Phát huy vai trò đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ Thủ đô: Cần cơ chế, chính sách cụ thể, khả thi

Thứ ba, ngày 24 tháng 12 năm 2024 | 9:45

Luật Thủ đô năm 2024 được thông qua với nhiều kỳ vọng mang đến sự đột phá về phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô Hà Nội.

Để Luật thực sự đi vào cuộc sống, các chuyên gia, nhà khoa học đã đề xuất nhiều cơ chế, chính sách cụ thể phát huy trí tuệ đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ để thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô Hà Nội một cách bền vững, hiệu quả.

huong-dan-sinh-vien-thuc-ha.jpg

Hướng dẫn sinh viên thực hành tại Trung tâm Phenikaa đào tạo thiết kế vi mạch bán dẫn (Trường Đại học Phenikaa).

Động lực từ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo

Nghị quyết số 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đặt ra mục tiêu đến năm 2030 tốc độ tăng trưởng Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân giai đoạn 2021-2025 cao hơn mức tăng bình quân chung của cả nước; GRDP giai đoạn 2026-2030 tăng 8,0-8,5%/năm; GRDP bình quân đầu người đạt 12.000-13.000 USD.

Luật Thủ đô năm 2024 có hiệu lực từ ngày 1-1-2025 đã thể chế hóa cơ bản Nghị quyết số 15-NQ/TƯ, giúp Hà Nội đứng trước cơ hội lớn để tạo đột phá trên nhiều lĩnh vực, trong đó có kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, theo nhiều nhà quản lý, chuyên gia, Hà Nội hiện đang đứng trước nhiều thách thức, trong đó có việc phải thoát được bẫy thu nhập trung bình 7.000 USD/người hiện nay. Hà Nội phấn đấu đến 2030 thu nhập bình quân đầu người sẽ đạt 12.000-13.000 USD và muốn vậy, tốc độ tăng trưởng phải cao.

Để giải quyết các thách thức trên, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo phải là khâu đột phá, trong đó cần chú trọng đầu tư cho yếu tố nguồn nhân lực. Đây vừa là tiềm lực, vừa là động lực, vừa là giải pháp.

Chính vì vậy, Hà Nội đã và đang kêu gọi các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành của các lĩnh vực đưa ra nhiều tư vấn, kiến nghị, góp ý để xây dựng các nghị quyết trình HĐND thành phố thông qua, qua đó cụ thể hóa Luật Thủ đô. Trong các vấn đề cần cụ thể hóa có thu hút, kết nối nguồn nhân lực chất lượng cao trong và ngoài nước... cũng như cụ thể hóa các cơ chế mới trong Luật Thủ đô liên quan đến doanh nghiệp khởi nguồn, dịch vụ mới, mô hình kinh doanh mới...

Bên cạnh đó là xác định chương trình khoa học trọng điểm của thành phố, các sản phẩm khoa học công nghệ chủ lực để tránh đầu tư dàn trải; xây dựng các chương trình khoa học công nghệ cụ thể để thành phố tập trung nguồn lực thực hiện, kêu gọi đầu tư, ưu đãi đầu tư, thu hút các nhà đầu tư chiến lược...

Nhiều đóng góp tâm huyết

Trong thời gian qua, đáp lại sự cầu thị của thành phố trong triển khai Luật Thủ đô năm 2024, nhiều chuyên gia, nhà khoa học đã hiến kế, đưa ra những giải pháp tâm huyết để phát huy hết vai trò của khoa học, công nghệ, trong đó có yếu tố nhân lực trên hành trình phát triển của Thủ đô thời gian tới.

Giáo sư, Tiến sĩ Chu Hoàng Hà, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho rằng, để thực hiện thành công việc phát triển khoa học và công nghệ trọng điểm, Hà Nội cần xác định rõ vai trò và tầm quan trọng của đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ trình độ cao, thực hiện một số biện pháp chiến lược, như: Mở rộng cơ hội hợp tác và tìm kiếm nhân tài; xây dựng chính sách ưu đãi trong tuyển dụng và đãi ngộ hấp dẫn, không chỉ cạnh tranh trong nước mà với cả các khu vực trên thế giới; khuyến khích sự trở về của các nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài bằng cách tạo ra các cơ hội việc làm hấp dẫn và các chương trình nghiên cứu trọng điểm…

Trong khi đó, Tiến sĩ Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ nhấn mạnh, điểm mới của Luật Thủ đô (sửa đổi) là đã có quy định tại Điều 36 về thí điểm thành lập Quỹ đầu tư mạo hiểm. “Tôi đánh giá cao quy định này của Luật Thủ đô năm 2024. Như thế, Hà Nội sẽ là địa phương đầu tiên thí điểm thành lập Quỹ đầu tư mạo hiểm của Nhà nước để trải nghiệm và định hướng xã hội về đầu tư mạo hiểm, hoàn thiện các quy định pháp luật để phát triển loại hình Quỹ đầu tư mạo hiểm, huy động vốn xã hội cho khởi nghiệp sáng tạo, chuyển giao được công nghệ và kết quả nghiên cứu cho doanh nghiệp, hình thành các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Trong khuôn khổ thẩm quyền của HĐND và UBND thành phố, có thể tích hợp một số nội dung về các vấn đề liên quan trong một số nghị quyết hay quyết định để bảo đảm không ban hành quá nhiều văn bản, nhưng vẫn bao hàm đầy đủ các nội dung cần thiết, quan trọng là phải có tính cụ thể và tính khả thi. Đồng thời định kỳ đánh giá hiệu quả áp dụng để điều chỉnh kịp thời, nhất là các chính sách mang tính thí điểm”, Tiến sĩ Nguyễn Quân nói.

Dưới góc nhìn của mình, Tiến sĩ Lê Xuân Rao, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội nhìn nhận, về lĩnh vực cơ khí tự động hóa, thành phố Hà Nội đến năm 2045 sẽ phải hoàn thành khoảng 600km đường sắt đô thị, trong đó có cả đoạn trên cao và đoạn ngầm dưới lòng đất. Để hoàn thành một khối lượng đường sắt lớn như thế, cộng với vấn đề duy tu bảo dưỡng, cần đặt ra vấn đề về hình thành cơ chế, phương án hỗ trợ doanh nghiệp khoa học và công nghệ của thành phố tham gia vào những chuỗi giá trị này, đề ra định hướng sản phẩm chủ lực, như: Đầu máy điện, toa xe, ô tô điện...; những sản phẩm cơ khí bổ trợ, như: Vật liệu, ray tốc độ cao…

Nhiều giải pháp khá cụ thể đã được các nhà khoa học, chuyên gia... đưa ra để phát huy vai trò của đội ngũ nhân lực, doanh nghiệp khoa học công nghệ, đóng góp vào sự phát triển của Hà Nội, đặc biệt khi Luật Thủ đô năm 2024 đi vào cuộc sống. Vấn đề giờ phụ thuộc vào cách thức triển khai các giải pháp đó.