Nâng chất lượng phản biện xã hội
Theo Phó Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Hồ Hải, để nâng cao chất lượng công tác giám sát, phản biện xã hội, cần tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức giám sát theo hướng chủ động
Ủy ban MTTQ TP HCM vừa tổ chức hội nghị sơ kết thực hiện Chỉ thị 13-CT/TU năm 2021 của Ban Thường vụ Thành ủy về lãnh đạo thực hiện Đề án 06-ĐA/TU "Nâng cao vai trò của MTTQ Việt Nam và nhân dân giám sát tổ chức Đảng, đảng viên và hoạt động của chính quyền các cấp TP HCM giai đoạn 2021 - 2030" (gọi tắt là Chỉ thị 13 và Đề án 06).
Nhiều cách làm hay
Theo ông Lê Phúc Hậu, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Tân Phú, cái được lớn nhất sau hơn một năm thực hiện Chỉ thị 13 và Đề án 06 là niềm tin của nhân dân được nâng cao.
"Việc thực hiện giám sát của MTTQ, giám sát của nhân dân thông qua MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội đã nhận được sự quan tâm rất lớn của người dân, nhất là việc giám sát cán bộ, đảng viên, công chức ở khu dân cư. Qua giám sát, việc giải quyết hồ sơ cho người dân ở các cơ quan công quyền được thực hiện một cách nhanh hơn, hiệu quả hơn, từ đó tạo được niềm tin và sự đồng thuận nhiều hơn của người dân" - ông Hậu phân tích.
Phó Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Hồ Hải phát biểu chỉ đạo tại hội nghị sơ kết thực hiện Chỉ thị 13-CT/TU
Bà Nguyễn Thị Thanh Loan - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Chính sách Luật pháp Hội LHPN TP HCM - cho biết với đặc thù của hội, các cấp hội đã lựa chọn nội dung giám sát liên quan quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ, trẻ em. Thực hiện giám sát cũng là cách để Hội LHPN tham gia giải quyết các vụ việc liên quan phụ nữ và trẻ em.
"Khi phát hiện vụ việc liên quan phụ nữ và trẻ em thì các cấp hội đều thực hiện giám sát. Bên cạnh đó là hỗ trợ về an sinh, tinh thần và cả pháp lý để kịp thời bảo vệ nạn nhân, nhất là với các vụ việc xâm hại trẻ em" - bà Loan dẫn chứng.
Nhiều địa phương đã xuất hiện các mô hình, cách làm hay và hiệu quả trong việc thực hiện Chỉ thị 13 và Đề án 06. Trong đó, quận 8 xây dựng mô hình hộp thư "Ý Đảng - Lòng dân" đặt tại trụ sở MTTQ quận, các phường và khu phố.
Huyện Hóc Môn xây dựng mô hình "MTTQ Việt Nam và nhân dân giám sát cán bộ, đảng viên, công chức trên địa bàn dân cư". Đây là 2 mô hình vận động nhân dân tham gia giám sát người đứng đầu và cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức tại địa phương thông qua MTTQ Việt Nam các cấp và ban thanh tra nhân dân.
Giám sát từ sớm, từ cơ sở
Phó Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Hồ Hải cho rằng thời gian qua, bên cạnh những kết quả đạt được thì hoạt động giám sát của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp ở thành phố theo Chỉ thị 13 vẫn còn một số hạn chế.
Đó là việc xây dựng, triển khai các chương trình, kế hoạch giám sát có lúc, có nơi chưa chủ động, kịp thời, còn hình thức, thiếu trọng tâm, trọng điểm. Các đề xuất, kiến nghị sau giám sát chưa sâu, tính thuyết phục chưa cao; việc theo dõi, đôn đốc giải quyết kiến nghị còn hạn chế, thiếu quyết liệt.
Bên cạnh đó, một số tổ chức, cá nhân chưa thực hiện nghiêm túc việc trả lời, giải quyết các kiến nghị sau giám sát của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội; chưa phát huy mạnh mẽ vai trò giám sát của nhân dân ngay tại cộng đồng và thông qua MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội.
Ngoài ra, việc phối hợp tổ chức hội nghị nhân dân cấp quận, cấp phường giữa UBND với Ủy ban MTTQ Việt Nam cùng cấp tại một số địa phương chưa chặt chẽ. Việc giám sát kết luận giải quyết các ý kiến, kiến nghị của tổ dân phố, khu phố chưa được thực hiện thường xuyên theo quy định.
Để công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội ngày càng nâng cao chất lượng, hiệu quả, Phó Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Hồ Hải yêu cầu làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của việc giám sát, phản biện xã hội. Đồng thời, tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức giám sát theo hướng chủ động, từ sớm, từ cơ sở, phù hợp với nhiệm vụ, điều kiện và năng lực của mỗi cấp, mỗi địa phương; chú trọng giám sát theo chuyên đề.
"Ưu tiên giám sát những vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, nhất là những vấn đề dư luận xã hội quan tâm, bức xúc" - ông Nguyễn Hồ Hải lưu ý.
Bên cạnh đó, cần phát huy vai trò giám sát của nhân dân đối với người đứng đầu, cán bộ, đảng viên. Đẩy mạnh công tác tham gia và giám sát việc thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; nâng cao chất lượng hoạt động của ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư của cộng đồng; tập trung đẩy mạnh hoạt động giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật liên quan trực tiếp đến đời sống nhân dân ở cơ sở, tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện nhiệm vụ giám sát đầu tư của cộng đồng...
Chưa đầu tư đúng mức
Bà Trần Kim Yến - Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP HCM - cho biết với tiến trình hội nhập và phát triển nhanh của thành phố, trình độ, năng lực, kinh nghiệm của một bộ phận cán bộ MTTQ chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ giám sát.
Bên cạnh đó, một số lãnh đạo MTTQ Việt Nam các cấp chưa mạnh dạn gắn việc trả lời, giải quyết các kiến nghị sau giám sát của MTTQ Việt Nam với kết quả thi đua hằng năm của cơ quan, tổ chức, đơn vị được giám sát. Mặt khác, do nội dung và khối lượng công việc của cán bộ MTTQ ngày càng nhiều dẫn đến thực trạng công tác giám sát chưa có sự đầu tư đúng mức.
- Phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong phản biện xã hội
- Nhận diện "giặc nội xâm" lãng phí
- Chống lãng phí từ các dự án treo
- Cảnh giác với chiêu trò mạo danh "phản biện xã hội" nhằm chống phá cách mạng Việt Nam
- Phản bác luận điệu xuyên tạc chủ trương của Đảng về xây dựng nền văn hóa
- Phản biện xã hội và vai trò của phản biện xã hội ở Việt Nam hiện nay
- Cảnh giác trước chiêu trò lợi dụng phản biện xã hội để chống phá
- Sàng lọc đảng viên - khó cũng phải làm
- Nâng “chất” giám sát, phản biện xã hội