Ngoại giao vaccine - Mũi chủ công trên mặt trận không tiếng súng
Trong năm 2021, ngoại giao vaccine được coi là “mũi chủ công” trên mặt trận không tiếng súng, chiến đấu với đại dịch COVID-19, từ biến thể Delta và đến nay là Omicron với những yếu tố khó lường.
Tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 31, phát biểu trước các nhà ngoại giao Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá, chiến lược hiệu quả trong ngoại giao vaccine đã góp phần giúp Việt Nam từng bước tự tin tiến hành thay đổi quan điểm từ Zero - Covid sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả đại dịch. “Ngành ngoại giao đóng góp lớn về hình thành triết lý chống dịch bao gồm cách ly, xét nghiệm và điều trị”, Thủ tướng cho biết. Từ đó, Việt Nam đã xây dựng công thức chống dịch 5K + vaccine, thuốc điều trị, các biện pháp điều trị, công nghệ... Khẳng định vaccine là biện pháp hữu hiệu nhất để phòng, chống đại dịch COVID-19, các quốc gia trên thế giới đã và đang khẩn trương bao phủ vaccine cho toàn dân, từ liều cơ bản, nay là liều tăng cường.
Qua con đường ngoại giao, vaccine đã về nước ngày một nhiều hơn để phục vụ chiến dịch tiêm chủng, bảo vệ sức khỏe người dân.
Với tầm nhìn xa và tìm giải pháp căn cơ để đưa đất nước thoát khỏi dịch bệnh, Việt Nam không đứng ngoài cuộc. Đảng và Nhà nước đã quyết tâm thực hiện chiến lược vaccine tập trung vào ba mũi nhọn: Tiếp cận nguồn vaccine từ bên ngoài; tăng cường hợp tác quốc tế để chuyển giao công nghệ và sản xuất vaccine; sớm tổ chức nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước nhằm chủ động và tiêm miễn phí vaccine cho nhân dân, hướng tới mục tiêu miễn dịch cộng đồng.
Bước đi đầu tiên trong thực hiện Chiến lược là Chính phủ đã quyết định thành lập Quỹ vaccine phòng COVID-19, để tiếp nhận, quản lý, sử dụng các nguồn tài trợ, hỗ trợ, đóng góp trong nước và ngoài nước để cùng với nguồn lực ngân sách nhà nước mua, nhập khẩu vaccine; nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước, bảo đảm nguồn tài chính bền vững cho việc tiêm vaccine phòng COVID-19. Tính đến ngày 23/12/2021, Quỹ đã huy động được 8.799,9 tỷ đồng.
Chiến dịch tiêm chủng có quy mô lớn nhất trong lịch sử tiêm chủng tại Việt Nam cũng được Thủ tướng Phạm Minh Chính phát động.
Cho đến ngày 22/12/2021, Việt Nam đã triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người từ 18 tuổi trở lên đạt 97% (mũi 1), hơn 84% (mũi 2), 76% trẻ em 12-17 tuổi được tiêm mũi 1, đang báo cáo các cấp có thẩm quyền để chuẩn bị tiêm vaccine cho trẻ từ 5 tuổi trở lên.
Chiến dịch đã huy động tổng lực các lực lượng với hàng chục nghìn cơ sở y tế, hàng vạn cán bộ y tế và các lực lượng khác trong cả nước, gồm cả lực lượng dân y và quân y, lực lượng vũ trang, công lập và khu vực tư nhân. Cùng với đó là việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý tiêm chủng với việc đưa vào sử dụng Sổ sức khỏe điện tử - PC COVID để quản lý quá trình tiêm chủng của từng người dân.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh chủ trì cuộc họp Tổ công tác của Chính phủ về ngoại giao vaccine.
Trong triển khai chiến lược vaccine, một trong những nhiệm vụ cấp bách là tìm nguồn cung ứng vaccine nhanh nhất, sớm nhất, cùng với việc tìm kiếm đối tác hợp tác chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine. Cả hệ thống chính trị đã vào cuộc quyết liệt, nỗ lực tìm kiếm các nguồn vaccine, đặc biệt là đẩy mạnh ngoại giao vaccine, một mặt trận quan trọng trong triển khai Chiến lược vaccine mà Chính phủ đã đề ra nhằm kiểm soát dịch bệnh một cách căn cơ, đưa đất nước sớm trở lại trạng thái bình thường mới. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Quyết định số 1399/QĐ-TTg thành lập Tổ công tác của Chính phủ về ngoại giao vaccine (Tổ công tác) do Bộ trưởng Bộ Ngoại giao làm Tổ trưởng.
Đề cập đến sứ mệnh và nhiệm vụ của Tổ công tác, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn - Tổ trưởng Tổ công tác, cho biết, việc thành lập Tổ công tác có ý nghĩa rất quan trọng; tiếp tục khẳng định chủ trương nhất quán, xuyên suốt của Đảng, Nhà nước ta là bảo vệ sức khỏe nhân dân là trên hết và trước hết, huy động tối đa mọi nguồn lực trong nước và quốc tế, trong đó có vaccine, để sớm đẩy lùi dịch COVID-19, đưa hoạt động kinh tế - xã hội, cuộc sống của nhân dân trở lại bình thường trong thời gian sớm nhất có thể.
Việc thành lập Tổ công tác khẳng định quyết tâm rất cao và sự quyết liệt của Chính phủ trong thực hiện chiến lược vaccine để mở rộng tiêm chủng cho toàn dân.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn – Tổ trưởng Tổ công tác của Chính phủ về ngoại giao vaccine.
Theo Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn, bên cạnh việc tạo mọi thuận lợi để đẩy nhanh nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước, trước mắt cần đẩy mạnh ngoại giao vaccine để tiếp cận nhanh nhất, đưa vaccine, trang thiết bị y tế và thuốc điều trị COVID-19 về nước nhiều nhất và sớm nhất có thể.
Bên cạnh đó, Tổ công tác của Chính phủ là cơ chế tăng cường sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng và đồng bộ giữa các bộ liên quan nhằm đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác ngoại giao vaccine, đáp ứng kịp thời và tốt hơn nữa yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19 trong nước.
Người già, người có bệnh nền là một trong những đối tượng được ưu tiên tiêm vaccine để bảo vệ sức khỏe trước đại dịch.
Phát huy cao nhất tinh thần trách nhiệm trước Đảng và nhân dân, chủ động, phối hợp chặt chẽ, khẩn trương, sáng tạo, hiệu quả, “đã quyết tâm, càng quyết tâm cao hơn nữa”, “đã cố gắng, càng cố gắng hơn nữa”, Tổ công tác của Chính phủ về ngoại giao vaccine tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm: đẩy mạnh xúc tiến, vận động các đối tác, tổ chức quốc tế tiếp tục viện trợ, hợp tác sản xuất và chuyển giao công nghệ vaccine, thuốc điều trị, vật tư y tế phòng, chống dịch COVID-19 càng sớm, càng tốt.
Cùng với đó, nỗ lực tìm kiếm, tiếp cận, kết nối, thúc đẩy, đôn đốc các đối tác nước ngoài trong đàm phán, nhập khẩu và tiếp nhận vaccine, thuốc điều trị, vật tư y tế; đẩy mạnh vận động các đối tác giao vaccine cho Việt Nam đúng hạn hoặc sớm hơn kế hoạch theo các thỏa thuận, hợp đồng đã ký; đồng thời chủ động, tích cực thẩm tra, xác minh các đối tác nước ngoài, thông tin liên quan đến khả năng cung cấp vaccine, thuốc điều trị, vật phẩm y tế mà Việt Nam có thể tranh thủ, nhập khẩu hoặc hợp tác sản xuất.
Nguồn Congluan.vn
https://congluan.vn/ngoai-giao-vaccine--mui-chu-cong-tren-mat-tran-khong-tieng-sung-post178183.html
- Bị đề nghị án tử, bà Trương Mỹ Lan run giọng 'tinh thần bị cáo bấn loạn’
- Chủ tịch Tập đoàn Bảo Sơn và giấc mơ giải thưởng khoa học 1 triệu USD
- Giải thưởng Bảo Sơn: Tấm lòng cao cả của một doanh nhân
- Phát động Giải thưởng Bảo Sơn tạo động lực cho phát triển
- Louis Palace - Nơi Kết Nối Sự Kiện Và Nghệ Thuật Ẩm Thực 5 Sao
- Dự báo thời tiết 2/4/2024: Miền Bắc và Trung Bộ nắng nóng đỉnh điểm
- Thư Chúc tết Giáp Thìn năm 2024
- Uống rượu ngâm có độc, 2 người đàn ông ở Hà Nội cùng đi cấp cứu ngày cận Tết
- Thủ tướng yêu cầu sáp nhập huyện xã xong trong quý 3