Nhận diện ký sinh trùng gây bệnh viêm màng não và cách phòng ngừa
Mùa hè nóng nực, nhiều người có thói quen ăn đồ tái sống như: gỏi, nem chạo, thịt tái sống…. cần cảnh giác với căn bệnh viêm màng não do ký sinh trùng.
Bệnh viêm màng não do ký sinh trùng thường do tác nhân lây nhiễm xâm nhập chủ yếu qua đường tiêu hóa bởi ăn các thức ăn còn tái sống có chứa mầm bệnh. Một số trường hợp hiếm gặp mầm bệnh có thể xuyên qua da người khi làm việc trong môi trường có những mầm bệnh ký sinh trùng này. Chính vì vậy, những người có thói quen ăn đồ tái sống như: gỏi, nem chạo, thịt tái sống…. cần cảnh giác với căn bệnh này.
1. Một số loại ký sinh trùng thường gặp gây bệnh viêm màng não ở người
- Viêm màng não do giun mạch
Con người là ký chủ tình cờ, bị nhiễm do ăn phải ốc sên mang ấu trùng không được nấu chín hay ăn rau sống có dính chất nhờn do ốc sên hay các loài nhuyễn thể khác tiết ra.
Ở ruột, ấu trùng xuyên thành ruột di cư lên não và tủy sống, gây viêm màng não (nhưng rất ít khi gây tổn thương cho nhu mô não và tủy sống) và lên mắt, gây giảm thị lực hay mù một mắt.
Giun mạch A. cantonensis là nguyên nhân gây viêm màng não ký sinh trùng hay gặp nhất. Ấu trùng giun mạch có tính ưa thần kinh. Viêm màng não do giun mạch thường gặp chủ yếu ờ vùng Đông Nam Á. Chuột là ký chủ cuối cùng, giun mạch ký sinh ở động mạch phổi của chuột nên còn được gọi là ‘giun ở phổi chuột’, đẻ trứng trong các động mạch và nở thành các ấu trùng giai đoạn 1.
Các ấu trùng này xuyên qua thành động mạch đi vào các phổi và di cư lên các phế quản rồi xuống ruột, thải ra ngoài theo phân.
Các triệu chứng của viêm màng não bạch cầu ái toan biểu hiện sau 2 tuần và phần lớn sẽ ổn sau 2 tuần tiếp theo, tử vong chỉ khoảng 2-3%. Bởi ở người, trên bề mặt não và tủy sống, ký sinh trùng trở thành ấu trùng giai đoạn cuối mà không thể phát triển thành giun trưởng thành như ở chuột.
Cẩn trọng thức ăn tái sống có nguy cơ nhiễm giun sán
- Viêm màng não do giun đầu gai
Đây là bệnh truyền từ động vật sang người, giun đầu gai bám lên thành ruột của các động vật như heo, mèo, chó, sau đó được thải ra phân và phát triển thành phôi bào trong môi trường nước, chúng phát triển trong các ký chủ trung gian (các loại cá, ếch, rắn nước). Con người nhiễm bệnh khi ăn các loại thức ăn chế biến từ cá, gia cầm, rắn mang ấu trùng hay uống nước có ấu trùng không được nấu chín.
Ngoài ra, người bị nhiễm khi ăn phải ấu trùng giai đoạn 3 dính trong rau sống hoặc thịt nấu chưa chín từ các vật chủ chính hoặc khi họ uống, làm việc, bơi lội trong nước bị nhiễm ấu trùng hoặc các loài thân giáp bị nhiễm sẵn. Các trường hợp lây truyền trước sinh có thể xảy ra ở người, nhưng ở người thì ấu trùng không quay trở lại thành dạ dày và trong trường hợp hiếm có thể sống trong cơ thể đến 10-12 năm. Vì lý do này, trứng giun chưa bao giờ hoặc rất hiếm (chưa thấy báo cáo trên y văn) được tìm thấy trong phân của người.
Ấu trùng từ các vật chủ trung gian đi vào mô cơ thể người và có thể di chuyển chậm chậm đến nhiều mô khác nhau, tăng quá trình sưng phồng mô dưới da từng đợt (đó là đặc điểm thường thấy triệu chứng trên bệnh nhân). Giun được bao quanh bởi phản ứng viêm với sự tập trung nhiều bạch cầu eosin. Đặc biệt ấu trùng sẽ phá hủy cấu trúc khi chúng chết bên trong não hoặc mắt.
- Viêm màng não do nhiễm giun đũa chó và giun đũa mèo
Do ăn phải những thức ăn có nhiễm trứng các loại giun này (do ruồi mang đến), hay do nhiễm trứng giun từ bàn tay do tiếp xúc với đất nhưng không được rửa trước khi ăn. Trong cơ thể, ấu trùng của giun đũa chó/mèo có thể di cư đến nhiều vùng khác nhau, đến vùng nào thì cho triệu chứng ở vùng đó và gây ra: ngứa da, mù mắt, sưng gan, tràn dịch màng tim hay màng phổi, và viêm màng não.
Các giun đũa chó mèo này sẽ đẻ trứng, trứng theo phân ra ngoài môi trường và sau 1-2 tuần lễ các trứng này sẽ hóa phôi (giai đoạn có thể gây bệnh cho người nếu nuốt phải trứng), tiếp theo các ấu trùng giun đi xuyên qua thành ruột và theo đường máu di chuyển đến gan, phổi, hệ thần kinh trung ương (nơi các ấu trùng có thể sống sót trong cơ thể người trong nhiều tháng và sau đó bị phản ứng viêm của cơ thể tiêu diệt hoặc khiến chúng ngưng phát triển).
Mức độ tổn thương của cơ thể cùng với các triệu chứng tùy thuộc vào số lượng ấu trùng cũng như cơ quan mà chúng xâm lấn: gan, phổi, hệ thần kinh trung ương, mắt…
- Viêm màng não do nang sán lợn
Chu trình sống của ký sinh trùng sán lợn: sán lợn trưởng thành ở trong ruột non của người (người là ký chủ cuối cùng), đẻ ra trứng mang phôi bào, theo phân ra ngoài, khi heo ăn vào (heo là ký chủ trung gian) thì đến ruột trứng nở ra ấu trùng, ấu trùng xuyên thành ruột đi đến khắp nơi trong cơ thể lợn dưới dạng các nang sán lợn (thịt những con lợn này, dân gian mình gọi là ‘thịt lợn gạo’), con người ăn phải ‘thịt lợn gạo’ sống (nem chua) hay chỉ nấu tái thì ấu trùng đã phát triển thành sán trưởng thành ở trong ruột non. Trường hợp này được gọi là mắc bệnh sán lợn.
Ăn thịt lợn gạo có những nang sán không gây bệnh gạo cho người ở não, cơ... nhưng sẽ làm chúng ta mắc bệnh nhiễm sán lợn ở trong ruột non.
Thông thường có thể mất từ 6-10 tuần kể từ lúc nuốt trứng sán thì ấu trùng sán lợn có thể đến não và ký sinh ở đó. Tuy nhiên, tỉ lệ này không cao vì thật sự cơ thể của chúng ta vẫn có phản ứng để loại bỏ nó trước khi nó cố định được ở não.
Các triệu chứng thường gặp nhất bệnh viêm màng não là sốt, đau đầu
2. Làm thế nào để phát hiện sớm ký sinh trùng gây bệnh viêm màng não?
Các triệu chứng viêm màng não thường gặp nhất là:
- Sốt, đau đầu, theo nghiên cứu gặp trên 90% bệnh nhân, thường đau nhiều vùng trán, chẩm, hai bên thái dương, đau đáp ứng kém với thuốc giảm đau thông thường và có khuynh hướng đau nhiều về đêm
- Buồn nôn, nôn ói
- Dị cảm tay chân
- Đau mỏi cổ gáy, đôi khi cứng cổ
-
Trên da, triệu chứng thường gặp của nhiễm giun đầu gai là nổi mẩn da do ấu trùng di chuyển.
- Ngoài ra, còn có các triệu chứng khác kèm theo như nhìn đôi (do liệt các dây thần kinh vận nhãn), giảm thị lực, yếu tay chân.
- Trong các trường hợp bệnh diễn tiến nặng bệnh nhân có thể hôn mê, thậm chí tử vong.
Chẩn đoán viêm màng não do ký sinh trùng được dựa trên các triệu chứng lâm sàng, vùng dịch tễ của bệnh, tiền sử tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ, xét nghiệm dịch não tủy.
Một số thăm dò cận lâm sàng và xét nghiệm sẽ giúp ích và gợi ý cho việc chẩn đoán viêm màng não do ký sinh trùng. Để chẩn đoán xác định viêm màng não do ký sinh trùng, cần làm sinh thiết mô xác định có ký sinh trùng trong các tạng của ký chủ. Tuy nhiên đối với hệ thần kinh, đây là phương tiện chẩn đoán khó thực hiện và có độ xâm hại cao.
3. Phòng ngừa ký sinh trùng gây bệnh viêm màng não
Để phòng bệnh giun sán cần phòng từ nguồn nhiễm, điều trị người nhiễm, tẩy giun định kỳ. Cần tập thói quen tẩy giun định kỳ cho cả gia đình tối thiểu 6 tháng một lần (ít nhất 2 lần trong năm).
Cần giữ vệ sinh cá nhân, rửa tay trước khi ăn và sau khi đi đại tiện, không nghịch bẩn, thường xuyên tắm rửa, không đi chân đất, không để trẻ bò lê la dưới đất. Cắt móng tay, đi dép thường xuyên, bảo hộ lao động khi tiếp xúc với đất.
Điều quan trọng cần thực hiện ăn chín, uống sôi, ăn các thức ăn đã được nấu chín kỹ, chế biến hợp vệ sinh. Không sử dụng thịt lợn ốm để chế biến thực phẩm. Không ăn tiết canh, thịt lợn tái, các loại gỏi cá, nem chua sống, thịt bò tái, đối với các loại rau sống cần phải ngâm rửa kỹ trước khi ăn.
Quản lý phân tươi, nhất là ở những vùng có người nhiễm sán dây lợn trưởng thành. Sử dụng hố xí hợp vệ sinh. Không nuôi lợn thả rông.Không sử dụng phân tươi để bón cho cây trồng nhất là các loại rau. Không để ruồi nhặng bậu vào thức ăn. Không để chó, lợn, gà... tha phân gây ô nhiễm môi trường. Người mắc bệnh giun, sán cần phải được khám và điều trị triệt để theo đúng phác đồ của Bộ Y tế
Khi có các triệu chứng đau đầu không thuyên giảm ngay với thuốc giảm đau, có nổi mẩn ngứa ở da, trước đây có thói quen ăn thức ăn sống (rau sống, nem chua), các thức ăn chưa được nấu chín (thịt heo tái, tôm, cua, cá, ốc, nghêu, sò…), trong nhà có nuôi nhiều chó hay mèo, các trẻ em kém vệ sinh cần được thăm khám kỹ và sớm tại các bệnh viện có chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị đặc hiệu kịp thời.
Nguồn https://suckhoedoisong.vn/nhan-dien-ky-sinh-trung-gay-benh-viem-mang-nao-va-cach-phong-ngua-169220626145258872.htm
- Người mẹ gây xôn xao khi mang 9 bào thai cùng một lúc
- Bé gái 7 tuổi tử vong sau vài tiếng nhập viện ở Thanh Hóa
- Phát hiện ung thư ở giai đoạn sớm sau khi vô tình đọc báo
- Bé 4 tuổi đi cấp cứu với tiên lượng tử vong do biến chứng đái tháo đường
- 4 triệu chứng ở chân cảnh báo bệnh tiểu đường đã nghiêm trọng
- Bộ Y tế đề xuất cấm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng
- 4 thực phẩm giúp giảm nguy cơ mắc nhiều loại ung thư
- Ngứa cảnh báo tình trạng nguy hiểm không chỉ là bệnh ngoài da khi trời hanh khô
- Căn bệnh khiến nhiều người không bao giờ tỉnh lại vào ngày hôm sau