Người lao động Thủ đô đặc biệt quan tâm đến pháp luật lao động, bảo hiểm xã hội

Thứ hai, ngày 13 tháng 5 năm 2024 | 13:46

tại Công ty cổ phần Cơ khí chính xác và chuyển giao công nghệ (Khu công nghiệp Phú Nghĩa; xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ, Hà Nội), Báo Lao động Thủ đô phối hợp với Công đoàn các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội tổ chức buổi Đối thoại - giao lưu trực tuyến - truyền thông chính sách chuyên đề: “Chính sách pháp luật lao động và bảo hiểm xã hội”

Tham dự có hơn 200 cán bộ công đoàn, đoàn viên, công nhân đến từ Công đoàn cơ sở trực thuộc Công đoàn các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội.

screenshot_20240511_124528_chrome(1).jpg

Đông đảo người lao động tham gia đối thoại. Ảnh: PV

Tại chương trình, các đoàn viên, công nhân lao động đã thẳng thắn nêu nhiều câu hỏi để tiếp tục cập nhật những thông tin, kiến thức hữu ích nhất cho mình. Những vấn đề được nêu ra và giải đáp không chỉ tập trung ở không gian hội trường, mà còn lan tỏa tới các tổ sản xuất để có nhiều công nhân lao động theo dõi, tương tác qua hệ thống trực tuyến của Báo Lao động Thủ đô.

Trước câu hỏi về việc công ty nợ tiền bảo hiểm, người lao động có thể tự đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), tự mua bảo hiểm y tế cho mình không, bà Dương Thị Minh Châu (Trưởng phòng Truyền thông, BHXH thành phố Hà Nội) cho biết, đây chính là vấn đề bức xúc trong thời gian qua trên địa bàn Hà Nội, bởi có nhiều doanh nghiệp nợ đọng BHXH.

Theo quy định, doanh nghiệp có trách nhiệm phải đóng BHXH, bảo hiểm y tế cho nhân viên đầy đủ và đúng thời hạn. Việc công ty nợ tiền BHXH thuộc vào các trường hợp bị nghiêm cấm khi tham gia BHXH, bảo hiểm y tế; trái với quy định của nhà nước.

Theo Luật, phần tiền đóng BHXH là trích từ tiền lương của người lao động, trách nhiệm của đơn vị là phải đóng BHXH cho nhân viên. Do đó, người lao động không thể tự đóng bảo hiểm cho mình mà buộc phải do doanh nghiệp đóng BHXH.

2320240511085103.jpg

Lãnh đạo Liên đoàn Lao động thành phố, Báo Lao động Thủ đô, Công đoàn các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội tặng hoa các chuyên gia. Ảnh: PV.

Về chăm sóc sức khỏe cho người lao động, chuyên gia Đỗ Thị Lan Chi (Phó Trưởng khoa An toàn lao động và sức khỏe nghề nghiệp, Trường Đại học Công đoàn) cho biết, trong quá trình làm việc, các nguy cơ bệnh nghề nghiệp sẽ dần ảnh hưởng đến người lao động, nên việc khám sức khỏe định kỳ vô cùng quan trọng. Điều này sẽ quyết định đến việc khi nghỉ hưu chúng ta có cuộc sống khỏe mạnh hay không.

Theo Luật, người sử dụng lao động bắt buộc phải tổ chức khám sức khỏe định kỳ hằng năm cho người lao động. Với người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, người lao động là người khuyết tật, người lao động chưa thành niên, người lao động cao tuổi được khám sức khỏe ít nhất 6 tháng/lần.

Việc khám sức khỏe định kỳ bên cạnh phát hiện các nguy cơ tiềm ẩn bệnh nghề nghiệp còn đánh giá, phân loại sức khỏe của người lao động. Nơi tổ chức thăm khám cũng phải là nơi đảm bảo yêu cầu và các tiêu chí về y khoa, do đó người sử dụng lao động phải có nghiên cứu kỹ lưỡng và không nên chi tiền cho người lao động tự đi khám.