Phản biện xã hội - phương thức hiệu quả phát huy quyền làm chủ của Nhân dân
Công tác phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp TPHCM đã được quy định trong nhiều văn bản của Thành ủy và đã được cụ thể hóa thông qua các hoạt động phản biện xã hội trong thời gian vừa qua, đã trở thành hoạt động trọng tâm, đột phá của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội TP, là phương thức hiệu quả phát huy quyền làm chủ của Nhân dân.
Thứ Bảy, ngày 21 tháng 12 năm 2024
Phản biện xã hội - phương thức hiệu quả phát huy quyền làm chủ của Nhân dân
(Thanhuytphcm.vn) - Công tác phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp TPHCM đã được quy định trong nhiều văn bản của Thành ủy và đã được cụ thể hóa thông qua các hoạt động phản biện xã hội trong thời gian vừa qua, đã trở thành hoạt động trọng tâm, đột phá của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội TP, là phương thức hiệu quả phát huy quyền làm chủ của Nhân dân.
Hoạt động phản biện xã hội ngày càng đi vào nền nếp
Luật MTTQ Việt Nam (2015) quy định tính chất, mục đích và nguyên tắc phản biện xã hội: “Phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam là việc Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trực tiếp hoặc đề nghị các tổ chức thành viên của MTTQ Việt Nam nhận xét, đánh giá, nêu chính kiến, kiến nghị đối với dự thảo văn bản pháp luật, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án, đề án của cơ quan nhà nước”.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 chỉ rõ: “Phát huy hệ thống MTTQ TP cùng các tổ chức thành viên xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân; vận động tập hợp Nhân dân, tăng cường sự đồng thuận, thắt chặt mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân;... tăng cường thực hiện phản biện xã hội đối với 4 chương trình phát triển TP (gồm 3 chương trình đột phá và 1 chương trình trọng điểm phát triển TP)”.
Thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, thời gian qua, công tác phản biện xã hội trong hệ thống MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội TP luôn được Ban Thường vụ Thành ủy quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Do đó, nhận thức về phản biện xã hội được nâng lên; nội dung, phương thức thực hiện thực chất hơn, tập trung vào những vấn đề quan trọng, liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân và dư luận xã hội quan tâm, bức xúc; cơ sở pháp lý của công tác phản biện xã hội được củng cố, hoàn thiện hơn. Trên cơ sở các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp xây dựng, triển khai, thực hiện công tác phản biện xã hội tập trung vào các chương trình, dự án có tác động, ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân.
Trong 10 năm qua, hệ thống MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp TP đã tổ chức được 3.739 hội nghị phản biện xã hội (TP: 54 hội nghị; quận, huyện, TP Thủ Đức: 346 hội nghị, phường, xã, thị trấn: 3.139 hội nghị). Đồng thời tổ chức phản biện xã hội thông qua hình thức gửi văn bản đối với 5.829 văn bản, trong đó TP: 517 văn bản; quận huyện, TP Thủ Đức: 489 văn bản; phường, xã, thị trấn: 4.823 văn bản.
Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP tổ chức ký kết với Thường trực UBND TP quy chế phối hợp tổ chức phản biện xã hội nhằm tăng cường mối quan hệ phối hợp trong hoạt động phản biện xã hội. Trong đó đáng chú ý là tổ chức 2 hội nghị phản biện các chương trình, kế hoạch, đề án của UBND TP thực hiện Nghị quyết 54/2017/QH14 của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM và các dự thảo triển khai thực hiện Nghị quyết số 98/2013/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM.
Các tổ chức chính trị - xã hội TP tích cực tham gia góp ý các nghị quyết của Đảng, dự thảo văn bản luật, nghị định hướng dẫn thi hành luật; tham gia phản biện các chương trình, đề án, kế hoạch của Thành ủy, UBND TP trong các lĩnh vực. Đối với hoạt động phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội quận, huyện, TP Thủ Đức, phường, xã, thị trấn tập trung vào dự thảo các kế hoạch của các cấp ủy đảng, dự thảo chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng - an ninh của địa phương.
Nhìn chung hoạt động phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam TP ngày càng đi vào nền nếp, đảm bảo được việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của Nhân dân trên địa bàn TP.
Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức phản biện xã hội
Tuy nhiên, thực tế hiện nay ở một số địa phương, cơ quan, đơn vị do chưa chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến công tác phản biện xã hội dẫn đến nhận thức chưa đầy đủ vai trò, tầm quan trọng của công tác phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam TP và các tổ chức chính trị - xã hội. Một số nơi việc thực hiện còn mang tính hình thức, còn nhầm lẫn giữa phản biện xã hội với góp ý, chủ yếu tập trung góp ý kỹ thuật soạn thảo văn bản, chưa đảm ứng yêu cầu của việc phản biện xã hội.
Các hình thức phản biện xã hội chủ yếu thông qua hình thức gửi văn bản phản biện, chưa tổ chức phản biện, đối thoại trực tiếp giữa cơ quan có thẩm quyền, người có thẩm quyền với người dân trực tiếp liên quan. Chưa phát huy tốt vai trò của các chuyên gia, nhà khoa học, người có kinh nghiệm hoạt động thực tiễn trên các lĩnh vực phục vụ cho việc thực hiện công tác phản biện xã hội...
Thực tiễn cho thấy, MTTQ Việt Nam TPHCM và các tổ chức chính trị - xã hội TP đảm nhận vai trò là một trong những chủ thể được Nhân dân ủy quyền để thực hiện quyền làm chủ của Nhân dân, thông qua quyền giám sát và phản biện xã hội. Do vậy, trong thời gian tới, cần thiết phải phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam và Nhân dân trong công tác giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền các cấp TP, đặc biệt khi TP tổ chức thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội, Nghị quyết số 131/2020/QH14 của Quốc hội khóa XIV về tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM.
Cụ thể, cần nâng cao nhận thức trong hệ thống chính trị và trong các tầng lớp Nhân dân về công tác phản biện xã hội, xem đây là nội dung quan trọng, là giải pháp căn bản, là phương thức để phát huy hiệu quả quyền làm chủ của Nhân dân theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân hưởng thụ”, để công tác phản biện xã hội tiếp tục là hoạt động đột phá của Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội TP. Thực tiễn chứng minh nơi nào có quan tâm, có nhận thức đúng về công tác phản biện xã hội thì nơi đó thực hiện có hiệu quả và ngược lại. Cần xác định rõ chức năng, nhiệm vụ phản biện xã hội của Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội TP thực sự phải là một chủ thể, có tiếng nói độc lập, đại diện cho Nhân dân để phản biện đối với việc xây dựng, thực thi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức phản biện xã hội theo hướng chủ động, có trọng tâm, trọng điểm, dân chủ, khách quan, mang tính xây dựng, không ngại va chạm. Tập trung phản biện xã hội đối với những chủ trương, chính sách lớn, trọng yếu, ưu tiên những vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; lựa chọn những nội dung, vấn đề mà người dân đang quan tâm để phản biện xã hội, điển hình như các lĩnh vực liên quan đến đất đai, quy hoạch, đền bù giải phóng mặt bằng, chi thu nhập tăng thêm, giao thông đô thị…
Cùng đó, phát huy vai trò của chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, các nhân sĩ, trí thức, doanh nhân, người có kinh nghiệm thực tiễn, các hội đồng tư vấn, ban tư vấn, tổ tư vấn, những người am hiểu đối với các lĩnh vực phản biện xã hội nhằm tư vấn, đề xuất trong quá trình thực hiện. Đối với các nội dung phức tạp, bức xúc trong Nhân dân, những nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau cần thu thập thông tin, tiến hành khảo sát, tìm hiểu thực tiễn để nắm tình hình một cách cụ thể, chính xác, qua đó thực hiện phản biện xã hội cụ thể, sắc nét, thuyết phục.
Đặc biệt, cần xem xét nâng hoạt động phản biện xã hội thành luật, trong đó xác định hoạt động phản biện xã hội là một trong những quy định bắt buộc khi ban hành một văn bản quy phạm pháp luật, đồng thời quy định chế tài cụ thể về trách nhiệm, thời hạn gửi dự thảo văn bản đề nghị phản biện xã hội và việc giải trình, tiếp thu ý kiến, trách nhiệm trả lời các kiến nghị sau giám sát của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.
Nam Thanh
- Giám sát, phản biện xã hội sớm từ cơ sở
- Giám sát thường xuyên phải hiệu quả
- Giám sát thường xuyên phải hiệu quả
- Phản biện xã hội dự án Luật Việc làm (sửa đổi
- Giám sát thường xuyên phải hiệu quả
- Để giám sát, phản biện xã hội trở thành thương hiệu của Mặt trận
- Cảnh giác trước chiêu trò lợi dụng phản biện xã hội để chống phá
- Thực hiện tốt phương châm "vì việc tìm người
- Hà Nội nhận diện 18 biểu hiện vi phạm dân chủ trong công tác quy hoạch; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư