Niềm tự hào của những người thợ dệt Thủ đô
Nhằm phát huy vai trò quan trọng của phụ nữ trong sự nghiệp phát triển kinh tế đất nước, năm 1958, Trung ương Đảng và Chính phủ giao cho Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tổ chức cuộc vận động nhân dân góp vốn để xây dựng một nhà máy dệt tại Hà Nội và lấy Ngày Quốc tế phụ nữ 8-3 đặt tên cho nhà máy.
Cuộc vận động góp vốn xây dựng nhà máy dệt của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đã được đông đảo phụ nữ và các tầng lớp nhân dân miền Bắc hưởng ứng với tổng số tiền gần 3.600.000 đồng (theo giá trị tiền năm 1959).
Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, công nhân nhà máy ngày 8-3-1965. Ảnh chụp lại từ ảnh tư liệu.
Bác Hồ thăm xưởng sản xuất nhà máy ngày 8-3-1965. Ảnh tư liệu.
Ngày 8-3-1960, Phó Thủ tướng Lê Thanh Nghị thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ cùng với Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Thập bổ nhát cuốc đầu tiên khởi công xây dựng Nhà máy Dệt 8-3 trên khu đất rộng gần 30ha tại xã Vĩnh Tuy (nay là phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội).
Sau 5 năm xây dựng, ngày 8-3-1965, Nhà máy Dệt 8-3 (nay là Công ty Dệt 8-3) chính thức được khánh thành, trở thành nhà máy dệt có quy mô và trang bị hiện đại nhất miền Bắc lúc bấy giờ. Đặc biệt, phần lớn lực lượng công nhân của nhà máy là phụ nữ. Cũng trong ngày khánh thành, nhà máy đã vinh dự được đón Bác Hồ về thăm. Nói chuyện với cán bộ, công nhân viên nhà máy, Người ân cần nhắc nhở: “Nhà máy Dệt 8-3 ra đời là thành quả đổi bằng mồ hôi, xương máu của bao chiến sĩ, đồng bào đã ngã xuống trong sự nghiệp đấu tranh vì độc lập, tự do; lại được mang tên Ngày Quốc tế phụ nữ, vì vậy, mỗi cán bộ, công nhân, viên chức nhà máy phải làm việc hết sức mình để xứng với niềm vinh dự và trách nhiệm lớn lao đó“.
Nhà máy Dệt 8-3 khánh thành và chính thức làm ra những mét vải, những tấn sợi nhiều màu sắc, chủng loại khác nhau để phục vụ cho cuộc sống lao động sản xuất, chiến đấu của quân và dân ta, trở thành niềm tự hào vô bờ bến không chỉ của cán bộ, nhân dân mà còn là của nhiều thế hệ những người thợ dệt Thủ đô.
Biên lai góp vốn xây dựng Nhà máy Dệt 8-3. Ảnh: KVQ
Vừa khánh thành đi vào sản xuất thì đế quốc Mỹ ném bom đánh phá miền Bắc, cả nước thành chiến trường chống Mỹ nên Nhà máy Dệt 8-3 lại phải tháo dỡ, vận chuyển hơn 3.000 tấn máy móc, thiết bị đưa đến các địa điểm sơ tán cách xa từ 10km đến 50km, đồng thời bảo đảm việc đi lại làm việc theo ca kíp an toàn. Tập thể cô nuôi dạy ở nhà trẻ, cấp dưỡng ở nhà ăn của nhà máy sắp xếp chia thành các tổ, nhóm phục vụ đầy đủ bữa cơm ca đảm bảo đủ định lượng, trông giữ con cho các “bà mẹ trẻ” là những thợ dệt, thợ sợi, thợ in nhuộm... yên tâm bám máy duy trì và giữ vững sản xuất trong điều kiện thời chiến, phấn đấu hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước giao.
Phong trào thi đua “Vững tay súng, chắc tay thoi vượt 1 triệu mét vải, 500 tấn sợi vì đồng bào miền Nam ruột thịt” hằng năm được phát động, đến cuối năm tổng kết đều đạt kết quả cao, đã tạo nên động lực và khí thế thi đua sôi nổi sâu rộng trong mọi khu vực sản xuất kinh doanh của nhà máy. Đoàn Thanh niên Nhà máy Dệt 8-3 phát động phong trào “3 khoan”, gồm “Khoan yêu - Khoan cưới - Khoan đẻ” để dành thời gian nhiều hơn cho sản xuất.
Đặc biệt, nhà máy đã thành lập “Đại đội Dệt 8-3” gồm hơn 100 nam đoàn viên thanh niên là công nhân xung phong nhập ngũ, tham gia chiến đấu ở chiến trường miền Nam. Những nữ thợ dệt, thợ sợi vừa giỏi sản xuất, vừa là lực lượng xung kích trong “Tiểu đoàn tự vệ Dệt 8-3” tham gia thường trực chiến đấu và đã cùng lực lượng tự vệ của các nhà máy trong khu vực bắn cháy một máy bay phản lực Mỹ vào ngày 10-12-1967.
Gặp mặt Hội Cán bộ Đoàn Nhà máy Dệt 8-3. Ảnh KV
Dịp kỷ niệm 40 năm Ngày thành lập Đảng (1970), Đoàn Thanh niên Nhà máy Dệt 8-3 đã phát động phong trào “Ôn luyện tay nghề, thi thợ giỏi” dành cho các thợ dệt, thợ sợi và phong trào “Mở máy sớm, đóng máy muộn bù cho những giờ mất điện”, phong trào “Vệ sinh máy sạch, giữ máy tốt”. Những phong trào rất thiết thực này đã được đông đảo đoàn viên thanh niên hưởng ứng, nhanh chóng phát triển sâu rộng ở mọi khu vực sản xuất. Năm đầu tiên đã có 185 thợ dệt, 201 thợ sợi đạt danh hiệu “Thợ giỏi cấp nhà máy” và những năm sau, phong trào “Ôn luyện tay nghề, thi thợ giỏi” đã lan rộng đến công nhân đứng máy ở toàn bộ phân xưởng sản xuất gồm thợ thợ in hoa - nhuộm màu, thợ lò hơi, thợ cơ khí, thợ sản xuất thoi, suốt.
Phong trào ở Nhà máy Dệt 8-3 đã tỏa lan ra các nhà máy dệt trong ngành, trở thành phong trào của ngành Dệt và đã xuất hiện những thợ dệt, thợ sợi giỏi cấp ngành. Nhà máy Dệt 8-3 được coi là “cái nôi” của phong trào “Ôn luyện tay nghề, thi thợ giỏi” trong ngành Dệt. Các phong trào thi đua do lực lượng đoàn viên thanh niên làm nòng cốt đã góp phần tạo nên sức mạnh tổng hợp, tạo thành động lực mạnh mẽ cùng tập thể cán bộ, công nhân viên chức của nhà máy luôn hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh Nhà nước giao.
Từ khi khánh thành đi vào sản xuất, bình quân mỗi năm, Nhà máy Dêt 8-3 đã sản xuất được 5.400 tấn sợi, 25 triệu mét vải hạ máy (vải dệt mộc), 30 triệu mét vải in hoa, nhuộm màu (vải thành phẩm) phục vụ cho xuất khẩu, cho nhu cầu quân trang của quân đội, công an và nhu cầu may mặc của nhân dân.
Từ các phong trào thi đua sôi nổi rộng khắp trong mọi lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, từ “cái nôi” của phong trào “Ôn luyện tay nghề, thi thợ giỏi”, nhiều cán bộ, công nhân viên Nhà máy Dệt 8-3 đã không ngừng rèn luyện trưởng thành, được đề bạt vào những chức vụ lãnh đạo và đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Tiêu biểu là cụ Lê Thị Như Hảo, 93 năm tuổi đời, 75 năm tuổi Đảng, nguyên Giám đốc Công ty Dệt 8-3, hay cụ Vũ Ngọc Tuyền, nguyên Bí thư Đảng ủy Công ty Dệt 8-3. Nhà máy có tập thể Nhà trẻ và thợ dệt Cù Thị Hậu, thợ sợi Trịnh Thị Toan được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động. Từ một công nhân, bà Cù Thị Hậu đã phấn đấu trưởng thành, trở thành Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, còn bà Trịnh Thị Toan cũng giữ cương vị Chủ tịch Công đoàn Dệt - May Việt Nam. Và còn rất nhiều những thợ dệt, thợ sợi, thợ in nhuộm... trưởng thành làm việc ở các cơ quan Trung ương và ở các cơ quan của Thành ủy Hà Nội...
Gặp mặt Câu lạc bộ Hưu trí Nhà máy Dệt 8-3 (cụ Hảo thứ 5 phải sang-ngồi; bà Hậu thứ nhất trái sang-ngồi). Ảnh: KVQ
Gần 60 năm kể từ ngày khánh thành nhà máy, những người thợ dệt 8-3 hiện đã và đang sinh sống ở khắp mọi miền của Tổ quốc. Tại các buổi gặp mặt hằng năm do Câu lạc bộ Hưu trí Nhà máy Dệt 8-3 hay Hội Cán bộ đoàn Nhà máy Dệt 8-3 tổ chức, những người thợ dệt, thợ sợi năm xưa lại sôi nổi, tự hào kể về những ký ức không bao giờ quên về một thời họ đã sống, lao động và chiến đấu, cống hiến hết mình cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
- Cảnh báo mạo danh cơ quan BHXH yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân cập nhật thẻ BHYT trên ứng dụng VssID
- Cấp đổi thẻ căn cước trực tuyến được giảm 50% lệ phí
- Phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Linh hoạt mức đóng bảo hiểm thất nghiệp
- Phấn đấu trong năm 2025 hoàn thành 3 nhiệm vụ về hỗ trợ nhà ở, xóa nhà tạm, nhà dột nát
- Tổ chức xóa nhà tạm, nhà dột nát trong cả nước như chiến dịch, ngày hội của toàn dân
- Lan tỏa tinh thần thượng tôn pháp luật
- 1.337 chỉ tiêu tại Hội chợ việc làm cho người lao động EPS và thực tập sinh IM Japan về nước
- Vụ máy bay rơi tại Bình Định: Đã liên lạc được với cả hai phi công
- Hỗ trợ 5 nghìn công nhân, lao động Thủ đô về quê đón Tết