Ngăn chặn lập quỹ từ thiện để trục lợi
Những năm qua, hoạt động của các quỹ xã hội, quỹ từ thiện thu hút sự tham gia tích cực, ủng hộ của nhiều tổ chức, cá nhân có lòng hảo tâm.
Thông qua hoạt động từ thiện, các quỹ này đã chung tay cùng với Đảng, Nhà nước tích cực giải quyết những khó khăn cho người nghèo, người yếu thế, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nhất là người dân ở vùng sâu, vùng xa, những người bị thiệt hại nặng nề do thiên tai, dịch bệnh...
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hiện còn nhiều tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý các quỹ xã hội, quỹ từ thiện.
Trong đó, nổi lên là việc tổ chức thực hiện huy động các nguồn lực tham gia ủng hộ, hỗ trợ xây dựng nguồn tài chính của các quỹ còn nhiều hạn chế. Vẫn còn tình trạng các đối tượng lừa đảo đăng tải bài viết trên Facebook, tạo dựng những nội dung không có thật về một số hoàn cảnh đang gặp khó khăn, hoạn nạn, hoặc giả mạo các trang mạng xã hội chuyên làm từ thiện được Nhà nước cho phép, đăng tải bài viết kêu gọi cộng đồng giúp đỡ rồi chiếm đoạt tiền ủng hộ…
Nhằm khắc phục những hạn chế nêu trên, mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 136/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 93/2019/NĐ-CP ngày 25-11-2019 của Chính phủ về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện. Theo đó, Nghị định số 136/2024/NĐ-CP đã bổ sung quy định về xử lý vi phạm như sau: Người nào vi phạm về việc thành lập quỹ, lợi dụng danh nghĩa quỹ để tổ chức, hoạt động trái pháp luật; lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thành lập quỹ và quản lý tổ chức, hoạt động của quỹ trái với quy định của Nghị định này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Để thực hiện có hiệu quả Nghị định số 136/2024/NĐ-CP, thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao cần rà soát kỹ lưỡng điều kiện, tiêu chuẩn trước khi cho phép thành lập pháp nhân thuộc hội, quỹ, bảo đảm đúng lĩnh vực hoạt động theo điều lệ đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Tránh tình trạng các hội, quỹ xin phép thành lập pháp nhân một cách tràn lan như thời gian vừa qua. Đặc biệt cần nghiêm túc quán triệt thực hiện chủ trương của Đảng về hội, quỹ ngăn ngừa dấu hiệu "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", thoát ly sự quản lý của Nhà nước trong tổ chức, hoạt động của hội, quỹ xã hội, từ thiện.
Các quỹ xã hội, quỹ từ thiện phải thực hiện nghiêm trách nhiệm công khai những khoản đóng góp trên phương tiện thông tin đại chúng theo quy định. Cần có hệ thống kiểm tra, giám sát chặt chẽ từ bên trong và bên ngoài để ngăn ngừa tình trạng lạm dụng, vụ lợi. Có quy định rõ ràng về trách nhiệm của người quản lý và các cá nhân, tổ chức liên quan khi phát hiện hành vi sai trái như vụ lợi, chiếm đoạt tài sản quỹ.
Với những người có tấm lòng thiện nguyện cần xác minh, kiểm tra thật kỹ lưỡng khi thấy thông tin kêu gọi quyên góp, ủng hộ của các tổ chức, cá nhân trên mạng xã hội hoặc website... Cách tốt nhất là liên hệ với chính quyền địa phương, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, Hội Chữ thập đỏ nơi gần nhất để quyên góp ủng hộ. Nếu thấy nghi ngờ hoặc phát hiện bị lừa đảo, tài khoản giả mạo thì cần lưu lại chứng cứ để kịp thời trình báo với cơ quan chức năng. Có như thế chúng ta mới ngăn chặn được tình trạng lợi dụng các quỹ xã hội, quỹ từ thiện để trục lợi cá nhân.
Các quỹ xã hội, quỹ từ thiện hoạt động công khai, minh bạch sẽ góp phần phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái tốt đẹp của dân tộc, để các hoạt động thiện nguyện tiếp tục lan tỏa và không ngừng phát huy hiệu quả.
- Phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong phản biện xã hội
- Nhận diện "giặc nội xâm" lãng phí
- Chống lãng phí từ các dự án treo
- Cảnh giác với chiêu trò mạo danh "phản biện xã hội" nhằm chống phá cách mạng Việt Nam
- Phản bác luận điệu xuyên tạc chủ trương của Đảng về xây dựng nền văn hóa
- Phản biện xã hội và vai trò của phản biện xã hội ở Việt Nam hiện nay
- Cảnh giác trước chiêu trò lợi dụng phản biện xã hội để chống phá
- Sàng lọc đảng viên - khó cũng phải làm
- Nâng “chất” giám sát, phản biện xã hội