Phan Kế Bính phản biện văn hóa
- Phan Kế Bính (1875 - 1921) là nhà Nho có tư tưởng duy tân rồi trở thành nhà báo, học giả, dịch giả có nhiều đóng góp xuất sắc vào cuộc chuyển động văn hóa của đất nước hồi đầu thế kỷ XX.
Ông đã thể hiện tinh thần phản biện văn hóa sâu sắc và khách quan để hưởng tới xây dựng nền văn hóa mới, hiện đại của dân tộc.
Nhà báo, học giả uyên bác
Phan Kế Bính (1875 - 1921).
Phan Kế Bính, hiệu Bưu Văn, bút hiệu Liên Hồ Tử, sinh năm 1875, quê ở làng Thụy Khuê, huyện Hoàn Long, tỉnh Hà Đông, nay là phố Thụy Khuê, quận Ba Đình, Hà Nội.
Năm 1906, ông đỗ cử nhân Hán học nhưng không ra làm quan mà chọn con đường làm báo.
Đầu tiên ông làm cho Đăng cổ tùng báo - lúc đó được xem như là cơ quan ngôn luận bán chính thức của phong trào Đông Kinh nghĩa thục.
Ông viết bằng chữ Hán và chữ Quốc ngữ và nhanh chóng trở thành một cây bút xuất sắc của làng báo Bắc kỳ.
Ở ngôn ngữ nào ông viết cũng hay, đặc biệt Việt văn của ông rất hiện đại, rất mới so với lúc bấy giờ.
Năm 1912, ông vào Sài Gòn làm cho tờ báo Quốc ngữ Lục tỉnh tân văn. Năm 1913, tờ Đông Dương tạp chí (1913 - 1919) - tờ tạp chí tiếng Việt đầu tiên xuất bản ở Hà Nội, ông đã nhận lời mời cộng tác của chủ bút Nguyễn Văn Vĩnh và trở thành cây bút chủ lực của tạp chí này.
Đông Dương tạp chí đình bản (15/9/1919), ông lại tiếp tục làm cho Học báo do Nguyễn Văn Vĩnh làm Chủ nhiệm, Trần Trọng Kim làm Chủ bút và cộng tác với báo Trung Bắc tân văn.
Nội dung các bài báo của ông phần lớn hướng đến vấn đề giáo dục và văn hóa. Ông công khai tư tưởng duy tân, hướng ngọn bút cổ vũ cho nền giáo dục, văn hóa và học thuật mới, tiến bộ.
Nhận xét về hoạt động báo chí của Phan Kế Bính, Vũ Ngọc Phan viết: “Trong nhóm Đông Dương tạp chí có lẽ ông là văn xuất sắc nhất, và về lượng, ngoài Nguyễn Văn Vĩnh, ông là người viết nhiều hơn cả.
Ông là một người thận trọng cây bút, nên văn ông rất đều; từ đầu đến cuối, trong toàn bộ Đông Dương tạp chí, bài nào của ông cũng viết kỹ càng, không bao giờ cẩu thả.
Từ cách chấm câu đến cách diễn đạt ý kiến cùng tư tưởng của ông, người ta tưởng như ông là một nhà Tây học kiêm Hán học, chứ không mấy ai có thể biết ông chỉ là một nhà Hán học thuần túy, chưa hề chịu ảnh hưởng Tây học trực tiếp”.
Sau nhiều năm làm báo, ông đã tập hợp các bài viết của mình rồi xuất bản thành sách. Cuốn đầu tiên ra mắt là Nam Hải dị nhân liệt truyện (1909); tiếp đó là cuốn Hưng đạo vương (cùng với Lê Văn Phúc, 1914); quan trọng nhất là các cuốn Việt Nam phong tục (1915) và Hán Việt văn khảo (1918).
Ở Hán Việt văn khảo, tư duy về văn chương của ông đã chuyển biến, khác hơn so với quan niệm “văn dĩ tải đạo” truyền thống của giới nhà Nho. Ông cho rằng:
“Văn chương là một thứ khoa học rất cao và rất khó, không những là một lối thù ứng tiêu khiển rất tao nhã, mà lại biểu lộ được tính tình và tư tưởng của người ta, có thể cảm xúc được nhân tâm, duy trì được phong hóa, cái công dụng của văn chương không phải là nhỏ…
"Văn chương chẳng những là một nghề chơi thanh nhã để di tính dưỡng tình mà thôi; mà lại có thể cảm động lòng người, di dịch được phong tục, chuyển biến được cuộc đời, cái công hiệu về đường giáo hóa lại càng to lắm”.
Đây là công trình có ý nghĩa khái quát các quan niệm về lý thuyết và thi pháp văn chương trung đại ở nước ta và Trung Quốc; về quy phạm 18 thể cách văn chương cổ, các phép làm văn chương thông dụng; đại cương các thời kỳ lớn của lịch sử văn chương Việt Nam và Trung Quốc; và mối quan hệ ảnh hưởng qua lại giữa hai nền văn học.
Hán Việt văn khảo có giá trị khai mở cho khoa nghiên cứu văn chương theo hướng hiện đại.
Cũng trong thời gian này ông còn xuất bản một loạt sách dịch như: Đại Nam nhất thống chí (1916); Đại Nam điển lệ toát yếu (1915 - 1916); Việt Nam khai quốc chí truyện (1917); Đại Nam liệt truyện tiền biên (1918); Đại Nam liệt truyện chính biên (1919); đặc biệt là bộ Tam quốc chí diễn nghĩa (dịch chung với Nguyễn Văn Vĩnh).
Về dịch thuật của ông, Vũ Ngọc Phan nhận định: “… văn của Phan Kế Bính thật đáng lưu truyền. Về sau, nhiều người cũng dịch cổ văn như ông trong các tạp chí văn học, nhưng không một ai theo kịp ông”.
Tiên phong phản biện văn hóa
Công trình quan trọng nhất, có giá trị nhất cả về học thuật lẫn thực tiễn của Phan Kế Bính là Việt Nam phong tục, xuất bản năm 1915.
Đây là tập hợp các bài viết của ông trên Đông Dương tạp chí. Chắc hẳn khi viết các bài báo đăng trên tạp chí ông đã có chủ định về tính hệ thống cho một công trình nghiên cứu dài hơi.
Nếu không, thật khó để khi thành sách, Việt Nam phong tục lại có bố cục khoa học của một công trình nghiên cứu văn hóa, cũng có thể nói là nhân học văn hóa đến vậy.
Sách gồm 98 mục bố cục trong 3 thiên/phần: Về phong tục trong gia tộc; Về phong tục trong hương đảng; Về phong tục trong xã hội.
Ông đặt con người trong các mối quan hệ từ hẹp đến rộng, từ gia đình, làng xã đến xã hội để khảo sát, nghiên cứu quá trình hình thành các lễ nghi, thói quen, các phong tục tập quán.
Ở mục “Bốc phệ” ông chỉ ra: “phần ứng nghiệm thì ít mà phần viển vông thì nhiều”; và ông khuyên: “…thiết tưởng người ta không nên tin, nghĩa là tin cũng vô ích không giúp thêm được việc gì mà lại thêm làm ngại lòng cho người ta nữa”.
Trong mục "Đồng cốt", ông mạnh mạnh mẽ và thẳng thắn hơn: “Khốn nạn thay cho các kẻ ngu xuẩn, chỉ tin những sự huyền hoặc, mà không biết trọng cái sự hiển nhiên... Than ôi, đạo phù thủy cùng là đạo đồng cốt còn thịnh hành ngày nào thì dân trí còn ngu xuẩn ngày ấy”.
Ở mục “Các việc kiêng cự”, ông chỉ ra: “Xem các sự kiêng kỵ của ta, thực là lắm sự nực cười, không có nghĩa lý gì, mà tục cứ thấy kiêng thì kiêng chớ không ai hiểu bởi cớ làm sao cả”.
Ông phê phán tệ cờ bạc: “Chẳng những hại một mình mà thôi, lại còn có người vì cờ bạc mà bán vợ đợ con hoặc là sinh ra ăn cắp ăn trộm thì hại lây đến vợ con cùng là người ngoài nữa. Nghề cờ bạc hại như thế, mà sao lại lắm người ham mê?”.
Khi bàn đến Nho giáo, ông chỉ ra: “Tôi thiết tưởng vật gì lâu ngày cũng phải mục nát, mà đạo nào có lúc thịnh cũng có lúc suy. Huống chi một thời biến đổi, là một cơ hội của tạo hóa xoay vần, cái nền cũ có đổ nát, thì mới gây nên được cái nền mới. Vậy thì hội này chính là dịp tấn hóa của nước ta vậy”.
Việt Nam phong tục là công trình mang đậm tinh thần duy tân và phản biện khoa học. Phương pháp khảo cứu của Phan Kế Bính là tiến bộ so với trước rất nhiều.
Ông nhìn nhận đối tượng, tức là các phong tục, trong sự vận động của nó, từ sự hình thành, hiện trạng và khả năng thay đổi trong tương lai. Và, ông chỉ ra một cách có lý, có cơ sở cho sự thay đổi đó.
Nếu Hán Việt văn khảo là công trình đóng góp vào sự hình thành nền lý luận văn học hiện đại thì Việt Nam phong tục là công trình đặt nền móng cho ngành văn hóa học, nhân học văn hóa Việt Nam.
Những công trình đó đã xác định tầm vóc văn hóa to lớn của Phan Kế Bính trong bối cảnh giao thời của đất nước đang vận động để chuyển dần lên hiện đại, đặc biệt là lĩnh vực văn hóa, học thuật, đầu thế kỷ XX.
Trong đó, bản thân Phan Kế Bính, vốn xuất phát từ nền học vấn và tư tưởng Nho gia, cũng là một cuộc vận động không hề dễ dàng để tiếp nhận những tư tưởng duy tân cấp tiến, để thực hành phản biện văn hóa vì sự tiến bộ.
Xuất thân Nho học, chưa qua Tân/Tây học, nhưng Phan Kế Bình là người cấp tiến, khá khách quan, chuẩn mực trong nhận thức về sự vận động của văn hóa, về sự vai trò cá nhân trong việc xây dựng đời sống văn hóa cộng đồng. Ông đề cao những phong tục tập quán tốt đẹp, lành mạnh, cổ xúy cho việc bảo tồn những giá trị tốt đẹp đó. Nhưng, lúc nhẹ nhàng, lúc mạnh mẽ, ông phê phán những mặt tiêu cực, lạc hậu, những thói hư tật xấu trong phong tục tập quán và chỉ ra con đường điều chỉnh, sửa đổi.
- Nhận diện "giặc nội xâm" lãng phí
- Khẳng định vai trò Đảng cầm quyền
- Giữ chữ tín để đi đường dài
- Phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong phản biện xã hội
- Phản bác luận điệu xuyên tạc chủ trương của Đảng về xây dựng nền văn hóa
- Tạo “vòng kim cô” kiểm soát quyền lực lập pháp
- Phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong phản biện xã hội
- Nhận diện "giặc nội xâm" lãng phí
- Chống lãng phí từ các dự án treo