Quét sạch chủ nghĩa cá nhân

Thứ sáu, ngày 22 tháng 3 năm 2024 | 16:17

Muốn ngăn chặn “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, trước tiên phải kiên quyết, kiên trì ngăn chặn, quét sạch chủ nghĩa cá nhân và các bệnh từ chủ nghĩa cá nhân phát tác.

Điều lệ Đảng quy định: “Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam là chiến sĩ cách mạng trong đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, suốt đời phấn đấu cho mục đích, lý tưởng của Đảng, đặt lợi ích của Tổ quốc, của giai cấp công nhân và nhân dân lao động lên trên lợi ích cá nhân…”. Đảng viên có nhiệm vụ “không ngừng học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ kiến thức, năng lực công tác, phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng có lối sống lành mạnh; đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, cục bộ quan liêu, tham nhũng, lãng phí và các biểu hiện tiêu cực khác…”. Đây là lời tuyên thệ của đảng viên khi được kết nạp Đảng. Thế nhưng hiện nay, có một số đảng viên được bầu, bổ nhiệm giữ các vị trí công tác lại rơi vào chủ nghĩa cá nhân, làm trái với lời thề danh dự, gây mất niềm tin và bức xúc trong dư luận.

Phấn đấu được đứng trong hàng ngũ của Đảng, được cống hiến tài đức cho sự nghiệp cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng là lựa chọn, động cơ đúng đắn và niềm tự hào của nhiều người cũng như là niềm hãnh diện cho gia đình, dòng họ. Thực tế cho thấy, nhiều đảng viên đã vượt qua khó khăn về sức khỏe, hoàn cảnh gia đình… phấn đấu rèn luyện bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, vươn lên để hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao tại cơ quan, đơn vị, địa phương.

Tinh thần quyết tâm phấn đấu vì Đảng, vì dân của người cán bộ, đảng viên thể hiện rõ trong việc phối hợp tổ chức triển khai nhiệm vụ, tháo gỡ khó khăn, quyết liệt thực thi, kiên trì giải thích, vận động quần chúng nhân dân thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, chấp hành pháp luật của Nhà nước. Điểm chung của những cán bộ, đảng viên tiêu biểu là không tơ hào, không tham lam, cho dù thu nhập từ lương, phụ cấp còn eo hẹp. Đáng trân trọng hơn khi có nhiều cán bộ, đảng viên tự nguyện hiến đất, tài sản cho các công việc xã hội. Họ được nhân dân tôn trọng, tin yêu.

Tuy nhiên, bên cạnh những cán bộ, đảng viên kiên trung và mẫu mực thì vẫn có một bộ phận cán bộ, đảng viên quên đi nghĩa vụ cống hiến, coi trọng lợi ích và sa vào hưởng thụ bằng nhiều cách thức, biện pháp tinh vi. Thống kê được Ủy ban Kiểm tra Trung ương công bố cuối năm 2023 trong Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác kiểm tra, giám sát của Đảng năm 2023; triển khai nhiệm vụ năm 2024, đã cho thấy rõ thực trạng này. Theo đó, năm 2023, cấp ủy các cấp và chi bộ đã thi hành kỷ luật 423 tổ chức Đảng, tăng 2,92% so với năm 2022; thi hành kỷ luật 18.130 đảng viên, tăng 10,64% so với năm 2022, trong đó có 3.073 cấp ủy viên.

Theo dõi các phiên tòa xét xử những người đã từng đảm nhận các chức vụ cho thấy, không ít người đã không vượt qua được tham sân si, sa vào chủ nghĩa cá nhân, buông lỏng trách nhiệm, tham nhũng, ăn hối lộ… Biểu hiện rõ nhất là các hành vi “moi” tiền ngân sách thông qua việc khai, lập hợp đồng khống, mua hóa đơn để hợp lý hóa hồ sơ chi tiêu. Đó còn là biểu hiện cửa quyền, tạo ra nhiều “giấy phép con”, “mệnh lệnh con”, gây khó khăn, phiền hà...; thậm chí là tham nhũng chính sách. Họ câu kết, lập ra các điều kiện thực thi khắt khe rồi tạo điều kiện cho các công ty sân sau trúng thầu, trúng dự án, làm mất đi sự công bằng và tính cạnh tranh để được “lại quả”. Tuy nhiên, nguy hiểm hơn cả là tham nhũng quyền lực. Hiện tượng tiến thân bằng văn bằng giả, bố trí người nhà, cánh hẩu vào các vị trí công tác chủ chốt, quyền lực, nhiều bổng lộc đã tạo ra vây cánh… chưa được chấn chỉnh triệt để.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra các căn bệnh từ chủ nghĩa cá nhân. Đó là bệnh quan liêu, bệnh tham lam, bệnh lười biếng, bệnh kiêu ngạo, bệnh hiếu danh, bệnh “hữu danh vô thực”, bệnh tị nạnh, bệnh xu nịnh, bệnh a dua và kéo bè kéo cánh. Để phòng, ngừa các loại bệnh ấy cần làm tốt hơn nữa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, làm cho tổ chức Đảng các cấp thực sự trong sạch, vững mạnh.

Muốn đạt kết quả đó cần sự nỗ lực và những đảng viên kiên trung, trước hết là cần nhiều, rất nhiều bí thư, cấp ủy gương mẫu, nói và làm đúng quy định của Đảng, có tác phong làm việc khoa học, cụ thể, tỉ mỉ và hiệu quả. Đặc biệt, họ phải là những người đi đầu trong phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, có khả năng ngăn chặn kịp thời những hành vi, biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân trong tổ chức.

Các cấp ủy cần mở rộng dân chủ, duy trì chế độ sinh hoạt Đảng nền nếp, nguyên tắc, chặt chẽ; tổ chức kiểm tra, giám sát có trọng tâm, trọng điểm, trong đó cần tập trung vào kiểm tra, giám sát những cá nhân chủ trì triển khai nghị quyết, thực hiện những công việc có tính chiến lược, liên quan đến ngân sách, tài chính và tài sản cũng như cán bộ phụ trách công tác cán bộ. Ngoài ra, mỗi đảng viên cần thực hiện nghiêm Quy định số 24-QĐ/TƯ ngày 30-7-2021 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về thi hành Điều lệ Đảng, trong đó có quy định quyền của đảng viên trong việc phê bình, chất vấn tổ chức Đảng. Cụ thể, đảng viên được phê bình, chất vấn, báo cáo, kiến nghị trực tiếp hoặc bằng văn bản trong phạm vi tổ chức của Đảng về hoạt động của tổ chức Đảng và đảng viên ở mọi cấp; về những vấn đề liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức Đảng hoặc chức trách, nhiệm vụ, phẩm chất đạo đức của đảng viên đó; chịu trách nhiệm trước tổ chức Đảng về ý kiến của mình.

Muốn ngăn chặn “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, trước tiên phải kiên quyết, kiên trì ngăn chặn, quét sạch chủ nghĩa cá nhân và các bệnh từ chủ nghĩa cá nhân phát tác. Lực lượng chống chủ nghĩa cá nhân trong nội bộ chính là những cán bộ, đảng viên có tinh thần dám đấu tranh được tập hợp dưới cấp ủy, tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh thực sự. Nếu còn tình trạng chạy theo thành tích, đánh giá tổ chức Đảng, đảng viên chung chung thì dễ bị chủ nghĩa cá nhân thao túng.