Nâng cao giám sát, phản biện của MTTQ Việt Nam và tổ chức chính trị-xã hội
Thay mặt Ban Bí thư Trung ương Đảng, ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đã ký ban hành Chỉ thị số 18-CT/TW về phát huy vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQ) và các tổ chức chính trị - xã hội.
Sáng 10.10.2022, tại Hà Nội, Hội nghị Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ 14, khóa IX mở rộng, nhiệm kỳ 2019 - 2024 chính thức khai mạc để triển khai Kế hoạch thực hiện Chỉ thị của Ban Bí thư về phát huy vai trò, nâng cao chất lượng hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội. Ảnh: Minh Đức/TTXVN
Dưới đây là toàn văn Chỉ thị:
Thời gian qua, thực hiện Quyết định của Bộ Chính trị về Quy chế giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, công tác giám sát, phản biện xã hội đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân về giám sát, phản biện xã hội được nâng lên; cơ sở chính trị, pháp lý của công tác giám sát, phản biện xã hội được củng cố, hoàn thiện; nội dung, phương thức thực hiện ngày càng thực chất, tập trung vào những vấn đề quan trọng, liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân và dư luận xã hội quan tâm, bức xúc; góp phần tăng cường quyền làm chủ, sự đồng thuận của nhân dân trong xây dựng, phát triển đất nước, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng.
Tuy nhiên, chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa phát huy mạnh mẽ vai trò, sự tham gia của các thành viên Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và nhân dân. Việc quán triệt, phổ biến, tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về giám sát, phản biện xã hội chưa được coi trọng đúng mức. Việc xây dựng, triển khai các chương trình, kế hoạch giám sát, phản biện xã hội có lúc, có nơi chưa chủ động, kịp thời, thiếu trọng tâm, trọng điểm, còn hình thức; các ý kiến, kiến nghị sau giám sát, phản biện xã hội chưa sâu, tính thuyết phục chưa cao; việc theo dõi, đôn đốc giải quyết kiến nghị thiếu quyết liệt, chưa đi đến cùng. Một số tổ chức, cá nhân có thẩm quyền, trách nhiệm chưa thực hiện nghiêm túc việc trả lời, giải quyết các ý kiến, kiến nghị sau giám sát, phản biện xã hội.
Những hạn chế, bất cập nêu trên chủ yếu là do nhận thức về công tác giám sát, phản biện xã hội của một số cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội chưa đầy đủ; chưa quan tâm kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Quy chế giám sát, phản biện xã hội; thiếu quy định cụ thể về quy trình, trách nhiệm trả lời, giải quyết kiến nghị sau giám sát, phản biện xã hội. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội các cấp còn hạn chế về chuyên môn, nghiệp vụ, chậm đổi mới nội dung, phương thức giám sát, phản biện xã hội; chưa thể hiện rõ bản lĩnh, trách nhiệm đối với những ý kiến, kiến nghị của mình. Sự phối hợp giữa các cơ quan đảng, chính quyền với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội có lúc, có nơi chưa chặt chẽ, hiệu quả; nguồn lực, điều kiện bảo đảm cho hoạt động giám sát, phản biện xã hội còn hạn chế...
Để tạo chuyển biến mạnh mẽ, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:
1. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, hướng dẫn, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân về phát huy dân chủ ở cơ sở, công tác giám sát, phản biện xã hội. Kịp thời thông tin về hoạt động của tổ chức đảng, chính quyền các cấp, nhất là xây dựng và tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các chương trình, dự án có tác động, ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân; về đạo đức, lối sống, trách nhiệm thực thi công vụ của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức.
Các cấp ủy, tổ chức đảng tạo điều kiện thuận lợi để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân tham gia giám sát, phản biện xã hội. Hằng năm, Ban thường vụ cấp ủy cho ý kiến về chương trình, kế hoạch giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp, đồng thời chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền khẩn trương, nghiêm túc giải quyết các kiến nghị sau giám sát, phản biện xã hội.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam định kỳ báo cáo kết quả giám sát, phản biện xã hội cho Quốc hội, hội đồng nhân dân cùng cấp thảo luận, có ý kiến để các tổ chức, cá nhân liên quan trả lời, giải quyết các ý kiến, kiến nghị. Người đứng đầu cấp ủy trực tiếp chỉ đạo công tác giám sát, phản biện xã hội, xác định đây là nội dung quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, một giải pháp căn bản để thực hiện hiệu quả phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng".
2. Nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng mới các văn bản quy phạm pháp luật nhằm thể chế hoá kịp thời, đầy đủ quyền và trách nhiệm tham gia giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.
Quy định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi để phát huy vai trò giám sát của nhân dân (giám sát trực tiếp và giám sát thông qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội); trách nhiệm trả lời, giải quyết các ý kiến, kiến nghị sau giám sát; cơ chế tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân trong các hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; cơ chế để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội tham gia hoạt động giám sát của các cơ quan dân cử; chế tài xử lý tổ chức, cá nhân không hợp tác, gây khó khăn, cản trở hoạt động giám sát, phản biện xã hội hoặc lợi dụng quyền giám sát, phản biện xã hội để gây tổn hại cho tổ chức, cá nhân. Quy định kinh phí bảo đảm cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện tốt công tác giám sát, phản biện xã hội.
3. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức giám sát, phản biện xã hội theo hướng: Chủ động, từ sớm, từ cơ sở, dân chủ, khách quan, mang tính xây dựng; có trọng tâm, trọng điểm, chú trọng giám sát theo chuyên đề, tập trung vào những chủ trương, chính sách lớn, trọng yếu, ưu tiên những vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, những vấn đề dư luận xã hội quan tâm, bức xúc.
Tăng cường giám sát thực hiện kiến nghị của cử tri và nhân dân; việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên. Công khai, minh bạch kết quả giám sát, phản biện xã hội theo quy định.
Phát huy vai trò chủ trì, tính chủ động của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp; tăng cường phối hợp, hiệp thương thống nhất hành động giữa các tổ chức thành viên trong xây dựng, thực hiện chương trình, kế hoạch giám sát, phản biện xã hội.
Tiếp tục kiện toàn tổ chức, nâng cao năng lực, bản lĩnh, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức làm nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội; đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả giám sát, phản biện xã hội của các tổ chức tư vấn thuộc Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên.
Có cơ chế động viên, khuyến khích đoàn viên, hội viên các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, các nhân sĩ, trí thức, doanh nhân, người có kinh nghiệm thực tiễn, người có uy tín trong các dân tộc, tôn giáo và nhân dân tham gia giám sát, phản biện xã hội. Kịp thời tôn vinh, khen thưởng, nhân rộng mô hình hay, kinh nghiệm tốt trong công tác này.
4. Tổ chức thực hiện:
- Các tỉnh ủy, thành ủy, các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng uỷ trực thuộc Trung ương tổ chức nghiên cứu, quán triệt Chỉ thị; lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện Chỉ thị trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao.
- Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự đảng Chính phủ lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về công tác giám sát, phản biện xã hội theo tinh thần Chỉ thị này; chủ động phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội triển khai thực hiện tốt công tác giám sát, phản biện xã hội.
- Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì, phối hợp với đảng đoàn các tổ chức chính trị - xã hội, Ban Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, đảng đoàn, cấp ủy các tổ chức thành viên có liên quan lãnh đạo, chỉ đạo việc hiệp thương thống nhất để cụ thể hóa, xây dựng và thực hiện các kế hoạch giám sát, phản biện xã hội phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền. Định kỳ báo cáo kết quả thực hiện, kịp thời đề xuất việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giải quyết những vấn đề mới phát sinh, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
- Ban Dân vận Trung ương chủ trì, phối hợp với Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, định kỳ hằng năm báo cáo Ban Bí thư kết quả thực hiện Chỉ thị.
Chỉ thị này phổ biến đến chi bộ.
- Giữ chữ tín để đi đường dài
- Phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong phản biện xã hội
- Phản bác luận điệu xuyên tạc chủ trương của Đảng về xây dựng nền văn hóa
- Tạo “vòng kim cô” kiểm soát quyền lực lập pháp
- Phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong phản biện xã hội
- Nhận diện "giặc nội xâm" lãng phí
- Chống lãng phí từ các dự án treo
- Cảnh giác với chiêu trò mạo danh "phản biện xã hội" nhằm chống phá cách mạng Việt Nam
- Phản bác luận điệu xuyên tạc chủ trương của Đảng về xây dựng nền văn hóa