Nuông chiều học sinh
Những phút đầu giờ mỗi tiết học thời phổ thông của thế hệ 8X chúng tôi luôn là khoảng thời gian đầy kịch tính.
Không gian trở nên im phăng phắc từ giây phút giáo viên mở sổ, tay lăm lăm cầm bút, mắt rà dọc danh sách học sinh. Chỉ khi một cái tên được xướng lên, hàng chục đứa còn lại mới thở phào nhẹ nhõm.
Hình thức kiểm tra miệng này tạo nên một thú vui vô đối của lũ học trò: đoán xem đứa bạn nào sẽ bị "lên bảng cò quay". Nhưng các thầy cô thường xuyên đổi luật, khiến những đứa học hành "tài tử" không ít phen điêu đứng.
Tôi từng nhận ra một giáo viên thường rất cẩn thận đánh dấu và gọi nhảy cách ba vị trí mỗi lần kiểm tra đầu giờ. Một lần, tôi dựa vào quy luật ấy để tự cho mình lười biếng một hôm. Xui rủi thay, hôm đó, thay vì ba, cô nhảy năm bậc. Tôi bị tóm lên bảng. Cuối cùng, tôi bị ghi vào Sổ đầu bài, "góp phần" làm mất thành tích thi đua trong tuần của lớp. Tôi còn bị giáo viên chủ nhiệm dọa trừ điểm hạnh kiểm.
Sau này, tôi nhận thấy, đổi lại những phút hồi hộp và có chút lo âu đó, chúng tôi - cả lớp - có cơ hội cùng ôn lại kiến thức cũ một cách nhanh chóng qua phần trả lời của chính mình hoặc người khác. Bài kiểm tra miệng còn là thời gian tuyệt vời để tôi luyện tập khả năng tóm tắt, trình bày, diễn giải vấn đề trước đám đông; tránh được các bài kiểm tra viết - vốn không phải là lợi thế của người viết chậm như tôi.
Nhưng mới đây, trong những cuộc họp triển khai kế hoạch năm học mới, các lãnh đạo Sở Giáo dục TP HCM lưu ý giáo viên hạn chế áp dụng kiểm tra miệng đầu giờ. Sở cho rằng, hình thức gọi tên bất chợt vào đầu giờ này khiến học sinh mang tâm lý sợ sệt, nặng nề khi đến lớp. Giám đốc Sở lấy ví dụ: "Sáng sớm, học sinh ngồi trên xe ba mẹ chở đi học, vừa ăn vừa cầm cuốn vở học vì sợ thầy cô kêu trả bài".
Liệu kiểm tra bài đầu giờ có phải là nỗi ám ảnh kinh khủng đến mức cần phải loại bỏ?
Tôi nhớ lại thời học sinh của mình, tôi hỏi các con tôi, trao đổi với sinh viên, tôi cũng ngẫm nghĩ về hình ảnh được lãnh đạo Sở đưa ra minh họa. Nhưng tôi chưa thấy thỏa đáng.
Khái niệm "kiểm tra miệng" ở đây được bàn đến ở hai khía cạnh: kiểm tra bài cũ, và thông qua hình thức vấn đáp. Kiểm tra bài cũ - dù trong bất cứ hình thức sư phạm nào - đều cần thiết, nhằm tạo gạch nối giữa kiến thức cũ và mới. Ngoài ra, ở bậc phổ thông và với học sinh tuổi vị thành niên, kiểm tra bài cũ còn nhắc nhở các em trách nhiệm ôn tập sau mỗi buổi học.
Vấn đáp là một hình thức kiểm tra được phép thực hiện trong các chương trình đào tạo cũng như trong hệ thống giáo dục. Vấn đáp có thể không phải là lợi thế của một số học sinh, nhưng suy cho cùng, nghe - nói - đọc - viết đều là các kỹ năng giao tiếp cơ bản. Để học sinh ngại "nói" chứng tỏ chương trình đào tạo đã không trang bị đủ kỹ năng cho người học, vì vậy, càng cần tăng cường luyện tập thay vì coi đây là hành động gây căng thẳng.
Còn với những học sinh "vẫn phải tranh thủ học khi đã ngồi sau xe bố mẹ mỗi sáng", thì dù có đổi hình thức "trả bài miệng" sang hình thức kiểm tra khác, các em sẽ vẫn vừa ăn vừa ôn bài một cách thiếu khoa học trên xe như vậy thôi.
Lấy một hành vi mang tính đối phó nhằm hủy bỏ một hoạt động sư phạm chắc chắn không phải là cách phù hợp. Ngược lại, tôi coi đây là "sự nuông chiều" của cả phụ huynh lẫn nhà trường đối với những đứa trẻ nhìn chung chưa mảy may chịu áp lực gì ngoài việc học.
Những nhận định cho rằng kiểm tra miệng đầu tiết gây căng thẳng có thể xuất phát từ hai lý do. Đầu tiên và dễ nhận thấy là cảm giác hồi hộp sợ đến lượt mình. Nhưng, theo tôi, sự lo lắng chủ yếu liên quan tới nguyên nhân thứ hai: cách kiểm tra, đánh giá của giáo viên. Nhiều giáo viên yêu cầu thuộc lòng từng câu chữ - nhất là các môn xã hội; vừa gây khó cho học sinh, vừa không đánh giá được năng lực của các em. Vấn đề này cũng đã được lãnh đạo Sở chỉ ra và khuyến cáo xóa bỏ.
Bên cạnh đó, nhiều hình phạt phụ trong trường hợp học trò không thuộc bài như: ghi sổ đầu bài, yêu cầu giáo viên chủ nhiệm khiển trách... đã tạo ra những áp lực nặng nề không cần thiết. Nhưng vấn đề này xuất phát từ yếu tố con người, phương pháp sư phạm, do đó cần điều chỉnh giáo viên, thay vì xóa bỏ hoàn toàn một công cụ giáo dục.
Cuối cùng, trong các công văn hướng dẫn về chuyên môn, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu phát huy tính chủ động, sáng tạo của giáo viên trong thực hiện chương trình. Nói cách khác, người thầy có quyền sáng tạo về phương pháp giảng dạy cũng như chủ động về hình thức quản lý lớp học, nhằm đạt các mục tiêu sư phạm.
Việc khuyến khích đổi mới, đa dạng hình thức kiểm tra trong đề nghị của Sở là phù hợp. Còn sự can thiệp quá chi tiết không làm nâng cao kỹ năng sư phạm của giáo viên, cũng không đem lại lợi ích thật sự cho học sinh.
Nguồn VnExpress.net
- Nhận diện "giặc nội xâm" lãng phí
- Khẳng định vai trò Đảng cầm quyền
- Giữ chữ tín để đi đường dài
- Phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong phản biện xã hội
- Phản bác luận điệu xuyên tạc chủ trương của Đảng về xây dựng nền văn hóa
- Tạo “vòng kim cô” kiểm soát quyền lực lập pháp
- Phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong phản biện xã hội
- Nhận diện "giặc nội xâm" lãng phí
- Chống lãng phí từ các dự án treo