Phòng ngừa tội phạm “từ sớm, từ xa”
Với phương châm phòng ngừa tội phạm “từ sớm, từ xa”, thời gian qua Ban Chỉ đạo Phòng, chống tội phạm và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc thành phố Hà Nội (Ban Chỉ đạo 138) đã hoàn thành các nhiệm vụ đề ra. Những kết quả đó góp phần bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội và lan tỏa phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Diễn tập phòng cháy, chữa cháy tại phường Dịch Vọng (quận Cầu Giấy). Ảnh: Vân Nhi
Duy trì 108 mô hình, điển hình toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc
Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc Công an thành phố, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo 138 thành phố cho biết, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, diễn biến phức tạp... Cùng với đó là sự gia tăng tội phạm hoạt động trên không gian mạng, như: Sử dụng công nghệ cao để cho vay lãi và đòi nợ, xuất hiện hình thức “tín dụng đen” mà người vay không biết đối tượng cho vay... Tội phạm sử dụng ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tạo ra các sản phẩm công nghệ dưới dạng âm thanh, hình ảnh, video giả mạo người có quan hệ với bị hại, sau đó thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Trước tình hình nêu trên, cùng với công tác đấu tranh phòng ngừa của lực lượng công an, việc đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc có ý nghĩa quan trọng. Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn thành phố đang duy trì 108 mô hình, điển hình trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và được nhân rộng đến 6.419 điểm tổ dân phố, khu dân cư, xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục.
Nhiều mô hình được xây dựng mới, nhân rộng và phát huy hiệu quả, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự. Trong đó, Công an thành phố đã đề nghị và được Bộ Công an ghi nhận, giới thiệu 3 mô hình: “Mô hình họ giáo an toàn về an ninh, trật tự tại xã Vân Phúc, huyện Phúc Thọ”; “Mô hình sổ tay phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật” của Công an quận Hà Đông; “Mô hình chuyên đề liên kết bảo đảm an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn tại các khu đô thị, khu chung cư cao tầng” trên địa bàn quận Tây Hồ.
Huy động sức mạnh của toàn dân
Với thực tế ở địa phương, Phó Chủ tịch UBND phường Dịch Vọng Hậu (quận Cầu Giấy) Nguyễn Thị Ngọc Ánh, Trưởng ban Chỉ đạo 138 phường nhấn mạnh tầm quan trọng của việc huy động sức mạnh toàn dân trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm an ninh chính trị, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, văn minh, trật tự đô thị trên địa bàn. Ngay từ đầu năm, Ban Chỉ đạo 138 phường đã chỉ đạo Công an phường chủ động xây dựng, duy trì các mô hình, chuyên đề nhằm đấu tranh phòng, chống tội phạm như: “Tổ xung kích tuyên truyền phổ biến pháp luật, phòng chống tội phạm”, lắp đặt camera an ninh... Ngoài ra, Công an phường chủ động tham mưu với Đảng ủy, UBND phường Dịch Vọng Hậu xây dựng mô hình “Cổng trường an toàn văn minh”. Các mô hình này đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức cảnh giác của quần chúng nhân dân về phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm; phát huy giá trị của camera an ninh trong công tác đấu tranh phòng, chống, truy xét, truy tìm tội phạm trên địa bàn phường.
Nhấn mạnh việc tiếp tục triển khai hiệu quả phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng cho biết, nhiệm vụ trọng tâm của Ban Chỉ đạo 138 thành phố là tăng cường các giải pháp kiềm chế, kéo giảm tội phạm và các điều kiện, nguy cơ phát sinh tội phạm. Cụ thể là đẩy lùi tệ nạn xã hội, triệt xóa các điểm, tụ điểm phức tạp về trật tự xã hội, không để tội phạm lộng hành, tạo chuyển biến tích cực về trật tự, an toàn xã hội, góp phần xây dựng xã hội kỷ cương, an toàn, lành mạnh.
Để thực hiện hiệu quả phương châm “phòng ngừa tội phạm từ sớm, từ xa”, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Hồng Sơn, Trưởng ban Chỉ đạo 138 thành phố yêu cầu các đơn vị vào cuộc quyết liệt, mạnh mẽ hơn trong việc tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng ngừa tội phạm. Một trong những cách làm là tổ chức cho 100% gia đình trên địa bàn tổ dân phố, thôn ký cam kết không vi phạm pháp luật cũng như tích cực tố giác tội phạm. “Người đứng đầu các sở, ngành, chính quyền các cấp phải chịu trách nhiệm cao nhất trong việc bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn, lĩnh vực quản lý, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên”, đồng chí Lê Hồng Sơn nhấn mạnh.
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Vương Hương Giang:
Chú trọng tuyên truyền pháp luật tại cơ sở giáo dục
Năm học 2023-2024, toàn thành phố có 2.874 trường mầm non, phổ thông; 29 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên với gần 2,3 triệu học sinh và hơn 123 nghìn giáo viên. Với đặc thù quy mô lớn như vậy, toàn ngành Giáo dục luôn xác định rõ vai trò nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật tại các cơ sở giáo dục.
Trong đó, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội phối hợp cùng Công an thành phố tổ chức các chuyên đề tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về an ninh mạng, sử dụng mạng xã hội an toàn, nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ, phòng chống ma túy học đường, xâm hại trẻ em... Trong thời gian tới, Sở tiếp tục phối hợp với Công an thành phố tuyên truyền, triển khai giảng dạy tích hợp bộ tài liệu phòng cháy, chữa cháy trong các nhà trường. Hiện nay, Sở đang xin ý kiến Bộ Giáo dục và Đào tạo để triển khai 3 bộ tài liệu tập huấn, hướng dẫn giáo viên và học sinh trong các nhà trường do Công an thành phố biên soạn.
Thượng tá Phạm Đức Hà, Phó Trưởng phòng PA05 (Công an thành phố Hà Nội):
Tập trung phòng ngừa tội phạm sử dụng công nghệ cao
Tội phạm sử dụng công nghệ cao đã và đang triệt để sử dụng không gian mạng để tiến hành các hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Trong hai năm 2022 và 2023, Công an thành phố tiếp nhận 2.600 đơn của người bị hại và đã nhận diện 24 thủ đoạn lừa đảo. Hiện nay, tội phạm trên không gian mạng đứng thứ hai trong số các loại tội phạm.
Để nâng cao hiệu quả trong công tác phòng ngừa, đấu tranh với loại tội phạm này, trước hết cần tăng cường công tác phân tích, xử lý và dự báo tình hình liên quan cũng như các phương thức, thủ đoạn mới của các đối tượng, có giải pháp phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả. Trong đó, chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, phổ biến tình hình an ninh mạng, các phương thức, thủ đoạn hoạt động phạm tội và hành vi của chúng trên không gian mạng để người dân hiểu, phòng tránh. Công an thành phố sẽ chủ động tham mưu xây dựng quy chế phối hợp với các sở, ngành, tổ chức tín dụng, nhà cung cấp dịch vụ viễn thông… nhằm tạo thuận lợi trong công tác phối hợp xử lý các vụ việc.
Phó Bí thư Thường trực Thành đoàn Hà Nội Nguyễn Đức Tiến:
Ngăn chặn tội phạm trong thanh, thiếu niên
Thời gian qua, Ban Thường vụ Thành đoàn Hà Nội đã triển khai hiệu quả hoạt động của Đội thanh niên tình nguyện “Thắp sáng niềm tin” tại 579 xã, phường, thị trấn. Mỗi câu lạc bộ có từ 5 đến 7 đoàn viên thanh niên, trong đó có 1 đồng chí cán bộ Công an, nhằm cảm hóa, giúp đỡ, giáo dục thanh, thiếu niên sau cai nghiện hòa nhập cộng đồng. Đồng thời giúp đỡ, dạy nghề, giới thiệu việc làm, hướng dẫn họ phát triển kinh tế...
Với sự vào cuộc của Đoàn thanh niên các cấp, công tác phòng ngừa, ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm trong thanh, thiếu niên được triển khai hiệu quả. Nhờ đó góp phần giảm số lượng thanh, thiếu niên sử dụng trái phép chất ma túy, nghiện ma túy, vi phạm pháp luật về ma túy hằng năm. Đồng thời, góp phần xây dựng thế hệ thanh, thiếu niên có ý thức công dân, chấp hành pháp luật, có sức khỏe và lối sống lành mạnh, nâng cao vai trò, trách nhiệm trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tuấn Minh ghi
\
- Thủ tướng Chính phủ đồng ý nghỉ 9 ngày liên tục trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025
- Cháy rừng ở Sóc Sơn ngày càng khó kiểm soát
- Lễ hội cây cảnh hoa giấy Phù Đổng - “Sắc hoa trên miền di sản”
- Khuyến cáo công dân Việt Nam không đến Ukraine do căng thẳng leo thang
- Trách nhiệm, đồng lòng chống lãng phí
- Phân bổ 948 tỷ đồng (đợt 3) hỗ trợ khắc phục hậu quả cơn bão số 3
- Phân bổ 948 tỷ đồng (đợt 3) hỗ trợ khắc phục hậu quả cơn bão số 3
- Phân bổ 948 tỷ đồng (đợt 3) hỗ trợ khắc phục hậu quả cơn bão số 3
- Phân bổ 948 tỷ đồng (đợt 3) hỗ trợ khắc phục hậu quả cơn bão số 3