Đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh; lãnh đạo Bộ Ngoại giao; Thành phố Hồ Chí Minh; hơn 35 đoàn lãnh đạo đến từ các địa phương quốc tế có quan hệ hợp tác hữu nghị với Thành phố Hồ Chí Minh cùng dự.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Phan Văn Mãi, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, chuyển đổi công nghiệp đã trở thành xu hướng toàn cầu, với việc đầu tư vào công nghệ cao và kỹ thuật số dự kiến sẽ đạt khoảng 1,5 nghìn tỷ USD vào năm 2030.
Riêng tại Thành phố Hồ Chí Minh, chuyển đổi công nghiệp đang là một yêu cầu cấp thiết đối song song với việc đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường và trách nhiệm xã hội.
Phát triển logistics xanh trong chuyển đổi công nghiệp
Thực tế cho thấy, hiện tại tỷ trọng các ngành công nghiệp công nghệ cao chỉ chiếm khoảng 23% trong tổng GDP của thành phố.
Mục tiêu của thành phố là nâng tỷ trọng này lên 40% vào năm 2030, qua đó duy trì sự đóng góp của thành phố vào nền kinh tế quốc gia đồng thời củng cố vị thế dẫn đầu của thành phố trong cả nước và khu vực, duy trì tính cạnh tranh và phát triển bền vững.
Đồng chí Phan Văn Mãi, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: THẾ ANH) |
Hiện thành phố đã áp dụng một chiến lược kép, kết hợp chuyển đổi xanh và chuyển đổi số. Theo đó, tập trung phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, đầu tư vào tự động hóa, nhà máy thông minh và công nghệ sản xuất tiên tiến nhằm nâng cấp chuỗi giá trị.
Việc tăng cường tự động hóa và ứng dụng công nghệ cao có thể tăng năng suất lao động lên đến 30% trong vòng 10 năm tới, đồng thời giảm sự phụ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên và tăng cường khả năng cạnh tranh.
Cùng với đó, việc đầu tư vào công nghệ số như trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), và Dữ liệu lớn (Big Data) có thể giúp tiết kiệm chi phí sản xuất lên đến 20% và giảm lượng khí thải carbon đến 15% trên mỗi đơn vị sản phẩm.
Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả mong muốn là một hành trình không thể thực hiện đơn lẻ. Theo nghiên cứu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), khoảng 60% các sáng kiến chuyển đổi công nghiệp thành công là kết quả của sự hợp tác giữa các chính phủ, doanh nghiệp và người dân, cả trong và ngoài nước.
Với hội nghị này sẽ tạo ra những cơ hội kết nối, trao đổi để chúng ta học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, chia sẻ các thực tiễn tốt nhất và khám phá các cơ hội hợp tác mới.
Lãnh đạo thành phố cam kết sẽ tiếp tục là một đối tác năng động, cởi mở và chân thành với các địa phương trên thế giới. Thành phố tin rằng, thông qua việc thúc đẩy tinh thần hữu nghị và hợp tác, chúng ta không chỉ đạt được các mục tiêu chung mà còn xây dựng một tương lai tốt đẹp cho nhân loại.
Thông qua Đối thoại Hữu nghị 2024, các địa phương, doanh nghiệp và người dân sẽ có thêm cơ hội trao đổi và hợp tác để cùng nhau phát triển mạnh mẽ hơn.