Nhiều cổ phiếu tăng mạnh nhờ thông tin có "ngoại binh"

Thứ năm, ngày 24 tháng 3 năm 2022 | 8:34

Ở nhiều doanh nghiệp, cứ có tin bán cổ phần chiến lược cho nhà đầu tư nước ngoài, giá cổ phiếu lại tăng mạnh.

Cổ phiếu của doanh nghiệp có kế hoạch huy động vốn ngoại thường được nhà đầu tư quan tâm

Cổ phiếu của doanh nghiệp có kế hoạch huy động vốn ngoại thường được nhà đầu tư quan tâm

Đầu quý IV/2021, Tổng công ty IDICO - CTCP (IDC) tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) bất thường, trong đó nhắc lại việc chuyển sàn niêm yết, vốn được cổ đông chờ đợi từ lâu.

Theo IDC, để tăng tính thanh khoản cho cổ phiếu, tạo sân chơi bình đẳng, minh bạch và chuyên nghiệp hơn nhằm thu hút dòng vốn ngoại, ĐHCĐ đã thông qua phương án bỏ bớt ngành nghề kinh doanh không cần thiết, qua đó nới tỷ lệ sở hữu tối đa dành cho nhà đầu tư nước ngoài (room) và chuyển niêm yết cổ phiếu IDC sang HOSE. Vào tháng 11/2021, IDC đã nhận được văn bản của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về việc nới room lên 49%. Tuy nhiên, mục tiêu chuyển sàn trong tháng 1/2022 của IDC đến nay vẫn chưa đạt được.

Động thái trên được cho là bước mở đường cho kế hoạch chào đón đối tác ngoại của IDC. Từ sau Tết 2022 đến đầu tháng 3, giá cổ phiếu IDC tăng 26%, lên 78.200 đồng/cổ phiếu, sau đó có điều chỉnh về 68.000 đồng/cổ phiếu và trong tuần qua, cổ phiếu này hồi phục lên 72.000 đồng/cổ phiếu.

Nhiều nhà đầu tư đánh giá, IDC là "ông lớn" trong lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp, quỹ đất sạch lớn và chi phí thấp do đã thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng từ nhiều năm trước, cộng thêm chất xúc tác từ việc chuyển sàn niêm yết sẽ được định giá lại cũng như khả năng sẽ có đối tác ngoại tham gia vài chục phần trăm vốn tại IDC.

Cổ phiếu gây chú ý là BAF của Công ty cổ phần Nông nghiệp BAF Việt Nam, khi chào sàn ngày 3/12/2021 với giá đóng cửa 24.000 đồng/cổ phiếu và có chuỗi tăng trần 10 phiên liên tiếp. Dù sau đó có các đợt điều chỉnh nhưng xu hướng giá của BAF vẫn là đi lên dựng đứng, gần đây dao động quanh 64.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng tăng trên 200% so với ngày chào sàn.

Tại ĐHCĐ vừa qua, BAF chia sẻ về kế hoạch mở rộng trại nuôi khá tham vọng, vừa đầu tư mở rộng trong năm 2021, bước sang 2022, BAF tiếp tục đầu tư 10 dự án mới ở nhiều tỉnh, thành phố. Mới đây, BAF cũng thông qua kế hoạch đầu tư dự án nuôi lơn tại Gia Lai, quy mô 120 ha.

Trong báo cáo chiến lược 5 năm tới, BAF đặt mục tiêu trở thành Top 3 công ty về chuỗi hoàn thiện 3F, có 35 - 40 trại nuôi lợn tới năm 2026, tổng đàn nái sinh sản 65.000 - 70.000 con, tổng đàn lợn thịt bán ra thị trường 2,5 triệu con thương phẩm. Đến năm 2030, tổng đàn nái sinh sản lên 200.000 con, bán ra thị trường 6 triệu con nái thương phẩm.

BAF đang tiếp xúc với vài quỹ đầu tư nước ngoài, dự kiến có 2 quỹ đầu tư lớn tham gia đầu tư.

Với kế hoạch đầu tư lớn, lãnh đạo BAF cho biết, Công ty đang tiếp xúc với vài quỹ đầu tư nước ngoài, dự kiến có 2 quỹ đầu tư lớn tham gia đầu tư, khi đó nguồn vốn sẽ tăng mạnh, đảm bảo đầu tư cho đến năm 2025.

Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (TAR) cũng hé lộ khả năng có thêm nhà đầu tư nước ngoài. Cụ thể, ngoài kế hoạch kinh doanh năm 2022 tăng trưởng mạnh, TAR dự kiến xin ý kiến cổ đông trong ĐHCĐ tới đây về việc nới room từ 0% lên 49%, đây là bước “dọn đường” để TAR đón các đối tác ngoại trong năm nay.

Theo ông Phạm Thái Bình, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị TAR, đã có đối tác muốn trở thành cổ đông chiến lược với tỷ lệ sở hữu không dưới 30% vốn tại TAR.

Ông Bình cho biết, kỳ vọng khi có thêm quỹ tham gia sẽ hỗ trợ cấu trúc lại quá trình vận hành của TAR và nâng tầm nhận diện thương hiệu trên thị trường. Đây là điểm yếu của TAR trong suốt 10 năm vừa qua khi chỉ tập trung vào sản xuất. Các đối tác này cũng sẽ giúp phân phối gạo TAR lên các kệ hàng tại châu Âu.

Trong lĩnh vực chứng khoán, cổ phiếu BSC tăng giá mạnh, trong đó có yếu tố từ việc Công ty chốt bán cổ phần cho đối tác ngoại. Cụ thể, Hội đồng quản trị BSC công bố nghị quyết chào bán cổ phần riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược.

Theo đó, Công ty sẽ phát hành tối đa 65,7 triệu đơn vị, tương đương 54% số lượng cổ phiếu đang lưu hành. Vốn điều lệ dự kiến tăng từ 1.221 tỷ đồng lên 1.878 tỷ đồng. Hội đồng quản trị chốt giá bán 41.000 đồng/cổ phiếu, tương đương với giá trị huy động gần 2.700 tỷ đồng.

Bên mua là Công ty TNHH Đầu tư Tài chính Hana (Hàn Quốc), thành viên Tập đoàn Tài chính Hana. Sau phát hành, nhà đầu tư chiến này sẽ sở hữu 35% vốn BSC. Đối với các công ty chứng khoán, việc có thêm đối tác ngoại được xem là tăng lợi thế cạnh tranh, đặc biệt là tiếp cận nguồn vốn giá rẻ và tệp khách hàng rộng lớn từ đối tác.

Ở IMP, gần đây có sự xuất hiện cổ đông lớn nhất là SK Investment Vina III Pte. Ltd., thành viên của SK Group (Hàn Quốc). Cổ đông này chi hơn nghìn tỷ đồng để liên tục nâng sở hữu tại IMP, khoảng 46,5% vốn. Theo thông tin của Đầu tư Chứng khoán, để gom được số lượng trên, bên mua đã thông qua dịch vụ uỷ thác cho một công ty chứng khoán để gom dần từ 1 - 2 năm trước.

Nguồn TNCK

https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/nhieu-co-phieu-tang-manh-nho-thong-tin-co-ngoai-binh-post293379.html