Nhận diện và tháo gỡ những điểm nghẽn trên thị trường bất động sản

Thứ năm, ngày 10 tháng 10 năm 2024 | 14:44

Ngày 10/10, Trường đại học Kinh tế Quốc dân phối hợp Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề "Thị trường bất động sản Việt Nam trong bối cảnh sửa đổi Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản"

Quang cảnh Hội thảo.
Quang cảnh Hội thảo.

Mục tiêu của Hội thảo nhằm đánh giá thực trạng thị trường bất động sản Việt Nam trong nửa đầu năm 2024 và đánh giá tác động của những thay đổi pháp lý đến thị trường bất động sản trong bối cảnh mới, bao gồm việc thực hiện các luật có liên quan, gồm Luật Đất đai (sửa đổi) năm 2024, Luật Nhà ở (sửa đổi) năm 2023, Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) năm 2023.

Từ đó đề xuất những giải pháp kịp thời nhằm thúc đẩy quá trình triển khai hiệu quả các luật, góp phần phục hồi và thúc đẩy sự phát triển bền vững của thị trường bất động sản trong thời gian tới.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân nhấn mạnh: Thị trường bất động sản là một trong những thị trường có vị trí và vai trò quan trọng đối với nền kinh tế quốc dân, có quan hệ trực tiếp với các thị trường tài chính tiền tệ, thị trường hàng hóa dịch vụ, thị trường vật liệu xây dựng, thị trường lao động...

Phát triển và quản lý có hiệu quả thị trường bất động sản sẽ góp phần quan trọng vào quá trình thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, tạo khả năng thu hút đa dạng các nguồn vốn đầu tư cho phát triển, đóng góp thiết thực vào quá trình phát triển các khu vực đô thị và nông thôn bền vững, theo đó đóng góp cho tăng trưởng và phát triển kinh tế.

Giám đốc cao cấp CBRE Việt Nam - Nguyễn Hoài An phát biểu tại tọa đàm về bất động sản.

Tin liên quan

Giá chung cư Hà Nội được dự báo tăng trưởng đến năm 2026

Giai đoạn 2022-2023, thị trường bất động sản Việt Nam gặp nhiều khó khăn, thách thức, trong đó có nguyên nhân liên quan tới các vướng mắc pháp lý. Từ năm 2024, thị trường bất động sản được kỳ vọng mở ra một trang mới với nhịp phục hồi tích cực khi có sự thay đổi của các đạo luật quan trọng: Tháng 11/2023, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) năm 2023; Luật Nhà ở (sửa đổi) năm 2023.

Đầu năm 2024, Luật Đất đai (sửa đổi) cũng đã được thông qua và sớm có hiệu lực từ ngày 1/8/2024 đã góp phần hoàn thiện những mảnh ghép cuối cùng trong bức tranh pháp lý cho thị trường bất động sản.

Trên cơ sở đó, thị trường bất động sản có cơ sở để kỳ vọng vào một viễn cảnh phục hồi theo hướng bền vững hơn, khi khung pháp lý quan trọng được mở ra với nhiều quy định và cơ chế chính sách tác động đến thị trường và các chủ thể tham gia trên thị trường bất động sản.

 

Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung đánh giá làm rõ thực trạng của thị trường bất động sản trong nửa đầu năm 2024, chỉ ra những khó khăn, vướng mắc và những điểm nghẽn pháp lý đang tồn tại;

Đồng thời đánh giá những thay đổi lớn về pháp lý và chính sách tác động đến thị trường bất động sản Việt Nam, tập trung xem xét tác động của những đổi mới trong các luật liên quan.

Nội dung quan trọng khác được đề cập tại Hội thảo là tập trung đánh giá thay đổi về hành vi của các chủ thể tham gia thị trường bất động sản, dự báo xu hướng điều chỉnh của một số phân mảng thị trường bất động sản cụ thể (nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, bất động sản du lịch nghỉ dưỡng, bất động sản nông nghiệp…) khi có những điều chỉnh về mặt pháp luật và bối cảnh mới của nền kinh tế trong nước và quốc tế;

Đề xuất các quy định và chính sách cụ thể trong quá trình triển khai thực hiện Luật Đất đai và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) năm 2024, thực hiện hiệu quả các đề án lớn của Chính phủ nhằm khôi phục và phát triển thị trường bất động sản Việt Nam bền vững trong thời gian tới.

Kết quả của Hội thảo sẽ cung cấp thêm thông tin trong các đề xuất về cơ chế chính sách cụ thể kịp thời để thực hiện các đề án lớn của Chính phủ trong phát triển thị trường bất động sản; đồng thời phục vụ công tác nghiên cứu, xây dựng ban hành văn bản dưới luật (nghị định, thông tư) của Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho phù hợp với thực tiễn phát triển của đất nước.