Nỗi lo nợ xấu ‘phình to’

Thứ tư, ngày 15 tháng 2 năm 2023 | 10:58

Hầu hết các doanh nghiệp bất động sản cảnh báo về nguy cơ nhảy nhóm nợ, nợ xấu gia tăng, nếu không được ngành ngân hàng cơ cấu nợ, giãn nợ.

Theo các chuyên gia, để tháo gỡ thế kẹt dòng tiền cho bất động sản, tránh gia tăng nợ xấu ngân hàng hiện nay cần tập trung nhanh chóng sửa đổi, bổ sung Nghị định 65/2022/NĐ-CP và sớm tháo gỡ vướng mắc hàng loạt thủ tục pháp lý với bất động sản.

Nợ xấu tăng mạnh

Theo báo cáo kết quả kinh doanh năm 2022 của các ngân hàng, nợ xấu đang có chiều hướng tăng. Tại VIB, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ mức 2,32% đầu năm lên 2,45%. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay của LienVietPostBank tăng từ mức 1,37% lên 1,46%. Còn với TPBank, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng nhẹ từ 0,82% lên 0,84%. Thậm chí, có ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu ở mức trên 3% khi kết thúc năm 2022...

-4956-1676422802.jpg

Nếu không được cơ cấu nợ, giãn nợ, chắc chắn nợ xấu của doanh nghiệp bất động sản sẽ "phình to" trong thời gian tới.

Chứng khoán Yuanta Việt Nam cũng nhận định, tỷ lệ nợ xấu của toàn ngành ngân hàng năm 2023 sẽ tăng nhẹ lên 1,65%. Nguyên nhân một phần do Thông tư 14/2021/TT-NHNN hết hiệu lực. Ngoài ra, nợ xấu còn có thể tăng lên do các vấn đề liên quan đến việc thị trường bất động sản trầm lắng, các điều kiện thanh khoản bị thắt chặt; và thị trường trái phiếu doanh nghiệp bị kiểm soát chặt chẽ.

Riêng trong hoạt động quản lý nợ xấu lĩnh vực bất động sản, số liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, dư nợ tín dụng của lĩnh vực bất động sản cuối năm 2022 đã lên tới 2,58 triệu tỷ đồng, tăng hơn 24% so với năm 2021. Đây là mức cao nhất trong 5 năm qua. Đáng chú ý, tỷ lệ nợ xấu trong lĩnh vực này năm 2022 đã tăng lên mức 1,81%, trong khi năm 2021 chỉ ở mức 1,67%.

Cho vay kinh doanh bất động sản được công bố trong báo cáo tài chính của 11 ngân hàng theo thống kê từ dữ liệu của FiinPro, tổng dư nợ tín dụng bất động sản đạt 276,5 nghìn tỷ đồng, tăng 25% so với đầu năm. Trong đó, 5 nhà băng có tỷ trọng cho vay bất động sản cao nhất tính đến thời điểm 31/12/2022 gồm: Techcombank; VPBank, SHB, MBBank, TPBank.

Cụ thể, Techcombank là ngân hàng có dư nợ cho vay bất động sản cao nhất, gần 109 nghìn tỷ đồng, tăng 13,5% so với đầu năm. Techcombank cũng là nhà băng có tỷ trọng cho vay bất động sản trong tổng cho vay khách hàng cao nhất, hơn 26%.

Tại VPBank, dư nợ cho vay bất động sản đạt 67,6 nghìn tỷ đồng, tăng gần 59% so với hồi đầu năm. Theo đó, dư nợ cho vay bất động sản tại VPBank chiếm 15,4% dư nợ cho vay khách hàng tại thời điểm cuối năm 2022.

Tăng 29% trong năm 2022, SHB đứng ở vị trí thứ 3 trong nhóm ngân hàng được thống kê về dư nợ cho vay bất động sản. Tương tự, MBBank cũng tăng tốc cho vay lĩnh vực bất động sản với dư nợ cho vay xấp xỉ 21,4 nghìn tỷ đồng, tăng 69% so với đầu năm 2022.

Trong TOP 5 còn có VietBank với hơn 13 nghìn tỷ đồng cho vay bất động sản, tăng 20% trong năm 2022.

Xu hướng tăng tỷ lệ nợ xấu có lẽ chưa dừng lại

Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, nếu không được cơ cấu nợ, giãn nợ, chắc chắn nợ xấu của doanh nghiệp bất động sản sẽ "phình to" trong bối cảnh áp lực trả nợ của các doanh nghiệp ngày càng cao. Hơn nữa, áp lực trả nợ không chỉ từ tín dụng ngân hàng, mà còn từ đáo hạn trái phiếu.

Tại Hội nghị tín dụng bất động sản được tổ chức mới đây, hàng loạt “ông lớn” trong ngành bất động sản như: Hưng Thịnh Land, Novaland… cho biết, kênh huy động trái phiếu khó khăn đang tác động tiêu cực đến dòng tiền và nghĩa vụ trả nợ ngân hàng.

Dù các khoản vay chưa bị chuyển sang nợ xấu, song các doanh nghiệp này lo lắng nếu tình hình không có gì chuyển biến, thì khả năng nhảy nhóm nợ rất dễ xảy ra. Chính vì vậy, doanh nghiệp nghị Ngân hàng Nhà nước cho phép cơ cấu nợ, tránh tình trạng nhảy nhóm nợ.

Thực tế, từ đầu năm tới nay, một số doanh nghiệp bất động sản đã thông báo mất khả năng thanh toán, không trả nợ gốc, lãi trái phiếu đúng hạn. Các chuyên gia của FiinRatings cho rằng, thị trường có thể chứng kiến thêm nhà phát hành mất khả năng thanh toán, đặc biệt là doanh nghiệp liên tục tăng cường đòn bẩy trong ít nhất 3 năm qua.

Bản thân ngân hàng cũng thừa nhận, nếu không có biện pháp hỗ trợ, nợ xấu bất động sản sẽ phình to. "Doanh nghiệp bất động sản hiện nay không chỉ đối mặt với khoản nợ ngân hàng đáo hạn, mà còn áp lực lớn đối với khoản trái phiếu phát hành sắp đáo hạn, trong khi nguồn thu và dòng tiền bị chững lại. Nếu không có biện pháp hỗ trợ, các doanh nghiệp này sẽ không hoàn thành được nghĩa vụ trả nợ với ngân hàng lẫn trái chủ", ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc TPBank phân tích và cho rằng, cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ có thể là biện pháp nên xem xét trong bối cảnh hiện nay.

Thế nhưng, tái cơ cấu nợ không chính xác, nợ xấu sẽ dồn về tương lai - đây là điều mà lãnh đạo các ngân hàng quan ngại. "Việc cơ cấu nợ phải được triển khai một cách rất thận trọng, chính xác để đảm bảo không chuyển nợ xấu về sau. Bởi, nếu dồn nợ xấu về sau, thì sẽ tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho hệ thống ngân hàng cũng như nền kinh tế", ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng giám đốc Vietcombank nhấn mạnh.

Nguồn: https://vnbusiness.vn/