Nhìn lại dự báo chứng khoán tuần qua
Những diễn biến khó lường ở thị trường quốc tế cũng phần nào ảnh hưởng tới tâm lý nhà đầu tư trong nước khiến thị trường chứng khoán có tuần giao dịch không mấy khả quan khi các chỉ số chung đều giảm khá mạnh.
Cùng Đầu tư Chứng khoán nhìn lại nhận định thị trường của một số công ty chứng khoán trong tuần qua.
Thống kê giao dịch trên sàn HOSE tuần qua, chỉ số VN-Index có 2 phiên tăng điểm và 3 phiên giảm điểm. Mức cao nhất trong tuần đạt được tại 1.505,32 điểm và mức thấp nhất trong tuần là 1.458,88 điểm. Kết thúc cả tuần, chỉ số VN-Index giảm 38,79 điểm, tương ứng giảm 2,6% so với cuối tuần trước và kết thúc tuần tại mức 1.466,54 điểm.
Diễn biến sàn HOSE trong tuần qua từ 7-11/3
Ngày | VN-INDEX | Thay đổi | Khối lượng GD | Giá trị GD |
11/3 | 1466,54 | -12,54(-0,85%) | 878.192.331 | 27.655 |
10/3 | 1479,08 | +5,34(+0,36%) | 649.939.597 | 21.176 |
9/3 | 1473,74 | +0,03(+0,00%) | 930.300.946 | 30.518 |
8/3 | 1473,71 | -25,34(-1,69%) | 1.037.517.913 | 34.518 |
7/3 | 1499,05 | -6,28(-0,42%) | 981.720.621 | 31.437 |
Tương tự, sàn HNX có 3 phiên giảm điểm và 2 phiên tăng điểm. Mức cao nhất và thấp nhất trong tuần lần lượt tại 454,04 điểm và 437,97 điểm. Kết thúc cả tuần, chỉ số HNX-Index giảm 8,37 điểm, tương ứng giảm 1,9% so với cuối tuần trước và kết tuần ở mức 442,2 điểm.
Diễn biến sàn HNX trong tuần qua từ 7-11/3
Ngày | HNX-INDEX | Thay đổi | Khối lượng GD | Giá trị GD |
11/3 | 442,20 | -5,44(-1,22%) | 175.102.504 | 4.461 |
10/3 | 447,64 | +3,04(+0,68%) | 123.867.025 | 3.456 |
9/3 | 444,60 | -1,29(-0,29%) | 141.397.954 | 4.076 |
8/3 | 445,89 | -6,97(-1,54%) | 147.148.997 | 4.320 |
7/3 | 452,86 | +2,27(+0,50%) | 141.241.398 | 3.776 |
Thanh khoản khớp lệnh tăng nhẹ so với tuần trước đó và xấp xỉ mức trung bình của 20 tuần gần nhất cho thấy áp lực bán ra trong tuần qua là tương đối mạnh.
Trong đó, trên sàn HOSE, khối lượng và tổng giá trị giao dịch đạt lần lượt đạt gần 4.478 triệu cổ phiếu và 145.304 tỷ đồng, tăng 3,59% về lượng và 7,88% về giá trị so với tuần trước đó.
Còn trên sàn HNX, khối lượng và giá trị lần lượt đạt 729 triệu cổ phiếu và 20.089 tỷ đồng, tăng 22,4% về lượng và 14,34% về giá trị so với tuần trước.
Nhìn lại dự báo của các công ty chứng khoán:
CTCK MB (MBS) sau khi đưa ra nhận định thiếu chuẩn xác trong phiên đầu tuần ngày 7/3 khi dự báo thị trường nhiều khả năng sẽ kiểm định lại vùng đỉnh cũ 1.536 điểm, nhưng trên thực tế chỉ số VN-Index quay đầu điều chỉnh về dưới ngưỡng 1.500 điểm, đã đưa ra những dự báo trung lập và không rõ xu hướng thị trường.
Điển hình như dự báo xu hướng tăng giá hàng hóa cơ bản trên thế giới lúc này sẽ là động lực hỗ trợ đối với nhóm cổ phiếu được hưởng lợi; hay khả năng VN-Index vẫn còn gặp áp lực từ nhóm bluechip trong phiên 9/3…
Trong khi đó, CTCK KB Việt Nam (KBSV) đã đưa ra 1 nhận định đúng, 1 nhận định sau và 3 nhận định trung lập.
Cụ thể, phiên điều chỉnh nhẹ ngày đầu tuần 7/3 được dự báo đúng khi cho rằng VN-Index có thể còn phải trải qua các nhịp điều chỉnh rung lắc.
Tuy nhiên, ngay lập tức KBSV mất điểm khi nhận định phiên 8/3 rằng xu hướng tăng đóng vai trò chủ đạo, cơ hội mở rộng nhịp phục hồi được đánh giá cao, trong khi thực tế chỉ số VN-Index lao dốc và bốc hơi hơn 25 điểm.
Sau những biến động trên, công ty chứng khoán này đã thận trọng hơn với những dự báo trung lập trong các phiên tiếp theo với dự báo nếu vùng hỗ trợ 1.45x chưa bị phá vỡ, chỉ số được kỳ vọng sẽ xuất hiện nhịp hồi phục tại đây.
CTCK Rồng Việt – VDSC nhận định thiếu chuẩn xác trong 2 phiên đầu tuần khi dự báo VN-Index có thể chịu sức ép từ vùng cản 1.510 – 1.515 điểm và diễn biến tranh chấp quanh 1.500 điểm, tuy nhiên trên thực tế, chỉ số VN-Index đã liên tiếp mất điểm và đã lùi về gần mốc 1.470 điểm.
Tuy nhiên, trong 3 phiên liên tiếp sau đó, VDSC đã liên tục ghi điểm với những dự báo khá chuẩn xác.
Cụ thể như phiên đảo chiều tăng nhẹ ngày 9/3 được dự báo khả năng nhịp giảm có thể tạm thời được kìm hãm và có động lực phục hồi nhẹ; hay phiên khởi sắc tiếp theo đó ngày 10/3 cũng được dự báo về xu hướng tiếp tục hồi phục nhẹ. Thậm chí trong phiên quay đầu giảm ngày 11/3, VDSC cũng không quên cảnh báo về khả năng thị trường tiếp tục suy yếu.
Tương tự Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN) cũng đưa ra 2 nhận định trung lập và 3 nhận định đúng.
Cụ thể, 2 phiên mất điểm đầu tuần ngày 7-8/3, YSVN đã dự báo về xu hướng giằng co của thị trường.
Tuy nhiên, YSVN đã nhanh chóng chuyển hướng và cho rằng VN-Index sẽ hồi phục trong phiên 9-10/3, điều này đã giúp công ty chứng khoán này ghi điểm bởi trên thực tế chỉ số này đã có được đà tăng điểm nhẹ dù được như kỳ là kiểm định ngưỡng 1.490 điểm.
Trong phiên cuối tuần ngày 11/3, dù YSVN nhận định đúng về xu hướng điều chỉnh của thị trường nhưng vẫn khá lạc quan khi cho rằng VN-Index biến động hẹp trong biên độ 1.470 – 1.490 điểm, trong khi thực tế chỉ số này để mất hơn 15 điểm và lùi về gần mốc 1.460 điểm.
Còn tại CTCK Sài Gòn Hà Nội – SHS, tuần qua đã đưa ra 2 dự báo trung lập, 2 dự báo đúng và 1 dự báo sai.
Cụ thể, sau những dự báo trung lập và thiếu chuẩn xác với quan điểm thị trường giằng co và tích lũy đi ngang trong phiên 7-8/3 nhưng trên thực tế, chỉ số VN-Index liên tục giảm sâu dưới vùng giá 1.500 điểm, SHS đã nhận định đúng về xu hướng hồi phục của thị trường trong phiên 9-10/3.
Tuy nhiên, với quan điểm được bảo lưu trong phiên giao dịch cuối tuần 11/3 khi cho rằng VN-Index có thể tiếp nối đà hồi phục, SHS đã để mất điểm bởi trên thực tế, thị trường đã quay đầu giảm điểm khá mạnh, thủng mốc 1.470 điểm.
Nguồn TNCK
https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/nhin-lai-du-bao-chung-khoan-tuan-qua-post292747.html
- “Cửa sáng” cho thị trường chứng khoán Việt Nam
- Cải thiện tính minh bạch để tăng giá trị, sức hút cho thị trường chứng khoán
- Tìm lời giải cho bài toán bán ròng của khối ngoại
- Cổ phiếu VNI bị đưa vào diện cảnh báo và tiếp tục bị đình chỉ giao dịch
- Thị trường chứng khoán khi nào mới khởi sắc?
- Thị trường chứng khoán khi nào mới khởi sắc?
- Gỡ rào cản về cơ chế thanh toán để sớm nâng hạng thị trường chứng khoán
- Sửa Luật Chứng khoán hướng tới thu hút vốn, tăng quy mô nhà đầu tư tổ chức
- Gần 160 nghìn tài khoản chứng khoán mở mới trong tháng 10, nâng tổng số vượt mốc 9 triệu