Nhà đầu tư Việt “chịu chơi” với tiền số

Thứ hai, ngày 6 tháng 2 năm 2023 | 13:53

Bất chấp rủi ro do thiếu khung pháp lý, tiền kỹ thuật số đang trở thành kênh đầu tư thu hút nhiều người Việt Nam, đặc biệt là thế hệ Gen Z tham gia. Điều này có những lý do riêng.

Tư duy mong làm giàu nhanh

Trong khi các nhà cung cấp dịch vụ trao đổi tiền kỹ thuật số (tiền mã hóa, cryptocurrency) phải trải qua quá trình tuyển chọn nghiêm ngặt để có được giấy phép hoạt động ở

Singapore, hay Hồng Kông (Trung Quốc) thì các sàn giao dịch tiền kỹ thuật số như Binance hay Remitano lại có thể tự do hoạt động tại Việt Nam, mà không cần sở hữu giấy phép nhà cung cấp dịch vụ tài chính. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư kiếm được lợi nhuận từ tiền mã hóa cũng không phải trả bất kỳ khoản thuế nào. Nhiều dự án tiền mã hóa, đặc biệt là GameFi, Move to Earn, Metaverse và Web3… đã được triển khai tại Việt Nam.

Việc thiếu hành lang pháp lý cho tiền kỹ thuật số tiềm ẩn nhiều nguy cơ như thiếu cơ chế bảo vệ cho nhà đầu tư nếu họ bị lừa đảo, khó khăn cho cơ quan quản lý trong việc truy tìm các hoạt động tội phạm và lừa đảo liên quan đến tiền mã hóa như rửa tiền, cơ quan thuế không có khả năng thu thuế từ các hoạt động liên quan đến tiền mã hóa… Dù vậy, thị trường tiền kỹ thuật số của Việt Nam vẫn khá sôi động.

Với tư duy mong muốn làm giàu nhanh chóng và “đánh bạc” của hầu hết các nhà đầu tư tiền mã hóa Việt Nam cùng với việc thiếu khung pháp lý, không có gì ngạc nhiên khi Việt Nam là một trong những trung tâm giao dịch tiền mã hóa năng động nhất trên thế giới (xếp thứ hai về khối lượng giao dịch trao đổi ngang hàng (P2P) theo Chỉ số chấp nhận tiền mã hóa toàn cầu năm 2022 của Chainalysis).

Nhà đầu tư Việt “chịu chơi” với tiền số ảnh 1

Trong giai đoạn thị trường tiền kỹ thuật số đi lên kéo dài từ cuối tháng 3/2020 đến giữa tháng 11/2021, các dự án tiền mã hóa mọc lên như nấm. Mặc dù gặp phải một số dự án lừa đảo, các nhà đầu tư vẫn phần nào tin tưởng vào khả năng thu hồi khoản lỗ bằng cách đặt cược vào các dự án khác.

Dân số trẻ, am hiểu công nghệ

Bất chấp những thách thức trên, Việt Nam vẫn duy trì một vị thế độc đáo - trung tâm tiền mã hóa non trẻ và đang phát triển ở nhiều khía cạnh khác nhau.

Thứ nhất, Việt Nam có một tỷ lệ đáng kể (khoảng 68 - 70% dân số) người trưởng thành trong độ tuổi lao động trong 10 - 15 năm tới. Việt Nam cũng được dự đoán sẽ có khoảng 50% dân số thuộc tầng lớp trung lưu vào năm 2030, trở thành một trong 20 nền kinh tế có dân số thuộc tầng lớp trung lưu lớn nhất. Là nhóm dân số trẻ và am hiểu công nghệ, họ được kỳ vọng sẽ thúc đẩy việc áp dụng tiền mã hóa hơn nữa và theo cách bền vững hơn.

Ngoài ra, giáo dục là chìa khóa để duy trì vị thế của Việt Nam như một tâm điểm về tiền mã hóa. Việt Nam quy tụ được các trường đại học có xếp hạng cao về giáo dục blockchain và tiền mã hóa.

Mặc dù quy định về tiền mã hóa ở Việt Nam có thể vẫn chưa rõ ràng trong ngắn hạn, song tới nay, Chính phủ đã nhận thức được rằng tài sản tiền mã hóa có thể gây bất ổn cho hệ thống tài chính và nền kinh tế nếu không được kiểm soát. Vào tháng 4/2022, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính hoàn thiện khung pháp lý cho tài sản ảo, tiền mã hóa và tiền ảo. Theo đó, một khung pháp lý hoặc định hướng pháp lý rõ ràng hơn có khả năng sẽ được hiện thực hóa trong khoảng một năm tới.

Tuy nhiên, trước những vụ lừa đảo từng xảy ra cũng như tình hình thị trường “ngủ đông” do đi xuống như hiện nay, ngành công nghiệp tiền mã hóa cần nâng cao uy tín và thể hiện sự phù hợp với nền kinh tế để giữ chân và thu hút nhiều người dùng hơn.

Khi có kế hoạch thiết lập một nền tảng tài chính số quốc gia hiện đại, bền vững và tích hợp, góp phần vào tăng trưởng kinh tế, đồng thời đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và an ninh tài chính đến năm 2030, Việt Nam cần thực hiện các hành động cần thiết để trở thành một trung tâm tiền mã hóa với khung pháp lý tiền mã hóa thuận lợi và là nơi đặt trụ sở của các công ty tiền mã hóa hàng đầu thế giới.

Ngoài ra, khu vực công và khu vực tư nhân phải sẵn sàng thử nghiệm tiền có thể lập trình và khám phá các trường hợp sử dụng cho tài sản số và token hóa tài sản, nhằm tăng tính thanh khoản và hiệu quả, đồng thời góp phần giảm rủi ro tài chính trong khuôn khổ pháp lý vững chắc và được tạo điều kiện.

2022 là năm thứ ba liên tiếp Chainalysis xếp hạng tất cả các quốc gia theo mức độ chấp nhận tiền điện tử cơ sở. Việc Việt Nam đứng đầu trong bảng xếp hạng chỉ số chấp nhận tiền mã hóa của Chainalysis trong hai năm liên tiếp cho thấy người Việt Nam rất sẵn lòng tham gia vào thị trường tiền mã hóa.

Nhìn vào các bảng xếp hạng cho thấy Việt Nam có sức mua cực cao và mức độ chấp nhận được điều chỉnh theo dân số trên các công cụ tiền điện tử tập trung, DeFi và P2P. Một cuộc khảo sát được Chainalysis thực hiện vào năm 2020 cũng cho thấy, 21% người Việt Nam tham gia cho biết đã sử dụng hoặc sở hữu tiền điện tử, chỉ đứng sau Nigeria (ở mức 32%) và tỷ lệ chấp nhận đã tăng lên kể từ đó.

Các trò chơi dựa trên tiền điện tử, bao gồm các trò chơi theo mô hình chơi để kiếm tiền (P2E) và chuyển sang kiếm tiền (M2E) đặc biệt phổ biến ở Việt Nam. Trò chơi P2E có doanh thu cao nhất Axie Infinity (trụ sở tại TP.HCM) đã truyền cảm hứng cho nhiều công ty khởi nghiệp trò chơi tiền điện tử tìm kiếm thành công tại Việt Nam.

Nguồn: https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/