Phó Tổng Giám đốc IMF: Việt Nam đi đúng hướng trong phục hồi và phát triển sau đại dịch
Sáng ngày 16/5, tiếp tục chương trình công tác tại Hoa Kỳ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã điện đàm với Phó Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), bà Antoinette Monsio Sayeh.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã điện đàm với Phó Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), bà Antoinette Monsio Sayeh - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng Phạm Minh Chính cảm ơn và đánh giá cao IMF đã hỗ trợ tiếp cận vaccine, tài chính, tư vấn chính sách cho Việt Nam trong phòng, chống dịch COVID-19, sự đồng hành, hỗ trợ của IMF đối với quá trình phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng, hoạch định chính sách kinh tế vĩ mô; khẳng định Việt Nam đang phát huy sự hỗ trợ này một cách hiệu quả, đúng mục đích.
Thủ tướng cho biết, nhờ phòng chống dịch hiệu quả, Việt Nam đã đạt được một số thành tựu trong quá trình phục hồi kinh tế-xã hội sau đại dịch. Hiện, Việt Nam đang triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội với gói hỗ trợ trị giá khoảng 4% GDP, bao gồm 5 cấu phần: Mở cửa nền kinh tế gắn với đầu tư nâng cao năng lực y tế, phòng, chống dịch bệnh; bảo đảm an sinh xã hội và giải quyết việc làm; hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh; đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng; cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Trong đó, việc đầu tư phát triển vừa nhằm hiện đại hóa hệ thống hạ tầng để vừa tạo việc làm, vừa thúc đẩy tăng trưởng.
Thủ tướng Chính phủ đề nghị IMF đồng hành cùng Việt Nam trong thực hiện mục tiêu trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng Chính phủ cũng đề nghị IMF hỗ trợ thực hiện chương trình phục hồi và phát triển; tư vấn, khuyến nghị chính sách và hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo nguồn nhân lực; giúp Việt Nam triển khai hiệu quả kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021-2025) và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021-2030); đồng hành cùng Việt Nam trong thực hiện mục tiêu trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045.
Trước mắt, Thủ tướng đề nghị IMF hỗ trợ, tư vấn cho Việt Nam trong đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô; phát triển thị trường vốn minh bạch, bền vững; kiểm soát lạm phát; phát triển logistics, giảm phí vận tải; đổi mới công nghệ, chuyển đổi số; đa dạng hóa chuỗi cung ứng; chống biến đổi khí hậu; chuyển đổi năng lượng...
Phó Tổng Giám đốc IMF bày tỏ vui mừng về mối quan hệ đối tác tốt đẹp giữa Việt Nam-IMF; đánh giá cao nỗ lực và giải pháp của Chính phủ Việt Nam trong kiểm soát dịch bệnh. Bà cho rằng, nhờ chiến dịch tiêm chủng hiệu quả nên Việt Nam có triển vọng rất tốt trong phục hồi và phát triển sau dịch, tiến trình này đang đi đúng hướng, nhất là với chương trình phục hồi và phát triển của Chính phủ.
Trao đổi về những khó khăn, thách thức mà các nước đang phải đối mặt trong bối cảnh môi trường khu vực và quốc tế đầy rủi ro và biến động do tình hình dịch bệnh và xung đột làm trầm trọng thêm việc đứt gãy chuỗi cung ứng, Phó Tổng giám đốc IMF đưa ra một số khuyến nghị, khẳng định Việt Nam là một trong những đối tác tốt và IMF sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam theo các đề nghị của Thủ tướng Chính phủ.
Nguồn https://baochinhphu.vn/pho-tong-giam-doc-imf-viet-nam-di-dung-huong-trong-phuc-hoi-va-phat-trien-sau-dai-dich-102220517005157101.htm
- Serbia kiên quyết từ chối trừng phạt Nga bất chấp sức ép từ Đức
- Nga tự tin trụ vững trước áp lực từ các lệnh trừng phạt của phương Tây
- Cai dầu, châu Âu vẫn nhận khí đốt từ Nga?
- Việt Nam được bầu làm Phó Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hợp Quốc
- Dự báo có 4 tỷ hành khách đi lại bằng đường hàng không vào năm 2024
- Phương Tây chia rẽ về việc cung cấp vũ khí hạng nặng cho Ukraine
- Đại sứ Nga bỏ họp LHQ giữa chừng vì phát biểu của châu Âu
- Tổng thống Biden xem xét nới lỏng thuế quan với Trung Quốc
- Chủ tịch Liên minh châu Phi kêu gọi giải phóng ngũ cốc khi gặp ông Putin