Ngăn chặn hành vi trốn thuế khi bán hàng online
Hiện nay, xuất hiện trường hợp một số người bán hàng qua mạng (online) là cá nhân, hộ kinh doanh đã sử dụng một số chiêu như chốt đơn qua tin nhắn, điện thoại, hướng dẫn khách chuyển khoản thanh toán hàng không ghi nội dung liên quan đến hàng hóa… nhằm tránh việc kiểm tra, kiểm soát của cơ quan thuế. Tổng cục Thuế cho biết sẽ áp dụng nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn tình trạng trên.
Những chiêu phổ biến
Trong số các chiêu phổ biến có thể thấy là người bán hàng online chốt đơn qua điện thoại, tin nhắn sau khi livestream, quảng cáo trên nền tảng xã hội hoặc hướng dẫn khách khi chuyển khoản thanh toán hàng không ghi nội dung liên quan đến hàng hóa mà ghi nội dung khác như “cho vay”, “trả nợ”, “quà tặng”. Nhiều tài khoản Facebook xóa video livestream bán hàng sau khi kết thúc để tránh bị cơ quan chức năng “soi”… Với nhiều chiêu lách thuế, nhóm cá nhân, hộ kinh doanh thương mại điện tử là đối tượng khó quản lý hơn so với nhóm doanh nghiệp, tổ chức.
Trưởng phòng Quản lý khoa học và hợp tác phát triển (Viện Nghiên cứu khoa học ngân hàng, Học viện Ngân hàng) Nguyễn Diệu Linh cho rằng, các hành vi trên nhằm tránh khai báo doanh thu tính thuế, trốn thuế thu nhập, thuế giá trị gia tăng... Cơ quan chức năng khó kiểm tra, thu thập thông tin để xác định thuế phải nộp. Mặt khác, đây là hành vi gian lận, cạnh tranh không lành mạnh, làm méo mó thị trường. “Người mua hàng sẽ bất lợi khi phát sinh vấn đề về sản phẩm hoặc dịch vụ vì thiếu bằng chứng, chứng từ để khiếu nại hay khởi kiện bảo vệ quyền lợi của mình”, bà Nguyễn Diệu Linh nói.
Về phía cơ quan quản lý, trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, đại diện Tổng cục Thuế cho hay, qua quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số, ngành Thuế phát hiện không ít cá nhân, hộ kinh doanh chưa đăng ký thuế, chưa khai nộp thuế đầy đủ, đúng quy định, có hành vi gian lận khiến cơ quan Thuế gặp nhiều khó khăn trong quản lý. Để nâng cao nhận thức của người nộp thuế, ngành Thuế luôn chú trọng tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế, tổ chức đối thoại, lập đường dây nóng...
Theo quy định của Luật Quản lý thuế, người nộp thuế phải có nghĩa vụ đăng ký thuế, tự kê khai, tự nộp. Trường hợp, qua hậu kiểm, cơ quan thuế phát hiện chưa đăng ký thuế, chưa kê khai và nộp thuế sẽ bị ấn định thuế; tùy theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm có thể bị xử phạt hành chính. Trường hợp có dấu hiệu cố tình vi phạm, cơ quan thuế sẽ chuyển hồ sơ sang cơ quan công an để xử lý theo quy định.
Sẽ vận hành Cổng thông tin điện tử
Để nâng cao hiệu quả quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, đồng thời ngăn chặn tình trạng trên, bà Nguyễn Diệu Linh cho rằng, cần tăng cường phối hợp chia sẻ thông tin, cung cấp dữ liệu giữa cơ quan thuế và hệ thống ngân hàng khi có nghi ngờ về hành vi trốn thuế (cá nhân, doanh nghiệp mở - đóng tài khoản liên tục, thông tin giao dịch không rõ ràng); nâng cao nhận thức về nghĩa vụ thuế, để người mua không tiếp tay cho người bán trong việc ghi nhận thông tin thanh toán sai lệch. Đồng thời, xây dựng quy định pháp lý về mức phạt và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, bao gồm cả người bán và người mua. Bên cạnh đó, sử dụng công nghệ giám sát các giao dịch trực tuyến, đặc biệt là trên các nền tảng thương mại điện tử và mạng xã hội, nhằm phát hiện và ngăn chặn các hành vi gian lận thuế.
Còn Tổng cục Thuế cho biết, bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền với nhiều hình thức khác nhau, Tổng cục Thuế sẽ đưa vào vận hành Cổng thông tin điện tử dành cho cá nhân, hộ kinh doanh phát sinh hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, có thể thực hiện nghĩa vụ thuế thuận tiện. Ngoài ra, ngành Thuế xây dựng mô hình quản lý rủi ro đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử, áp dụng trí tuệ nhận tạo (AI), xử lý dữ liệu, đưa ra các cảnh báo đối với trường hợp có rủi ro về thuế.
Đáng chú ý, Tổng cục Thuế rà soát, thống kê toàn bộ tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử. Trên nguyên tắc quản lý rủi ro, cơ quan thuế sẽ kiểm tra hồ sơ tại cơ quan thuế, trường hợp phát hiện rủi ro sẽ thanh, kiểm tra tại trụ sở của người nộp thuế. Ngoài ra, cơ quan thuế sẽ đề xuất kế hoạch thanh, kiểm tra theo chuyên đề, tập trung vào đối tượng là các doanh nghiệp sở hữu sàn thương mại điện tử, doanh nghiệp trung gian vận chuyển, trung gian thanh toán… Qua thanh tra, kiểm tra thuế, cơ quan chức năng sẽ tiếp tục thu thập thông tin, dữ liệu của tổ chức, cá nhân phát sinh thu nhập thông qua các nền tảng của doanh nghiệp này.
Giải pháp khác là đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật theo hướng tăng cường trách nhiệm của tổ chức là chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử, yêu cầu sàn giao dịch thương mại điện tử có chức năng đặt hàng trực tuyến chịu trách nhiệm khấu trừ, khai thuế thay, nộp thuế thay cho các cá nhân kinh doanh trên sàn giao dịch thương mại điện tử. Thương mại điện tử đang phát triển rất nhanh, có doanh thu ngày càng lớn, vì vậy cần sớm có giải pháp quản lý, chống thất thu thuế hiệu quả.
- Đối thủ tăng thần tốc, báo động thế mạnh top 1 thế giới của Việt Nam
- Từ 20/11, áp dụng quy định mới về lãi suất tiền gửi
- Lãi suất ngân hàng hôm nay 13/11/2024: Một nhà băng tăng mạnh, cán mốc 6%/năm
- Lãi suất ngân hàng hôm nay 11/11/2024: Agribank 'vô địch' nhóm Big4 kỳ hạn ngắn
- Những cam kết chính sách của ông Trump sẽ tác động tới kinh tế Việt Nam ra sao?
- Fed tiếp tục giảm lãi suất, giá vàng tăng vọt trở lại, chứng khoán lập đỉnh
- Lãi suất ngân hàng hôm nay 7/11/2024: Ngân hàng Big4 liên tục tăng lãi huy động
- Hơn 1,2 triệu tỷ trong Quỹ BHXH: Là số dư sổ sách, không phải tiền ở tài khoản
- Giá USD ngân hàng diễn biến trái chiều