Phát huy sức mạnh đoàn kết, đồng lòng xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại

Thứ tư, ngày 9 tháng 10 năm 2024 | 9:25

Hà Nội, những khoảnh khắc tháng 10 thật đặc biệt. Từ Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh 2/9 trên quảng trường Ba Đình, đến những ngày tháng lịch sử 10/10/1954, khi Thủ đô rực rỡ cờ hoa với niềm hân hoan đón mừng đoàn quân chiến thắng trở về. Sự kiện đánh dấu một bước ngoặt có ý nghĩa to lớn, mở ra một thời kỳ vẻ vang trong lịch sử nghìn năm văn hiến của Thăng Long-Đông Đô-Hà Nội.

Diện mạo đô thị và hạ tầng giao thông Thủ đô ngày càng khang trang, hiện đại. (Ảnh DUY LINH)
Diện mạo đô thị và hạ tầng giao thông Thủ đô ngày càng khang trang, hiện đại. (Ảnh DUY LINH)

Sứ mệnh và sức mạnh của Thủ đô Anh hùng

Quãng thời gian 70 năm so với lịch sử hơn một nghìn năm của Thủ đô Hà Nội là không dài, nhưng đây là giai đoạn rất đáng tự hào và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Trong suốt thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đã phát huy sức mạnh đoàn kết, bản lĩnh, đi đầu trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị, cùng đất nước vượt qua nhiều chặng đường cam go, thử thách, vun đắp truyền thống văn hiến và anh hùng của Thăng Long để Hà Nội thêm tỏa sáng trong thời đại Hồ Chí Minh.

Sau ngày giải phóng, Hà Nội bắt tay ngay vào công cuộc khôi phục và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; khắc phục những hậu quả của chế độ thực dân để lại. Thành phố vừa nỗ lực xây dựng chủ nghĩa xã hội, vừa cùng nhân dân miền bắc dốc sức chi viện cho chiến trường miền nam. Hà Nội đã cùng quân, dân miền bắc làm nên chiến thắng lẫy lừng “Điện Biên Phủ trên không” năm 1972, góp phần quan trọng buộc đế quốc Mỹ phải ký Hiệp định Paris rút quân khỏi nước ta, mở đường cho Đại thắng Mùa xuân năm 1975.

Đất nước thống nhất, Hà Nội cùng nhân dân cả nước nỗ lực vượt qua muôn vàn khó khăn do hậu quả nặng nề của chiến tranh; bị bao vây cấm vận; bởi cơ chế tập trung quan liêu bao cấp không còn phù hợp… Trước những thử thách ngặt nghèo đó, Hà Nội cùng cả nước quyết tâm tiến hành công cuộc đổi mới, từng bước vượt qua khủng hoảng kinh tế-xã hội.

Từ năm 1986 đến nay, Hà Nội gương mẫu đi đầu tiến hành sự nghiệp đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo. Thành tựu đạt được qua gần 40 năm đổi mới khẳng định nguồn lực nội sinh mạnh mẽ của Thủ đô Anh hùng, nhất là dấu ấn trong thực hiện quyết định lịch sử của Đảng và Nhà nước về mở rộng địa giới hành chính Hà Nội từ ngày 1/8/2008.

Trên chặng đường ấy, Thủ đô luôn gương mẫu đi đầu từ công tác xây dựng Đảng, đến các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh. Trong đó, Đảng bộ thành phố luôn thể hiện được vai trò tiên phong, gương mẫu, không ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo để đưa Thủ đô vững bước đi lên, đúng như mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đảng bộ Hà Nội phải làm gương mẫu cho các đảng bộ khác”.

Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước

Những năm gần đây, cùng với cả nước, Hà Nội phải đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách, nhất là đại dịch Covid-19 hoành hành dẫn đến suy thoái kinh tế toàn cầu và gần đây là cơn bão số 3 (siêu bão Yagi) gây ảnh hưởng lớn đến hạ tầng, đời sống nhân dân. Bằng nhiều giải pháp quyết liệt, đúng đắn, kịp thời, cùng truyền thống xuyên suốt là sự đoàn kết, thống nhất cao được thấm nhuần, cấp ủy, chính quyền từ thành phố đến cơ sở cùng nhân dân đã vững vàng vượt qua thiên tai, dịch bệnh.

Hình ảnh cán bộ các cấp cùng lực lượng vũ trang, các ngành, đoàn thể sát cánh cùng nhân dân vượt qua gian khó, bảo đảm tính mạng, sức khỏe đến chăm lo bữa cơm, giấc ngủ của mỗi người dân, đã để lại ấn tượng sâu sắc, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, bồi đắp thêm niềm tin với Đảng, với chính quyền và cả hệ thống chính trị. Vừa tập trung chỉ đạo khắc phục hậu quả do bão, lũ gây ra, Hà Nội vừa trực tiếp đồng hành, hỗ trợ các tỉnh, thành phố khác khắc phục hậu quả của mưa bão, lũ lụt, thể hiện rõ tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước”.

Thành phố đã duy trì mạch tăng trưởng liên tục hàng thập kỷ. Cụ thể, trong gần 40 năm đổi mới, năng suất lao động của Hà Nội tăng bình quân hơn 7%/năm. Tăng trưởng kinh tế Thủ đô cao hơn tăng trưởng chung cả nước. Thu ngân sách nhà nước qua các năm đều lập nên những mốc mới cao hơn, năm 2023 đã đạt hơn 410 nghìn tỷ đồng, dẫn đầu cả nước về thu nội địa.

Công tác an sinh xã hội, tiến bộ xã hội được quan tâm; quốc phòng-an ninh được củng cố và tăng cường; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng lên. Hà Nội xây dựng nông thôn mới về đích trước hai năm so với kế hoạch. Đến nay, 100% các xã, huyện đạt chuẩn nông thôn mới; đời sống người dân ngày càng được nâng cao với mức thu bình quân hơn 151 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo năm 2023 còn 0,03%, nhiều quận, huyện không còn hộ nghèo.

Công tác quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị có nhiều chuyển biến tích cực; nhiều dự án, công trình giao thông trọng điểm được triển khai, đưa vào sử dụng và phát huy hiệu quả như hai tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông và Nhổn-Ga Hà Nội. Cùng với việc cơ bản khép kín đường vành đai 1, vành đai 2, vành đai 3, thành phố và các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh đang quyết liệt triển khai dự án đường vành đai 4-Vùng Thủ đô, phấn đấu hoàn thành đường song hành trong năm 2025, mở ra không gian, tạo thêm động lực phát triển cho cả vùng Đồng bằng sông Hồng.

 

Lĩnh vực văn hóa-xã hội tiếp tục phát triển cả quy mô và chất lượng, trong đó nhiều chỉ tiêu dẫn đầu cả nước. Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22/2/2022 về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn tới năm 2045” và là địa phương đầu tiên của cả nước có một nghị quyết chuyên đề về phát triển công nghiệp văn hóa.

Có được những kết quả quan trọng đó là nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành của cấp ủy và chính quyền các cấp có nhiều đổi mới, hiệu quả. Ngày 7/8/2023, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 24-CT/TU về “Tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị thành phố Hà Nội” để xử lý, giải quyết nhiều việc mới, việc khó, khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Thành phố cũng thực hiện phân cấp, ủy quyền theo hướng tăng tính chủ động hơn cho các địa phương, để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, điều hành, đẩy mạnh đầu tư hạ tầng xã hội, hạ tầng giao thông.

Quy mô, vị thế, tầm vóc của thành phố hôm nay

Nhìn lại chặng đường 70 năm qua, ai cũng vui mừng, tự hào khi thấy thế và lực của Thủ đô không ngừng phát triển. Từ một thành phố có diện tích và dân số nhỏ (152,2 km2 với 437.000 người) vào năm 1954, Hà Nội hôm nay mang tầm vóc một đô thị lớn với diện tích 3.359,84 km2, dân số khoảng 8,5 triệu người. Đảng bộ Hà Nội ngày càng lớn mạnh với 50 đảng bộ trực thuộc, hơn 2.300 tổ chức cơ sở đảng, hơn 480.000 đảng viên.

Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội tự hào cùng cả nước đã xây dựng và phát triển Thủ đô từng bước xứng đáng với vai trò trung tâm chính trị-hành chính quốc gia, trái tim của cả nước.

Hà Nội cũng chưa khi nào có được quy mô, vị thế, tầm vóc và cơ hội phát triển như bây giờ... nhưng yêu cầu đặt ra đối với Hà Nội cũng không thể như với các địa phương khác... Đảng bộ Hà Nội cần phải có tầm nhìn không chỉ là một vài năm hay một nhiệm kỳ trước mắt, mà phải nhìn xa hơn thế nữa, với những cách làm, bước đi phù hợp trước mắt, tận dụng tối đa những thời cơ, vận hội, huy động được nguồn lực tổng hợp... để phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô.

Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Đây cũng chính là những tiền đề quan trọng để Thủ đô tiếp tục hướng đến những mục tiêu lớn lao hơn trong giai đoạn tiếp theo. Muốn vậy, Đảng bộ thành phố phải nỗ lực, quyết tâm hơn nữa, hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 17 đã đề ra. Cùng với đó, thành phố chuẩn bị kỹ lưỡng cả về văn kiện và nhân sự để tổ chức thành công đại hội đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 18, góp phần tổ chức thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Trong đó, Đảng bộ thành phố sẽ tập trung cụ thể hóa các yêu cầu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đối với Hà Nội trong giai đoạn tới, đó là: Thủ đô phải phát triển nhanh, bền vững, kết hợp hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, bảo vệ môi trường; bảo đảm an ninh, an toàn và hạnh phúc của nhân dân; với triết lý phát triển của Thủ đô dựa trên năm trụ cột: Văn hóa và con người; ba chuyển đổi (chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn); hạ tầng đồng bộ, hiện đại, có tính kết nối cao; kinh tế số, đô thị thông minh; khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Thành phố cũng tập trung cụ thể hóa Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” và đưa Luật Thủ đô (sửa đổi) sớm đi vào cuộc sống, tháo gỡ hiệu quả các “điểm nghẽn”, “nút thắt” về cơ chế, giải phóng nguồn lực; đồng thời sớm hoàn thiện các điều kiện, thủ tục để đưa các huyện lên quận, trước mắt là hai huyện Đông Anh và Gia Lâm; phát triển hai thành phố trực thuộc là thành phố phía bắc sông Hồng (thuộc địa phận các quận, huyện Đông Anh-Mê Linh-Sóc Sơn) và thành phố phía tây (trên địa phận Hòa Lạc-Xuân Mai).

Nhìn lại những giá trị thời đại, tự hào về chặng đường đã qua của Hà Nội, mỗi cán bộ, đảng viên cùng toàn thể nhân dân lại càng thêm nỗ lực, trách nhiệm, chung sức, đồng lòng để cống hiến nhiều hơn, viết tiếp những trang sử hào hùng để xây dựng và kiến tạo Thủ đô thêm giàu đẹp, văn minh, hiện đại, xứng đáng với những công lao và sự hy sinh to lớn của các thế hệ đi trước đã không ngừng bồi đắp để có một “Thăng Long-Đông Đô-Hà Nội nghìn năm văn hiến”, “Thủ đô Anh hùng”, “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”, “Thành phố vì hòa bình”, Thành phố sáng tạo - xứng đáng là Thủ đô, trái tim của cả nước.