lời giải cho bài toán bán ròng của khối ngoại
- Cổ phiếu VNI bị đưa vào diện cảnh báo và tiếp tục bị đình chỉ giao dịch
- Thị trường chứng khoán khi nào mới khởi sắc?
- Thị trường chứng khoán khi nào mới khởi sắc?
- Gỡ rào cản về cơ chế thanh toán để sớm nâng hạng thị trường chứng khoán
- Sửa Luật Chứng khoán hướng tới thu hút vốn, tăng quy mô nhà đầu tư tổ chức