Người dân Thủ đô “đổ xô” đi chợ đầu mối để tiết kiệm chi phí
Sau xăng dầu, thực phẩm là mặt hàng bị tăng giá mạnh. Để tiết kiệm chi phí sinh hoạt, nhiều người dân Hà Nội không ngần ngại dậy từ rất sớm để đi chợ đầu mối.
Với tình hình kinh tế đang phục hồi sau đại dịch Covid 19, việc bình ổn giá cả thực phẩm và lựa chọn hình thức đi chợ đang là vấn đề được người dân quan tâm hàng đầu.
Lời giải cho bài toán giá cả
Chợ đầu mối không chỉ thu hút dân buôn đến lấy hàng mà giờ đây còn là địa chỉ mua thực phẩm giá rẻ của người dân Thủ đô. Hầu hết các chợ đầu mối tập trung đông đúc nhất từ 2h30 đến 6h. Đối tượng chủ yếu đi chợ là những người nội trợ, người nghỉ hưu, công nhân và sinh viên.
Từ 3 giờ sáng, tại chợ đầu mối Minh Khai (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đã có rất đông người dân và thương lái đã có mặt từ rất sớm để lựa chọn các thực phẩm tươi ngon. Hầu hết các mặt hàng tại đây đều có giá thành rẻ hơn nhiều các chợ dân sinh khác.
Chợ đầu mối Minh Khai tấp nập với nhiều loại thực phẩm đa dạng.
Chợ hoạt động từ 17h chiều hôm trước đến 8h sáng hôm sau. Các mặt hàng được phép kinh doanh tại chợ là thủy, hải sản tươi sống, thịt gia súc, gia cầm, hàng thực phẩm khô và rau củ quả các loại.
Chị Phạm Trà, thương lái lâu năm tại chợ đầu mối Minh Khai cho biết, từ sau khi giá thực phẩm tăng mạnh do ảnh hưởng của dịch bệnh, chị Trà có nhiều khách quen mua lẻ là người dân tại đây.
Chị nói: “ Tầm 6h, 7h là chợ bắt đầu tan rồi nên nếu bán cả buôn cả lẻ thì sẽ hết nhanh hơn. Người dân họ mua lẻ chỉ tầm 1 - 2 kg, với những quán ăn thì mua với số lượng cả chục cân mỗi lần”
Theo khảo sát của PV, giá thịt lợn bán ra tại chợ đầu mối Minh Khai vẫn giữ giá bình ổn từ 55.000 đồng - 80.000 đồng/kg, mặc dù mặt hàng xăng dầu và thực phẩm tại chợ dân sinh vẫn liên tục tăng giá.
Ngược lại, giá của nhiều loại rau tăng từ 10 - 25%, với bầu, bí, dưa leo tăng từ 15 - 25% tuỳ loại, hành lá “nhích” nhẹ với giá 25.000 đồng/kg.
Giá thực phẩm tại các chợ đầu mối rẻ gần một nửa so với chợ dân sinh.
Tại chợ đầu mối phía Nam (khu đô thị Đền Lừ, quận Hoàng Mai, Hà Nội) từ 2 giờ sáng đã bày biệt la liệt các mặt hàng thực phẩm đa dạng: rau củ quả, thịt, thuỷ hải sản,...
Hàng nông sản, thực phẩm tại chợ đầu mối phía Nam được đánh giá là có chất lượng khá tốt, đồng thời giá cả hàng hóa ở đây khá rẻ cho các tiểu thương nhập về kinh doanh.
Nhìn chung, giá các mặt hàng tại chợ đầu mối phía Nam Hà Nội chỉ bằng một nửa so với giá tại các chợ cóc, chợ tạm.
Theo các thương lái tại đây cho biết, ngoài bán buôn phân phối ra các chợ dân sinh trên địa bàn Hà Nội, nhiều hộ dân sinh sống tại quận Hoàng Mai bắt đầu đi chợ đầu mối nhiều hơn so với trước đây. Đặc biệt là phục vụ cho các đối tượng nhân viên văn phòng và sinh viên.
Thay đổi thói quen tiêu dùng
Hoàng Thanh Nga (sinh viên năm 3, Học viện Báo chí và Tuyên truyền) thức dậy từ 3 giờ sáng để đi chợ đầu mối Minh Khai. Dù cách chợ 5km nhưng hàng tuần, Nga vẫn đều đều dậy sớm để mua sắm các thực phẩm tại chợ.
Sinh viên cũng trở thành đối tượng đi chợ đêm nhiều hơn.
Đi chợ một lần, Nga đã có thể sử dụng thực phẩm trong vòng 1 tuần. Với thói quen này, mỗi tháng Nga có thể tiết kiệm được gần 1 triệu tiền ăn uống.
“ Các thực phẩm ở chợ đầu mối thường rẻ hơn gần một nửa giá so với chợ dân sinh và siêu thị. Hơn hết, còn tươi ngon và đa dạng các loại thực phẩm. Như vậy, tôi vừa có thể tiết kiệm tiền và công đi lại, lại còn chủ động trong việc sinh hoạt ăn uống” - Nga chia sẻ.
Đối với ông Kiên (63 tuổi, Bắc Từ Liêm) đã hình thành thói quen đi chợ đầu mối từ nhiều năm nay. Nhờ dậy sớm tập thể dục mỗi buổi sáng, ông cũng tạo nên thói quen đi chợ sau khi kết thúc buổi tập.
Theo ông Kiên tính toán, với mỗi lần đi chợ ông có thể tiết kiệm được vài chục đến cả trăm nghìn. Gia đình ông có 6 người , vì vậy cần một số lượng thực phẩm tương đối lớn để phục vụ cho gia đình.
“Trước đây, đi chợ cóc hoặc siêu thị, mỗi ngày trung bình gia đình tôi tiêu tốn từ 300.000 đồng - 500.000 đồng thực phẩm. Tuy nhiên, từ khi tôi thay đổi thói quen đi chợ đầu mối, tôi chỉ bỏ ra 150.000 đồng - 200.000 đồng là đủ sinh hoạt cho cả gia đình” - ông Kiên nói.
Giá xăng dầu tiếp tục tăng mạnh dẫn đến việc giá cả hàng hóa bị ảnh hưởng. Mặc dù vậy, thu nhập của người dân vẫn “dậm chân tại chỗ”, đi chợ đầu mối là cách lâu dài mà người dân chọn để giảm áp lực về tài chính.
Nguồn https://congluan.vn/nguoi-dan-thu-do-do-xo-di-cho-dau-moi-de-tiet-kiem-chi-phi-post195801.html
- Củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc tại khu dân cư
- Củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc tại khu dân cư
- Giải pháp thúc đẩy bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số và miền núi
- Siêu thị 0 đồng phục vụ bệnh nhân ung thư tại thành phố Hồ Chí Minh
- Cảnh báo mạo danh cơ quan BHXH yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân cập nhật thẻ BHYT trên ứng dụng VssID
- Cấp đổi thẻ căn cước trực tuyến được giảm 50% lệ phí
- Phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Linh hoạt mức đóng bảo hiểm thất nghiệp
- Phấn đấu trong năm 2025 hoàn thành 3 nhiệm vụ về hỗ trợ nhà ở, xóa nhà tạm, nhà dột nát
- Tổ chức xóa nhà tạm, nhà dột nát trong cả nước như chiến dịch, ngày hội của toàn dân