Những quy định về đường cao tốc theo dự thảo Luật đường bộ

Thứ bảy, ngày 25 tháng 5 năm 2024 | 14:53

Dự thảo Luật Đường bộ mới nhất đã đề cập đến các quy định về đường cao tốc cũng như các chính sách đầu tư, phát triển đường cao tốc tại Việt Nam.

Những quy định về đường cao tốc theo dự thảo Luật đường bộ

Những quy định về đường cao tốc theo dự thảo Luật đường bộ (Hình từ internet)

Những quy định về đường cao tốc theo dự thảo Luật đường bộ

* Quy định chung đối với đường cao tốc

- Đường bộ cao tốc (sau đây gọi là đường cao tốc) là một cấp kỹ thuật của đường bộ, chỉ dành cho xe cơ giới, có dải phân cách phân chia hai chiều xe chạy riêng biệt, không giao nhau cùng mức với một hoặc các đường khác, được bố trí hàng rào bảo vệ, trang thiết bị phục vụ, bảo đảm giao thông liên tục, an toàn, rút ngắn thời gian hành trình, chỉ cho xe cơ giới ra, vào ở những điểm nhất định.

- Đường cao tốc thuộc hệ thống quốc lộ, đường tỉnh, đường đô thị được xác định trong quy hoạch mạng lưới đường bộ, quy hoạch kết cấu hạ tầng đường bộ, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị hoặc quy hoạch đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.

- Đất để xây dựng kết cấu hạ tầng đường cao tốc, bao gồm:

+ Đất quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 13 của Dự thảo Luật này;

+ Đất để xây dựng trạm dừng nghỉ, điểm dừng xe, bãi đỗ xe, trung tâm quản lý điều hành giao thông tuyến đường cao tốc.

* Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và ứng dụng khoa học công nghệ đối với đường cao tốc

- Đường cao tốc được thiết kế theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật riêng.

- Các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật áp dụng trong khảo sát, thiết kế, xây dựng, quản lý vận hành, khai thác đường cao tốc bảo đảm khoa học kỹ thuật hiện đại, số hóa, phát triển bền vững, giao thông xanh.

- Nghiên cứu, ứng dụng khoa học, phát triển công nghệ mới, vật liệu mới, ứng dụng tự động hóa và trí tuệ nhân tạo trong khảo sát, thiết kế, xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác đường cao tốc phù hợp điều kiện đặc thù của từng vùng, từng địa phương.

Hiện hành, theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 115:2024/BGTVT được ban hành kèm Thông tư 06/2024/TT-BGTVT  về đường bộ cao tốc, tốc độ thiết kế đường bộ cao tốc được phân làm 3 cấp, tối đa 120 km/h; quy mô tối thiểu 4 làn xe chạy.

* Chính sách phát triển đường cao tốc Việt Nam

Chính sách phát triển đường cao tốc thực hiện theo quy định tại Điều 4 Dự thảo Luật này và các quy định sau đây:

- Nhà nước bảo đảm nguồn lực phát triển đường cao tốc phù hợp với khả năng của ngân sách nhà nước đối với các trường hợp sau đây:

+ Bố trí vốn ngân sách đầu tư, xây dựng các dự án có yêu cầu bảo đảm quốc phòng an ninh, dự án đi qua địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, dự án kết nối tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội và dự án khác không thu hút được nguồn vốn ngoài ngân sách;

+ Bố trí vốn nhà nước tham gia trong dự án đối với các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư và các phương thức đầu tư khác khi cần có nguồn vốn nhà nước để khuyến khích đầu tư;

+ Nguồn lực quản lý, vận hành, khai thác và bảo trì nhằm khai thác an toàn và duy trì tình trạng kỹ thuật công trình theo yêu cầu của thiết kế trong suốt thời gian sử dụng đường cao tốc do Nhà nước quản lý, khai thác;

+ Thực hiện nghĩa vụ của Nhà nước theo hợp đồng dự án để xử lý vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện đầu tư, xây dựng, kinh doanh khai thác các dự án đường cao tốc bị ảnh hưởng bởi sự kiện bất khả kháng, quy hoạch, chính sách, pháp luật liên quan có thay đổi.

- Nhà nước khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong các hoạt động sau đây:

+ Sử dụng các nguồn lực tham gia đầu tư, xây dựng, vận hành, khai thác và bảo trì công trình đường cao tốc theo phương thức đối tác công tư và các hình thức khác theo quy định pháp luật; 

+ Nghiên cứu và ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại, sử dụng vật liệu mới trong quản lý đầu tư, xây dựng, vận hành, khai thác và bảo trì công trình đường cao tốc nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường và tiết kiệm năng lượng, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên;

+ Sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao trong nghiên cứu, xây dựng, phát triển đường cao tốc.

- Nhà nước có chính sách hỗ trợ cho các tổ chức tham gia đầu tư, xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác đường cao tốc phù hợp với từng giai đoạn cụ thể nhằm thực hiện có hiệu quả việc phát triển đường cao tốc.

* Đầu tư xây dựng, phát triển đường cao tốc

- Việc đầu tư, xây dựng đường cao tốc phù hợp với quy định tại Điều 28 của Dự thảo Luật này.

- Đường cao tốc được đầu tư, xây dựng phù hợp với quy hoạch quy định tại điểm b khoản 1 Điều 5, khoản 2 Điều 44 của Dự thảo Luật này và đầu tư, xây dựng đồng bộ các công trình sau đây:

+ Đường gom hoặc đường bên;

+ Trung tâm quản lý, điều hành giao thông tuyến;

+ Trạm dừng nghỉ, điểm dừng xe, bãi đỗ xe;

+ Hệ thống thu phí điện tử không dừng đối với tuyến đường có thu phí;

Công trình kiểm soát tải trọng xe.

- Trong quá trình chuẩn bị đầu tư, phải nghiên cứu, đánh giá các đặc điểm địa hình tự nhiên, địa chất, khí hậu, thủy văn, dân cư để lựa chọn hướng tuyến tối ưu; ưu tiên lựa chọn tuyến hướng tuyến thẳng, sử dụng các giải pháp công nghệ, kỹ thuật bảo đảm hiệu quả kinh tế, kỹ thuật, hạn chế ảnh hưởng, tác động đến người dân khu vực dự án.

- Căn cứ nhu cầu vận tải và khả năng nguồn lực đầu tư, cấp quyết định chủ trương đầu tư quyết định việc phân kỳ đầu tư; công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư được thực hiện theo quy mô làn xe quy hoạch mạng lưới đường bộ.

- Việc đầu tư đường cao tốc đô thị phải phù hợp với quy hoạch đô thị và các quy định khác liên quan; có các giải pháp phù hợp để phát triển không gian, kết nối giao thông khu vực hai bên đường, bảo đảm môi trường.

- Cấp quyết định đầu tư được phê duyệt tiểu dự án, dự án thành phần để triển khai thực hiện trong trường hợp kinh phí các tiểu dự án, dự án thành phần có sự thay đổi nhưng không vượt sơ bộ tổng mức đầu tư trong chủ trương đầu tư được duyệt.

- Công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, di dời công trình hạ tầng kỹ thuật được thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai và các quy định sau đây:

+ Căn cứ quy hoạch kết cấu hạ tầng đường bộ được phê duyệt, Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong phạm vi quản lý tổ chức cắm mốc quản lý đất quy hoạch; chính quyền địa phương có trách nhiệm quản lý đất để xây dựng đường cao tốc theo quy hoạch được duyệt;

+ Sau khi chủ trương đầu tư được phê duyệt, trong giai đoạn lập báo cáo nghiên cứu khả thi, được phép triển khai trước việc lập, phê duyệt hồ sơ, phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, di dời công trình hạ tầng kỹ thuật và được cập nhật theo dự án đầu tư được duyệt.