Thị trường ngày càng khó tính
Là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản lớn của nước ta, Công ty CP Vĩnh Hoàn đang có sự tăng trưởng khá mạnh về doanh thu.
Trong tháng 8/2024, doanh nghiệp thu về 1.172 tỷ đồng doanh thu, tăng 31% so với cùng kỳ năm trước.
Lũy kế 8 tháng đầu năm 2024, Vĩnh Hoàn thu về 8.355 tỷ đồng, tăng 25,2% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, bức tranh doanh thu của doanh nghiệp này có nhiều biến động trái ngược.
Trong khi xuất khẩu sang Mỹ, EU có sự tăng trưởng ổn định thì giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc lại giảm 34% so với cùng kỳ, còn 105 tỷ đồng trong tháng 8.
Một doanh nghiệp khác là Godaco Seafood cũng đang gặp nhiều khó khăn khi xuất khẩu sang Trung Quốc khi hiện nay, thủ tục hồ sơ xuất khẩu cá tra bằng đường mậu biên sang Trung Quốc còn phức tạp (chủ yếu do phía Trung Quốc), điều này làm chậm thông quan hàng hoá qua cửa khẩu, phát sinh nhiều chi phí cho doanh nghiệp, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm xuất khẩu và đánh mất uy tín trước các đối tác.
Bức tranh không nhiều màu sáng của các doanh nghiệp thủy sản sang thị trường Trung Quốc là bức tranh chung của ngành thuỷ sản Việt Nam.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu thủy sản tiếp tục đà hồi phục, với mức tăng trưởng 20% trong tháng 8/2024, đạt gần 953 triệu USD. Lũy kế 8 tháng, xuất khẩu thủy sản đạt gần 6,3 tỷ USD, tăng 9% so với cùng kỳ năm trước…
Với dân số đông và nhu cầu thủy sản ngày càng tăng, Trung Quốc hiện là một trong những thị trường rất hấp dẫn đối với các doanh nghiệp thuỷ sản Việt Nam. Trong 7 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc đạt khoảng 836,7 triệu USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2023.
Tuy nhiên, hiện nay, thị trường Trung Quốc ngày càng trở nên “khó tính”; các tiêu chuẩn kỹ thuật ngày càng được nâng cao.
Do đó, các hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc phải điều chỉnh, từ chất lượng hàng hoá đến tiêu chuẩn kỹ thuật, quy trình sản xuất trong nước. Nhiều doanh nghiệp chưa thể đáp ứng kịp các yêu cầu này.
Theo Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển Thị trường (NAFIQPM), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung Quốc đang yêu cầu các đối tượng tham gia vào quá trình này phải có mã số, vùng nuôi, phải được kiểm soát và có khả năng truy xuất nguồn gốc…
Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng yêu cầu các cơ sở bao gói phải thực hiện đăng ký và phải nằm trong danh sách được phép xuất khẩu sang Trung Quốc mới được tham gia vào công đoạn xuất khẩu thủy sản sống vào thị trường này.
Hiện các sản phẩm xuất khẩu nằm trong danh mục được Trung Quốc công nhận gồm 48 loài thủy sản động vật thủy sản sống.
Các cơ sở nuôi sẽ được cơ quan quản lý nuôi trồng thủy sản, thú y địa phương kiểm tra, chứng nhận điều kiện an toàn thực phẩm (ATTP), điều kiện vệ sinh thú y, được cấp mã số, lấy mẫu giám sát bệnh trong quá trình nuôi (tôm sú, tôm thẻ sống).
NAFIQPM sẽ thẩm định điều kiện ATTP cơ sở bao gói xuất khẩu sản phẩm thủy sản sống và gửi văn bản đề nghị kèm theo hồ sơ đăng ký của cơ sở tới Vụ Giám sát Kiểm dịch động thực vật (GACC).
GACC cập nhật danh sách cơ sở đáp ứng yêu cầu trên website của GACC. Riêng với tôm hùm bông, từ ngày 1/2/2021, Trung Quốc quy định tôm hùm bông nằm trong danh sách nguy cấp nhóm 2.
Đến tháng 5/2023, Trung Quốc đã sửa Luật về bảo vệ động vật hoang dã, trong đó cấm đánh bắt động vật trong danh sách nguy cấp đã ban hành năm 2021.
Do đó, Trung Quốc cấm đánh bắt, sử dụng, giao dịch buôn bán tôm hùm bông tự nhiên. Cách xác định tôm hùm bông nuôi của Trung Quốc là không đánh bắt trực tiếp, phải trải qua quá trình nuôi; con giống phải là F2, nếu con giống khai thác từ tự nhiên cũng được coi là tôm khai thác tự nhiên.
Do đó, nhà nhập khẩu của Trung Quốc muốn nhập khẩu tôm hùm bông phải xin giấy phép của Cục Ngư nghiệp (Bộ Nông nghiệp Trung Quốc).
Tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu thuỷ sản sang Trung Quốc
TS Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam cho biết, Trung Quốc hiện không còn là thị trường dễ tính như trước, đồng thời cũng là thị trường có tính cạnh tranh cao, nhất là đối với nông sản, thuỷ sản.
Việc ký Nghị định thư sẽ giúp tháo gỡ bớt rào cản cho xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc. |
Để tận dụng được các lợi thế sẵn có, các bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp được khuyến cáo cần thay đổi cách tiếp cận, nâng cao chất lượng sản phẩm. Vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam được khuyến cáo cần tuân thủ nghiêm quy định về chất lượng và truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hoá để có thể thâm nhập sâu hơn vào thị trường này, nhất là khu vực nhiều tiềm năng ở phía Bắc, Đông Bắc của Trung Quốc.
Song song với đó, doanh nghiệp cần chủ động trao đổi, kết nối thông tin về nhu cầu thị trường và các quy định, chính sách thương mại của Trung Quốc; tích cực tham gia các hội chợ, triển lãm để kết nối trực tiếp đẩy mạnh giao thương, hợp tác thương mại, kinh tế ổn định, lâu dài.
“Nếu Việt Nam và Trung Quốc ký Nghị định thư xuất khẩu thủy sản sẽ đảm bảo cho chúng ta có được một khả năng tiếp cận thị trường tốt hơn, thông qua các tiêu chuẩn cụ thể hơn, thị trường minh bạch hơn”, TS Lê Duy Bình nêu quan điểm.
Theo đó, khi có được Nghị định thư, các giao dịch hàng hóa sẽ minh bạch hơn; trong quá trình giao dịch có thể bảo vệ được cho các doanh nghiệp Việt Nam, như giao dịch qua ngân hàng hoặc các yêu cầu giao dịch chính ngạch.
Khi giao thương chính thống sẽ bảo vệ lợi ích cho doanh nghiệp Việt Nam, bắt buộc các doanh nghiệp Việt Nam phải nâng cao chất lượng hàng hóa để đáp ứng nhu cầu của đối tác.
Đối với tình trạng chậm thông quan hàng hóa qua xuất khẩu Trung Quốc, Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, Bộ Công thương đã có thư cho Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc và thư cho Tỉnh ủy tỉnh Vân Nam và sẽ có những cải thiện về vấn đề này trong thời gian tới.