Nền tảng đưa Việt Nam bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Thứ tư, ngày 11 tháng 12 năm 2024 | 8:29

Nhà nghiên cứu chính trị, lịch sử Việt Nam và đảng viên Ðảng Cộng sản Anh, ông Kyril Whittaker, đánh giá những thành tựu chính trị, kinh tế-xã hội và ngoại giao của Việt Nam là nền tảng đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

       

Nhà nghiên cứu chính trị và lịch sử Việt Nam Kyril Whittaker dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đại sứ quán Việt Nam ở London (Anh). Ảnh: TTXVN.
Nhà nghiên cứu chính trị và lịch sử Việt Nam Kyril Whittaker dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đại sứ quán Việt Nam ở London (Anh). Ảnh: TTXVN.

Theo TTXVN, ông Whittaker cho biết, với những thành tựu phát triển toàn diện nền kinh tế, nâng cao mức sống người dân, thực hiện quyền con người và bảo vệ môi trường, Việt Nam đang trên đường đạt mục tiêu trở thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2030, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, trong đó con người, quốc gia và Ðảng đều phát triển.

Ðánh giá cao các thành tựu phát triển kinh tế của Việt Nam, học giả Anh chỉ ra rằng, cơ sở hạ tầng phát triển nhanh trên cả nước, từ các dự án giao thông công cộng như xây dựng các tuyến tàu điện ngầm ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, tới kế hoạch phát triển tuyến đường sắt tốc độ cao bắc-nam, hình thành hệ thống giao thông công cộng sạch và chất lượng. Các dự án phát triển cơ sở hạ tầng cũng được thực hiện trên cả nước, mang đến những thay đổi ở khắp các tỉnh, thành phố. Học giả Anh nhấn mạnh, cùng với sự phát triển này là nỗ lực không ngừng nâng cao mức sống người dân với thành tựu nổi bật của Việt Nam trong xóa đói, giảm nghèo; đồng thời cho biết, Việt Nam cũng thực hiện những nỗ lực tái thiết nhanh chóng các thảm họa thiên tai nhằm ổn định đời sống, bảo đảm an toàn, an ninh và phúc lợi cho người dân.

Ðánh giá về thành tựu nhân quyền và phát triển con người, ông Whittaker cho rằng ở Việt Nam, quyền con người không những được bảo vệ mà còn được phát triển ở mức cao nhất có thể. Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ phụ nữ tham gia lực lượng lao động và Quốc hội cao nhất.

 

Bàn về thành tựu đối ngoại của Việt Nam, ông Whittaker cho biết, Việt Nam đã tăng cường quan hệ hữu nghị với các nước bạn bè truyền thống, trong khi không ngừng phát triển quan hệ quốc tế và thương mại, mở rộng quan hệ với các nước khác. Theo học giả Anh, phát triển quan hệ quốc tế đồng nghĩa Việt Nam thúc đẩy thương mại với các đối tác như Trung Quốc và Mỹ, trong khi tăng cường các dự án trao đổi với các đồng chí và bạn bè truyền thống như Lào và Cuba. Việt Nam cũng đóng vai trò tích cực trong các tổ chức và diễn đàn quốc tế như Liên hợp quốc, ASEAN, Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20)…, là thành viên tích cực trong các cuộc thảo luận xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Ðông (COC), ủng hộ độc lập, tự do của người dân trên toàn thế giới. Theo ông Whittaker, với trường phái ngoại giao mang bản sắc “cây tre Việt Nam” với “gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển”, Việt Nam đã thể hiện đường lối then chốt, theo đó thiết lập các quan hệ đối tác mới trong khi duy trì an ninh, độc lập, tự do của Nhà nước Việt Nam, đồng thời thể hiện mối liên hệ với nhân dân, “lấy dân làm gốc”.