Phản biện hay phản động
Phản biện là sự tranh luận, đưa ra những lập luận để làm rõ đúng, sai về một vấn đề cụ thể. Hoạt động phản biện đòi hỏi tư duy độc lập, bảo đảm tính khách quan khi nhìn nhận, xem xét một vấn đề cụ thể nếu không rất dễ rơi vào phản động. Phản biện và phản động chỉ khác nhau một chữ nhưng nội hàm thì hoàn toàn không giống nhau. Chỉ những người cố tình đánh tráo khái niệm hoặc đích thị là kẻ phản động mới gọi những hành vi phản động là phản biện mà thôi.
vừa qua, tại họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng đã cung cấp thông tin về vụ xét xử bà Hoàng Thị Minh Hồng và bắt giữ bà Ngô Thị Tố Nhiên. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao đã nêu rõ: Đối tượng Ngô Thị Tố Nhiên bị khởi tố, bắt tạm giam về tội chiếm đoạt tài liệu của cơ quan, tổ chức; đối tượng Hoàng Thị Minh Hồng bị tuyên phạt 3 năm tù về tội trốn thuế. Theo đó, bị cáo Ngô Thị Tố Nhiên (nguyên là Giám đốc Công ty TNHH Sáng kiến về chuyển dịch năng lượng Việt Nam) đã móc nối, chiếm đoạt nhiều tài liệu quan trọng liên quan đến việc hoạch định chính sách phát triển lưới điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam trong năm 2020. Trong khi đó, bị cáo Hoàng Thị Minh Hồng (nguyên Giám đốc Trung tâm Hành động và liên kết vì môi trường và phát triển), từ năm 2012-2022 đã chỉ đạo nhân viên không xuất hóa đơn giá trị gia tăng, không thực hiện đầy đủ thủ tục về kế toán, hóa đơn chứng từ nhằm trốn thuế hơn 6,7 tỷ đồng. Tại tòa, bị cáo Hoàng Thị Minh Hồng thừa nhận hành vi phạm tội và khai đã vận động gia đình khắc phục hơn 3,5 tỷ đồng.
Tuy nhiên, bất chấp thực tế này, các thế lực thù địch, phản động lại đưa ra những luận điệu sai trái, xuyên tạc bản chất vụ việc. Các trang VOA, RFA, RFI… và một số trang mạng xã hội vốn thù địch với Việt Nam đã đăng tải những bài viết với nội dung sai trái, xuyên tạc như: Việt Nam cấm cản những người hoạt động môi trường; Việt Nam không có tự do trong hoạt động môi trường; lên tiếng bảo vệ môi trường ở Việt Nam sẽ bị phạt tù… Từ những luận điệu xuyên tạc, phản động nêu trên, chúng cho rằng chính quyền Việt Nam đang đàn áp những nhà hoạt động vì môi trường, không quan tâm bảo vệ môi trường. Những hội, nhóm dân chủ giả hiệu này còn lớn tiếng đòi thả tự do cho đối tượng phạm tội, cố tình phớt lờ bản chất của các vụ án. Lợi dụng phản biện xã hội để bôi nhọ, xuyên tạc về tự do nhân quyền hoặc các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ta không phải lần đầu chúng thực hiện. Đã có nhiều đối tượng bất chấp quy định của quốc tế, Hiến pháp, luật pháp Việt Nam để phạm tội hoặc cổ xúy, kích động cho kẻ khác vi phạm rồi lại chống chế rằng đó là phản biện xã hội. Còn nhớ khi cơ quan chức năng bắt tạm giam hay xét xử các đối tượng như: Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Phạm Thị Đoan Trang, Cù Huy Hà Vũ… thì những luận điệu tương tự cũng đã diễn ra. Trên thực tế, qua điều tra, xác minh những đối tượng đó đều có hành vi vi phạm pháp luật Việt Nam rất rõ ràng. Mặc dù số này luôn miệng hô khẩu hiệu đấu tranh vì dân chủ, nhân quyền nhưng lại thường xuyên kích động thù hằn, tụ tập, lôi kéo, gây rối trật tự công cộng, đẩy mạnh việc tán phát những tài liệu, thông tin độc hại nhằm gây nhiễu loạn dư luận, hình thành các nhận thức sai lầm trong xã hội.
Bên cạnh tội danh chiếm đoạt tài liệu cơ quan, tổ chức của Ngô Thị Tố Nhiên, trốn thuế của Hoàng Thị Minh Hồng hay một số đối tượng đã nêu ở trên thì cũng có không ít kẻ sử dụng chiêu thức thư ngỏ, kiến nghị. Thoạt nghe có vẻ rất bài bản, chuẩn chỉnh nhưng thực chất là một vỏ bọc khác cho mục đích xấu. Nội dung thư mang tính phản biện nhưng lại thể hiện bằng ngôn ngữ công kích, bóp méo sự thật. Thay vì gửi đến cơ quan chức năng có thẩm quyền tiến hành từng bước theo quy định thì các đối tượng này lại đăng tải trên trang mạng xã hội. Sau đó, chúng trả lời phỏng vấn các báo, đài nước ngoài với nội dung xuyên tạc chủ trương, đường lối lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, thổi phồng những tồn tại, hạn chế đời sống xã hội ở một số nơi.
Thực tế, trên thế giới không có một quốc gia tự do, dân chủ nào có thể dung túng, chấp nhận những thủ đoạn lợi dụng phản biện xã hội để làm rối loạn xã hội như vậy. Trong các quy định của quốc tế hay của các quốc gia phương Tây cũng không có câu chữ nào cho phép con người được sử dụng quyền tự do của mình để đi ngược với quy định pháp luật. Cụ thể, Điều 29, Tuyên ngôn Quốc tế về nhân quyền năm 1948 khẳng định: Trong khi thụ hưởng các quyền tự do cá nhân phải chịu những hạn chế do luật định, nhằm mục đích duy nhất là đảm bảo việc thừa nhận và tôn trọng đối với các quyền tự do của những người khác và đòi hỏi chính đáng về đạo đức, trật tự công cộng và phúc lợi chung cho một xã hội dân chủ. Tại khoản 2, Điều 22 của Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị ghi: “Việc thực hiện những quyền này không hạn chế, trừ những hạn chế do pháp luật quy định, vì lợi ích an ninh quốc gia, an toàn và trật tự công cộng và để bảo vệ sức khỏe hoặc đạo đức của công chúng hay các quyền tự do của người khác”...
Ở Việt Nam, tất cả mọi người đều bình đẳng và có nghĩa vụ tuân thủ các quy định của pháp luật. Mọi hành vi vi phạm pháp luật đều phải bị xét xử nhằm đảm bảo tính nghiêm minh; bảo đảm sự thụ hưởng đầy đủ các quyền và tự do của mỗi người dân trong một xã hội an toàn, trật tự, công bằng. Quyền của con người nếu được thực hiện một cách chính đáng sẽ không thể bị bắt giữ, xét xử. Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn khuyến khích các hoạt động phản biện xã hội. Tuy nhiên, việc thực hiện phản biện đó phải với ý thức trách nhiệm, tinh thần xây dựng và được tiến hành theo đúng quy định Hiến pháp, pháp luật. Việt Nam luôn ủng hộ, khuyến khích phản biện xã hội và coi đây là giải pháp quan trọng nhằm tiếp thu mọi ý kiến của các tầng lớp nhân dân để hoàn thiện thể chế, chính sách phục vụ nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, thời gian qua, bên cạnh những ý kiến phản biện xã hội tích cực cũng xuất hiện không ít tổ chức, cá nhân ở cả trong và ngoài nước đã lợi dụng phản biện xã hội để thực hiện âm mưu chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Vì vậy, mỗi người dân Việt Nam cần phân biệt rõ đâu là những kẻ chống phá, càn quấy, phá bĩnh, đội lốt phản biện xã hội. Vàng, thau không thể lẫn lộn, những giọng điệu đó, chúng ta nếu cảnh giác đều có thể phân biệt được.
- Khẳng định vai trò Đảng cầm quyền
- Giữ chữ tín để đi đường dài
- Phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong phản biện xã hội
- Phản bác luận điệu xuyên tạc chủ trương của Đảng về xây dựng nền văn hóa
- Tạo “vòng kim cô” kiểm soát quyền lực lập pháp
- Phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong phản biện xã hội
- Nhận diện "giặc nội xâm" lãng phí
- Chống lãng phí từ các dự án treo
- Cảnh giác với chiêu trò mạo danh "phản biện xã hội" nhằm chống phá cách mạng Việt Nam